Những "thỏi nam châm" ở cơ sở

Nhân lực để triển khai luôn là trở ngại khó khăn nhất đối với phần lớn hoạt động của các tổ chức Ðoàn. Bởi lẽ, hoạt động Ðoàn là tình nguyện. Câu chuyện nhỏ dưới đây, phần nào cho thấy: phong trào sôi nổi vẫn là "thỏi nam châm" thu hút thanh niên.

Thanh niên An Hà hào hứng tham gia các hoạt động của Ðoàn xã.
Thanh niên An Hà hào hứng tham gia các hoạt động của Ðoàn xã.

Nhỏ, nhưng ý nghĩa

Cứ gần dịp 26-3, anh Lê Thanh Tuấn - Bí thư Ðoàn xã An Hà, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang, lại đặc biệt bận rộn. Trong văn phòng Ðoàn xã, tất cả mọi người đều tất bật chuẩn bị cho buổi lễ kỷ niệm chào mừng sinh nhật Ðoàn. Có người nói đùa: "Ðợt này về, có khi con gái anh Tuấn quên luôn mặt bố mất rồi!".

"Chớp mắt đã hơn một thập niên", anh Tuấn bắt đầu câu chuyện, kể về chặng đường kết nạp, trưởng thành, rồi trở thành thủ lĩnh của đội ngũ đoàn viên xã An Hà. "Máu" hoạt động, chất lãnh đạo của anh Tuấn được bộc lộ từ nhỏ. Từ khi còn là đội viên, anh đã luôn là một Liên đội trưởng nhiệt huyết với mọi hoạt động của trường, Ðoàn. Rất nhanh chóng, anh lọt vào "mắt xanh" của Ban Chấp hành Ðoàn xã thời kỳ đó. Anh Ðồng Văn Hào, Bí thư Chi đoàn thôn Hà, nghe đến phần này của câu chuyện, thốt lên: "Ðến bây giờ chúng mình vẫn đang dùng cách này để gây dựng nên đội ngũ đoàn viên, Ban Chấp hành Ðoàn kế cận". Quả thật, hoạt động trại hè thường niên của xã An Hà là cơ hội thuận lợi nhất cho Ðoàn Thanh niên xã thu hút, tập hợp đoàn viên.

Cứ đến hè, Ban Chấp hành Ðoàn lại tham mưu cho UBND xã: Năm chẵn thì tổ chức thi bóng đá giữa các thôn, năm lẻ thì cắm trại cho thanh thiếu niên. "Ðá bóng phải tập luyện thường xuyên, thi đấu nửa tháng. Trại hè luôn có hẳn một tháng để tập luyện và chuẩn bị. Trong thời gian đó, có bạn nào tiềm năng là mình phải nhắm trước luôn", anh Tuấn chia sẻ. Hơn nữa, thông qua các hoạt động đó, thanh thiếu niên trong xã sẽ biết đến Ðoàn nhiều hơn, thích tham gia hoạt động xã hội hơn. Anh Hào cũng khoe: "Năm Covid vừa rồi, xã An Hà vẫn kịp tranh thủ một tháng hè, khi dịch chưa bùng phát, tổ chức được giải đấu cho các em".

Một mô hình hoạt động nữa mà anh Tuấn cũng rất tự hào là chương trình văn nghệ từ thiện. Nguồn nhân lực, vật lực được anh huy động từ chính đội ngũ thanh niên làm loa đài, MC đám cưới của xã. Họ thường sẽ chọn một ngày "xấu" nhất, không có đám cưới, đám hỏi gì, để mang loa, mang đài đến từng thôn làm chương trình văn nghệ. Trước mỗi tối diễn như vậy, Ðoàn xã sẽ khảo sát, lập một danh sách trẻ em hiếu học có hoàn cảnh khó khăn cần được nhận hỗ trợ của thôn đó. Sau đêm diễn, toàn bộ số tiền quyên góp được sẽ thông báo công khai và chia đều, phát ngay cho các bạn nhỏ được lựa chọn. Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, cả công tác tổ chức lẫn tình hình kinh tế đều gặp khó khăn, thế nhưng Ðoàn xã An Hà vẫn tổ chức được một chương trình văn nghệ, quyên góp được 13,8 triệu đồng, tặng 13 suất quà cho 13 học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.

Còn đối với Quách Thị Hồng Nhung, cô giáo mầm non mới ra trường, hiện là đoàn viên khối trường học của xã An Hà, thì mô hình do anh Tuấn khởi xướng mà cô tâm đắc nhất lại là "Tiếng loa học bài". Tại xã An Hà, các em học sinh có một thói quen mỗi buổi tối: Ðợi loa nhắc học bài của chú Tuấn. Ðúng 19 giờ tối vào mùa hè, 19 giờ 30 phút khi đông tới, trên hệ thống loa phát thanh của xã sẽ phát lời nhắc nhở: đã đến giờ tự học tại nhà của các em, cha mẹ hãy vặn nhỏ ti-vi, loa đài… Chính những mô hình nhỏ nhưng ý nghĩa như vậy đã khiến thanh thiếu niên trong xã cảm thấy gần gũi hơn với tổ chức Ðoàn.

Và để có được những mô hình hoạt động hiệu quả, yếu tố quan trọng nhất nằm ở chính những con người nhiệt huyết và tận tâm.

"Bắt trend" để đến gần hơn với người trẻ

Rõ ràng, để có thể thu hút, tập hợp được đoàn viên tham gia hoạt động đoàn hiệu quả, yếu tố con người là quan trọng nhất. Tuy nhiên, bên cạnh đó rất cần sự chỉ đạo, phối hợp, hỗ trợ từ nhiều bên liên quan.

Anh Bùi Văn Hoàng, Phó Bí thư Tỉnh Ðoàn Bắc Giang, khẳng định: "Mỗi đơn vị sẽ có một cách thu hút đoàn viên riêng, phụ thuộc vào tình hình của địa bàn. Nên, sẽ không thể đánh đồng mô hình của một xã cho tất cả. Ðiều Tỉnh Ðoàn có thể làm là tập huấn cho tất cả bí thư từ xã đến huyện một tinh thần nhiệt huyết nhất. Tại các địa phương hoạt động đoàn còn yếu, có thể còn cần các cấp ủy Ðảng cầm tay chỉ việc, chỉ đạo Ban Chấp hành Ðoàn phải thay đổi để tiến bộ".

Song song với đó, việc tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng cho đội ngũ cán bộ đoàn trong thời kỳ mới cũng cần được tiến hành thường xuyên, cập nhật, bắt kịp với sự thay đổi của xã hội. Khi mạng xã hội trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống, cán bộ đoàn là những người nhạy bén, thích ứng nhanh nhất với việc ứng dụng mạng xã hội kết nối đoàn viên, đẩy mạnh công tác đoàn, ngăn chặn truyền bá thông tin xấu độc trong đội ngũ đoàn viên.

Về vấn đề này, anh Hoàng cũng bày tỏ mong muốn: "Trên các fanpage của Ðoàn hiện nay, các bài đăng vẫn còn quá cứng nhắc. Ðoàn viên đều là người trẻ, chúng ta cần sử dụng giọng văn "bắt trend" (xu hướng) hơn thì mới có thể đến gần với các bạn ấy!".

Từ thực tế nhiều năm lăn lộn, gắn bó với hoạt động Ðoàn, Bí thư Ðoàn xã An Hà trăn trở: "Ðể khuyến khích đoàn viên, chúng ta cần có các chế độ động viên. Thí dụ như, sau khi về hưu xét thấy đã có nhiều năm công tác đoàn thì sẽ có thêm bao nhiêu phần trăm phụ cấp chẳng hạn. Không cần nhiều, nhưng như vậy thể hiện sự ghi nhận đối với đoàn viên, khiến các bạn ấy hoạt động năng nổ hơn!". 

Nguyễn Hà