Những “lỗ hổng” không dễ lấp đầy

Trong phiên họp Chính phủ ngày 28-2-2018, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP - ông Mai Tiến Dũng - đã cảnh báo, trong quá trình xây dựng chính sách có tình trạng “cài cắm câu chữ để bẫy doanh nghiệp”. Thực tế này có thể được soi chiếu trong diễn biến tại các dự án BOT giao thông thời gian vừa qua.

Do lỗ hổng trong quy định đã nảy sinh tình trạng nhiều doanh nghiệp “tay không nhảy vào đầu tư” dự án BOT đẩy giá vé lên cao. Trong ảnh: Trạm thu phí Pháp Vân - Cầu Giẽ. Ảnh: ĐỨC PHẠM
Do lỗ hổng trong quy định đã nảy sinh tình trạng nhiều doanh nghiệp “tay không nhảy vào đầu tư” dự án BOT đẩy giá vé lên cao. Trong ảnh: Trạm thu phí Pháp Vân - Cầu Giẽ. Ảnh: ĐỨC PHẠM

BOT - “Tay không làm dự án”

Chính sách về hoạt động đầu tư đối tác công tư (PPP) đã được xây dựng, ban hành từ đầu những năm 2000, trong đó có các quy định, cơ chế ưu đãi đối với loại hình BOT (xây dựng-kinh doanh-chuyển giao). Nhưng thực tế, các dự án BOT giao thông chỉ bùng nổ từ những năm 2012 trở đi, sau khi việc chỉ định chủ đầu tư được áp dụng, đi kèm với những cơ chế sau này được coi là biệt đãi cho chủ đầu tư.

Chẳng hạn, vẫn trong khung khổ quy định vốn tự có của chủ đầu tư phải bảo đảm không dưới 15% tổng vốn đầu tư dự án, nhưng cơ chế sau này cho phép kéo dài thời hạn thu phí hoàn vốn, kèm theo là chủ đầu tư có thể tăng giá thu phí theo từng năm ở tỷ lệ nhất định. Trong khi đó, quy định về việc lựa chọn tuyến đường nào sẽ thực hiện theo hình thức BOT lại không rõ ràng.

Không thể phủ nhận hình thức BOT là phù hợp để huy động nguồn vốn xã hội hóa trong phát triển hạ tầng giao thông, nhưng chính việc kiểm tra, kiểm toán lại, và giảm được tổng cộng hàng trăm năm thu phí của các trạm thu phí BOT cho thấy “lỗ hổng” trong xây dựng chính sách.

Sở dĩ bùng nổ các dự án BOT là bởi doanh nghiệp không cần thực lực vẫn có thể đầu tư. Bước đầu chỉ cần vay phần vốn tự có 15% để đáp ứng yêu cầu được tham gia dự án BOT. Sau khi được chỉ định dự án rồi thì… đi vay tiếp để thực hiện. Đặc điểm này khiến chi phí lãi vay cho dự án tăng vọt. Giả định nếu lãi vay chiếm từ 7-10%/năm, thì cứ 10 năm lãi vay đã chiếm gần một nửa trong tổng đầu tư ban đầu của dự án.

Với lý do thời gian thu hồi vốn kéo dài, lãi đầu tư của chủ dự án được tính theo vòng đời dự án, tức là cũng ở mức cao. Kết quả, chi phí tài chính và lãi dự tính của chủ đầu tư đã chiếm quá nửa tổng đầu tư mỗi dự án BOT, và sau đó, phản ảnh vào giá vé qua trạm ở mức cao, làm chi phí vé trạm người dân phải gánh tăng vọt.

Điều này cũng giải thích vì sao Bộ GTVT có thể “quyết” giảm được hàng trăm năm thu phí của các dự án. Vì nguyên nhân chủ chốt là các cơ quan chức năng đã làm việc ba bên (chủ đầu tư, cơ quan quản lý và ngân hàng) để giảm lãi suất cho vay và từ đó giảm thời gian thu phí.

Khi chi phí quá cao và thời gian quá dài, xu hướng chung các chủ đầu tư là sẽ tìm cách thu lời trong thời gian sớm nhất và cách dễ thực hiện nhất là gian lận dự án. Sẽ không bất ngờ trong thời gian tới, một vài vụ gian lận đầu tư và thực hiện dự án BOT được phát hiện, làm rõ!

BOT còn là hình thức có thể phần nào “hạn chế” được các khiếm khuyết do cơ chế gây ra, nhưng hình thức BT (xây dựng-chuyển giao), hay còn gọi là đổi đất lấy hạ tầng đang rất phổ biến tại các địa phương, thì hiện gần như chưa có cơ chế hạn chế bớt khiếm khuyết. Các sai phạm và khiếu nại liên quan tới đất đai đang chiếm tỷ lệ lớn nhất, phần nào minh chứng cho điều đó.

Ranh giới mong manh

Một thí dụ khác về ranh giới mong manh giữa lợi dụng cơ chế, cài cắm câu chữ gây thiệt hại cho doanh nghiệp có thể nhắc tới, là những quy định kiểu như đánh đố theo kiểu “phải có trang thiết bị phù hợp” hay “đội ngũ nhân sự đáp ứng được yêu cầu”… nhưng lại không giải thích thế nào là “phù hợp” thế nào là “đáp ứng được yêu cầu”… Chính những quy định chung chung, định tính, không rõ ràng này là mảnh đất mầu mỡ cho tham nhũng. Thực tế là những khảo sát về môi trường kinh doanh của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trong các năm liên tiếp đều đã cảnh báo về tình trạng “tham nhũng vặt” tại các cơ quan quản lý ngành, địa phương cũng cho thấy điều đó.

Báo cáo Quốc hội các nội dung về quyết toán ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2016 tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV, Kiểm toán Nhà nước cho rằng, việc chậm ban hành văn bản quy phạm pháp luật so với quy định trong một số lĩnh vực dẫn đến nhiều bất cập, vướng mắc trong tổ chức thực hiện, hay việc một số địa phương ban hành văn bản quản lý nhà nước chưa đúng quy định, làm hạn chế tính hiệu quả, hiệu lực trong thực hiện chính sách. Tại Báo cáo kiểm toán quyết toán NSNN năm 2016, Kiểm toán Nhà nước đã đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan trung ương và địa phương rà soát để hủy bỏ hoặc thay thế, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới 159 văn bản (hủy bỏ 27 văn bản; sửa đổi, bổ sung 132 văn bản) gồm: 02 luật; 08 nghị định; 31 thông tư; 12 nghị quyết; 38 quyết định; 68 văn bản khác không phù hợp với quy định chung của Nhà nước.

Văn kiện Đại hội XII của Đảng đã đặt ra yêu cầu hệ thống thể chế phải tạo ra được một “cơ chế phòng ngừa để không thể tham nhũng; cơ chế răn đe, trừng trị để không dám tham nhũng”, kể cả tham nhũng chính sách. Sẽ còn rất nhiều việc phải làm để có thể hiện thực hóa được mục tiêu này.