Tạo bệ đỡ cho không gian sáng tạo

Nơi lưu giữ một mảnh hồn đô thị

Trong “khu vườn đẹp nhất thế gian” - như cách gọi trìu mến của bà chủ không gian sáng tạo mang tên Ơ kìa Hà Nội, công chúng Thủ đô có thể tiếp cận dày đặc những sự kiện nghệ thuật hấp dẫn và bổ ích. Ơ kìa Hà Nội còn cất giấu trong mình kho báu ký ức, hoài niệm cùng những lát cắt di sản chỉ Hà Nội có, chỉ Hà Nội yêu. Bởi thế, địa chỉ văn hóa quen thuộc này đã trở thành nơi lưu giữ một mảnh hồn đô thị và nhiệt tâm lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống đương đại hôm nay.

Buổi đối thoại phim và nhạc “Sự im lặng của mùa hè” tổ chức tại không gian Ơ kìa Hà Nội.
Buổi đối thoại phim và nhạc “Sự im lặng của mùa hè” tổ chức tại không gian Ơ kìa Hà Nội.

Điểm hẹn của những người đam mê nghệ thuật 

Những ngày cuối năm 2020 vừa rồi, Ơ kìa Hà Nội vừa tưng bừng chào đón sinh nhật lần thứ tư. Và chỉ mới trong tháng đầu năm 2021, không gian ăm ắp sắc mầu nghệ thuật này đã kịp tổ chức hàng loạt sự kiện lớn nhỏ để bắt đầu “một tháng miên man hội hè”, như lời nữ đạo diễn điện ảnh Nguyễn Hoàng Điệp chia sẻ. 

Mở màn bằng đêm nhạc Songs for my daughter của nghệ sĩ Tây Ban Nha Diego Chula cùng Carmen vào ngày 8-1, buổi tọa đàm Họ nói gì khi nói về fantasy (thể loại văn học kỳ ảo) với sự có mặt của những cây bút trẻ Nguyễn Dương Quỳnh - Ngân Zeta cùng Đức Anh diễn ra chỉ một ngày sau đó. Rồi tọa đàm văn chương Y Ban bất kham, với sự góp mặt của nhà nghiên cứu văn học Hoàng Tố Mai và nhà văn Uông Triều đã đến với công chúng yêu văn học ngày 16-1. Một tuần sau, Ơ kìa Hà Nội công chiếu phim mới Nếu một ngày họ được yêu của đạo diễn trẻ Đào Chí Đức vào ngày 23. Để rồi tưng bừng đêm nhạc Sẻ chia yêu thương của ban nhạc đường phố Sign In cũng chỉ sau đó một buổi.

Bà chủ đặc biệt đam mê những thán từ “ơ kìa”, “úi chà” đã kịp lên một bản kế hoạch đầy bận rộn, với tần suất dày đặc những sự kiện định kỳ xen lẫn hoạt động đậm chất ngẫu hứng. Với sự chung tay góp sức của “Thần đèn” Nghiêm Quốc Cường, như cách Điệp yêu thương gọi ông chồng kiến trúc sư luôn âm thầm đứng sau hỗ trợ vô điều kiện của mình, có thể mường tượng một khối lượng công việc khổng lồ mà cặp chủ nhân Ơ kìa Hà Nội phải gồng gánh, khi mỗi tháng sẽ tuần tự ra mắt bốn sự kiện thuộc bốn lĩnh vực: văn chương - điện ảnh - âm nhạc và di sản. Đó là không kể những hoạt động “bất thình lình” kiểu như đêm nhạc Sẻ chia yêu thương kể trên, khi bộ óc luôn sở hữu cả kho ý tưởng độc lạ của bà chủ chợt lóe lên một tia lửa nào đó. Điệp xếp những chương trình kiểu đó vào nhóm “tùy thuộc thời điểm”, có cảm hứng, có cơ hội là làm. Ngoài ra, chị còn ôm ấp hai sự kiện lớn đầy tâm huyết cho năm 2021, một đêm sinh nhật dành cho cố nhà thơ “mây trắng” (ngày 17-4) và một tuần thơ dạng mini - festival cho cặp đôi thi sĩ tài danh Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh (dịp 29-8). 

Điệp dường như sở hữu một nguồn năng lượng sáng tạo vô tận. Khi vừa vận hành hoạt động “khu vườn đẹp nhất thế gian” mà chị gọi bằng nhiều cái tên: phòng trà - quán cà-phê - phòng trưng bày nghệ thuật… vừa quảng bá, truyền thông và định vị thương hiệu không gian sáng tạo bằng chuỗi các sự kiện phong phú, đa dạng. Từ không gian nho nhỏ của mình, Điệp tạo dựng những thương hiệu đã trở nên vô cùng quen thuộc như Ơ kìa Cinema (Rạp chiếu bóng nhỏ nhất thế gian), Thư viện Ơ kìa, Thanh xuân công xưởng, Căn bếp Úi chà… Dưới bóng rợp mát xanh của Ơ kìa Hà Nội, chị tổ chức những Khóa học bảo tồn di sản, chuỗi sự kiện Di sản kể chuyện hay Vì một Hà Nội đáng sống. Rồi những buổi trò chuyện nghệ thuật (art talk) với nhiều gương mặt diễn giả truyền cảm hứng mà chị “thật sự may mắn khi được họ đồng hành trên cùng con thuyền” như nhà thơ Dư Thị Hoàn đã ba chục năm ẩn dật, như Đông Mai - chị gái nhà thơ Xuân Quỳnh, như nhiều thế hệ nghệ sĩ điện ảnh - nhà phê bình văn học - họa sĩ - nhạc sĩ - kiến trúc sư nổi tiếng, như nhiều gương mặt trẻ đầy nội lực sáng tạo và ôm ấp giấc mơ đưa Việt Nam lên bản đồ nghệ thuật toàn cầu. Từ góc nhìn cá nhân, tôi nghĩ Điệp có khả năng “liên tài”, khi có thể mời gọi - quy tụ và tập hợp những cái tên uy tín nhất cho không gian Ơ kìa Hà Nội chỉ bằng duy nhất lòng nhiệt huyết và mong muốn “cùng nhau nhé, chúng mình sẽ làm cuộc sống ngày một ơ kìa hơn”.  

Lan tỏa bằng tinh thần hiệp sĩ 

Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp từng được Bộ Văn hóa Pháp trao tặng tước hiệu Hiệp sĩ Văn chương nghệ thuật vào năm 2016. Ở mọi nơi chị xuất hiện, tình yêu nghệ thuật cùng nhiệt tâm kích thích động lực sáng tạo luôn lan tỏa và mang lại cảm xúc tích cực cho những người chung quanh. Có thể nói, Ơ kìa Hà Nội mà chị đầu tư toàn bộ tâm huyết, thời gian, công sức và tiền bạc để gây dựng suốt bốn năm qua vừa là nơi nhen nhóm, thắp lên, vừa là nơi dưỡng nuôi, gìn giữ cho ngọn lửa sáng tạo nghệ thuật luôn cháy đượm. Trên hành trình gian nan và đầy rẫy khó khăn ấy, Điệp đã bền chí kiên gan đặt từng bước chân, với tâm thế và tinh thần của một hiệp sĩ. 

Hiện tại, không gian sáng tạo của Điệp đã hội đủ những cái gạch đầu dòng quan trọng, khi vừa tạo ra bản sắc, sức hấp dẫn vừa truyền cảm hứng sáng tạo - chia sẻ và giúp tái sinh đô thị. Nhưng sau một thời gian dài tự thân vận động tổ chức những sự kiện phi lợi nhuận mà không hề có bất kỳ nhà tài trợ nào, bài toán cân bằng thu chi, câu hỏi làm thế nào để có tiền tổ chức sự kiện luôn khiến đôi vợ chồng nghệ sĩ đau đầu. Điệp bảo, đã có thời kỳ chị rơi vào tình trạng “hờn cả thế giới” khi không có bàn tay nào chìa ra hỗ trợ cho những hoạt động cộng đồng hiệu quả mà Ơ kìa Hà Nội đã làm được. Dịch Covid-19 hoành hành khiến không gian sáng tạo lao đao mất nửa năm, nhưng nó cũng giúp chị nhận ra nhiều điều. Điệp bảo, “từ chỗ trông chờ những khoản đầu tư hoạt động ra tấm ra món, tôi đã trân quý hơn những đóng góp dù là nhỏ nhất từ phía những người yêu mến. Từ chỗ cứ đề cập tới tiền nong là đỏ mặt xấu hổ, tôi đã suy nghĩ rành mạch hơn, rằng Ơ kìa Hà Nội phải tạo ra giá trị kinh tế từ những hoạt động nghệ thuật mới đúng nghĩa là không gian sáng tạo. Và đó mới là hướng phát triển bền vững mà chúng tôi cần theo đuổi”. 

Tổ chức chuyên đề:

PHƯƠNG THẢO, NGHĨA NAM.