Nỗi lo dài, ngắn

Dù dịch bệnh đã được kiểm soát, song nhiều đơn vị nghệ thuật biểu diễn vẫn đang lâm vào tình cảnh vô cùng khó khăn khi không thể tổ chức chương trình biểu diễn, không có kinh phí chi trả lương cho cán bộ, nghệ sĩ, nhiều nhà hát tự chủ đứng trước bờ vực giải thể… Hoạt động nghệ thuật biểu diễn, đặc biệt là sân khấu truyền thống vốn dĩ đã khó khăn, giờ lại càng trở nên bế tắc…

Bệnh sĩ (NH Kịch Việt Nam) sẽ biểu diễn mở màn đợt “ra quân” của các đơn vị nghệ thuật biểu diễn thuộc Bộ VHTTDL từ tối 23-5. Ảnh: HIỀN NGUYỄN
Bệnh sĩ (NH Kịch Việt Nam) sẽ biểu diễn mở màn đợt “ra quân” của các đơn vị nghệ thuật biểu diễn thuộc Bộ VHTTDL từ tối 23-5. Ảnh: HIỀN NGUYỄN

Đã khó lại càng khó

Đơn cử như Liên đoàn Xiếc Việt Nam, nếu quý I-2019, doanh thu từ bán vé biểu diễn đạt hơn 2,4 tỷ đồng thì quý I năm nay doanh thu không có. Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã chuẩn bị nhiều tiết mục đặc sắc, công phu để phục vụ dịp Tết Canh Tý và biểu diễn tại Đồng Nai. Rạp thì chưa kịp biểu diễn, đoàn đi diễn ở Đồng Nai chỉ được ba suất thì có dịch, phải ngừng lại tất cả. Chỉ tính riêng việc đi diễn ở Đồng Nai dịp đầu năm, Liên đoàn đã bị lỗ hàng trăm triệu đồng bởi công vận chuyển dụng cụ, thuê bến bãi… Chế độ lương, thưởng cho các nghệ sĩ giảm đáng kể trong khi nhiều nghệ sĩ, diễn viên vẫn phải làm việc như duy trì việc chăm sóc thú, tập luyện với thú (đối với xiếc thú) và nghệ sĩ thì phải tập luyện để không bị xơ cứng cơ thể… Các nhà hát truyền thống như Nhà hát (NH) Tuồng Việt Nam, NH Cải lương Việt Nam, NH Chèo Việt Nam thì càng khó khăn gấp bội, số diễn viên trẻ mới vào NH có nguy cơ phải bỏ nghề vì thu nhập quá ít ỏi, lại không có cơ hội biểu diễn…

Đối với các đơn vị tự chủ như NH Nghệ thuật Đương đại Việt Nam và NH Ca múa nhạc Việt Nam, người lãnh đạo đang như “ngồi trên đống lửa”. Bà Nguyễn Thị Quỳnh Trang, Quyền Giám đốc NH Nghệ thuật Đương đại Việt Nam cho biết: “Từ tháng 2 đến nay, NH không hề có nguồn thu nào. Sự thâm hụt rất lớn về nguồn thu, đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của NH và đời sống của cán bộ, diễn viên và nhân viên. Trước tình hình khó khăn như vậy, tất cả cán bộ, diễn viên đều đã đồng lòng chấp nhận mức tiền hỗ trợ bằng 30% của mức lương cơ bản trong tháng 3 và tháng 4. Ban Giám đốc tình nguyện không nhận lương”.

Ngay cả khi dịch bệnh đã được kiểm soát thì cũng phải mất một khoảng thời gian rất dài, thậm chí cả năm mới có thể kéo khán giả trở lại thói quen vào xem trực tiếp tại rạp. Với các đơn vị sân khấu phục vụ cho thiếu nhi sẽ càng khó khăn hơn khi mà lịch học bù, thi cử của học sinh sẽ khiến phụ huynh không còn tâm trí để cho con em đi xem giải trí nghệ thuật nữa... Vì vậy, nhiều lãnh đạo các đơn vị nghệ thuật dự đoán, ảnh hưởng của dịch Covid-19 sẽ khiến ngành nghệ thuật biểu diễn thất thu hết cả năm 2020.

Cần chuyển đổi phương thức

Việc một số đơn vị nghệ thuật chủ động xây dựng NH online trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội đã cho thấy một hướng đi mới tiếp cận khán giả cần được tiếp tục duy trì.

Cùng với đó, trong kế hoạch hành động mới nhất của ngành văn hóa, các đơn vị nghệ thuật trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) sẽ có cuộc “ra quân” đồng loạt tại các địa điểm như: Trung tâm chiếu phim quốc gia, NH Lớn Hà Nội, Trung tâm nghệ thuật Âu Cơ, NH Tuổi Trẻ, NH Kim Mã, NH Hồng Hà, NH Múa rối Trung ương, Không gian văn hóa Việt 16 Lê Thái Tổ... Với các NH chưa có rạp biểu diễn như NH Cải lương Việt Nam, NH Kịch Việt Nam sẽ được Bộ bố trí biểu diễn ở địa điểm của các NH khác như NH Lớn, NH Kim Mã... Mỗi NH, mỗi đơn vị nghệ thuật lựa chọn một chương trình nghệ thuật hay vở diễn hay nhất để biểu diễn trong dịp này. Theo dự kiến, NH Kịch Việt Nam sẽ biểu diễn mở đầu với vở Bệnh sĩ của cố tác giả Lưu Quang Vũ vào tối 23-5, Trung tâm chiếu phim quốc gia sẽ chọn một bộ phim hay để chiếu vào tối chủ nhật 24-5.

Về lâu dài, Bộ VHTTDL cần nghiên cứu giải pháp xây dựng và thực hiện một số đề án, dự án phát triển và hỗ trợ sự phát triển của nghệ thuật tương tự như một số đề án đã triển khai đạt hiệu quả trước đây, như Đề án đào tạo diễn viên, nhạc công cho các đơn vị nghệ thuật tuồng, nghệ thuật chèo, nghệ thuật cải lương và dân ca kịch chuyên nghiệp trong cả nước giai đoạn 2016 - 2018; Dự án sân khấu học đường… tăng cường đặt hàng tác phẩm chất lượng cao đối với các NH, xây dựng các đề án phát triển đối với từng loại hình nghệ thuật, đặc biệt là đối với sân khấu truyền thống... Việc chuyển đổi các đơn vị nghệ thuật sang mô hình tự chủ ở một số tỉnh, thành phố đã và đang bộc lộ rất nhiều bất cập hay vấn đề cơ chế, chính sách đãi ngộ đặc thù để có thể giữ chân tài năng cho ngành nghệ thuật truyền thống… Đó đều là những vấn đề cấp bách, đe dọa sự tồn vong của nhiều đơn vị và cả các chuyên ngành nghệ thuật biểu diễn, đòi hỏi sự đầu tư tâm sức của các cơ quan quản lý để có thể xây dựng những giải pháp tháo gỡ hiệu quả, không chỉ khi xảy ra khủng hoảng như hiện tại.