Những thách thức thực hiện

Xoay quanh vấn đề tính khả thi và giải pháp để đáp ứng những yêu cầu của chương trình mới trong thực tiễn hệ thống giáo dục hiện nay, PV Nhân Dân cuối tuần đã có cuộc trao đổi với TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ Giáo dục và Ðào tạo.

Những thách thức thực hiện

- Ðổi mới giáo dục bao giờ cũng chứa đựng nhiều thách thức rất lớn từ nhiều phía do tính đa dạng về nhu cầu và kỳ vọng của người dân và Chính phủ. Theo ông, đâu là thách thức lớn nhất hiện nay khi thực hiện chương trình mới này?

- Ở một số thành phố, thu nhập trên đầu người dân cao, điều kiện giao thông đi lại, chất lượng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý và cơ sở vật chất khá hơn, thì vẫn còn nhiều vùng nông thôn, miền núi, trung du và vùng biển đảo còn rất nhiều hạn chế, việc đưa chương trình giáo dục phổ thông mới vào những vùng này sẽ gặp nhiều thách thức. Bên cạnh những bất cập về cơ chế quản lý, nguồn lực tài chính thực hiện chương trình mới thì vấn đề chất lượng nguồn nhân lực luôn là thách thức lớn nhất trong những lần đổi mới giáo dục.

Những thách thức về niềm tin chất lượng giáo dục, trong điều kiện tài chính cho giáo dục, cơ sở giáo dục nhiều vùng miền còn hạn chế, đội ngũ nhân lực trong hệ thống còn quán tính quá lớn trước đổi mới cũng là những rào cản mà ngành giáo dục phải nhanh chóng vượt qua.

- Như vậy, để tháo gỡ những thách thức về đội ngũ giáo viên, trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra sâu rộng trên toàn thế giới, chúng ta cần phải làm những gì?

- Hiện nay, Bộ Giáo dục và Ðào tạo đã có chủ trương đa dạng hóa hình thức bồi dưỡng với ứng dụng E-learning cùng việc cung cấp nguồn học liệu cho giáo viên, nhưng từng ấy là chưa đủ nếu giáo viên thiếu động lực học tập và thái độ tích cực với đổi mới. Liên quan đến việc tạo động lực cho giáo viên, điều rất quan trọng là tạo điều kiện, môi trường làm việc dân chủ trong nhà trường với mức lương được cải thiện hơn trước đây. Quỹ thời gian là vàng bạc, vì thế cơ quan quản lý cần cắt bỏ những quy định, hoạt động của giáo viên gây mất thời gian, hiệu quả thấp để giáo viên có nhiều thời gian hơn cho việc tự học, chuẩn bị bài giảng tốt hơn.

Việc bồi dưỡng cần chú ý đến tính đa dạng nhu cầu của giáo viên ở vùng miền và bậc học khác nhau để có nội dung và cách thức tập huấn phù hợp. Việc bồi dưỡng giáo viên với vai trò chủ động của Nhà nước là chưa đủ, mà Bộ Giáo dục và Ðào tạo cần chỉ đạo các địa phương tổ chức hợp tác giáo dục giữa các trường ở địa phương và với trường bạn ở tỉnh khác để học hỏi kinh nghiệm triển khai chương trình mới. Công việc tăng cường năng lực giáo viên và cán bộ quản lý là công việc mang tính chất lâu dài, mỗi cơ sở giáo dục cần hình thành một tổ chức học tập, hình thành một thói quen, văn hóa học hỏi chia sẻ kinh nghiệm cũng là cách tiếp cận hiệu quả trong phát triển và quản lý nguồn nhân lực.

- Như vậy, để giải quyết được những vấn đề mà thực tiễn đặt ra, hẳn cơ chế, chính sách liên quan đến giáo dục - đào tạo cũng phải được đổi mới, điều chỉnh?

- Một thách thức nữa mà ngành giáo dục gặp phải là tính đồng bộ trong thực thi chính sách theo tư duy hệ thống. Chương trình phổ thông mới cứ tạm xem là khá hoàn chỉnh nhưng yếu tố con người, cơ sở vật chất, các quy định luật pháp rất cần phải bảo đảm tính đồng bộ thì chương trình mới hy vọng thành công. Ðồng bộ việc cung ứng thiết bị cho chương trình mới, kịp thời và gỡ bỏ những rào cản hành chính trong việc cung cấp các thiết bị dạy học sẽ giúp cho chương trình mới thực hiện đồng bộ.

Tóm lại, quá trình thực hiện chương trình mới còn đang ở phía trước, đòi hỏi huy động tổng lực các lực lượng trong xã hội vào cuộc và tránh để ngành giáo dục “đơn thương độc mã”. Ðó là sự tích hợp các chính sách vĩ mô về phát triển nguồn nhân lực, sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý hành chính ở cấp Trung ương và địa phương. Trong quá trình chuyển động về phía trước của ngành giáo dục, vai trò truyền thông cũng rất quan trọng để phản ánh kịp thời những khó khăn, những bài học hay trong quá trình đổi mới.

- Xin cảm ơn ông!