Những khoảng “hở” bất an

Với lợi thế về khí hậu, cảnh quan, rừng nguyên sinh và địa hình, những năm gần đây, Lâm Đồng phát triển mạnh các loại hình du lịch mạo hiểm (DLMH) và trở thành loại hình du lịch đặc trưng, góp phần thu hút du khách đến với tỉnh nam Tây Nguyên. Tuy nhiên, loại hình du lịch này đang tiềm ẩn nhiều rủi ro, nảy sinh từ khâu quản lý đến ý thức người tham gia.

Du lịch mạo hiểm hấp dẫn giới trẻ.
Du lịch mạo hiểm hấp dẫn giới trẻ.

Nhật ký… buồn

Tháng 2-2016, ba du khách người Anh tham gia tour DLMH khám phá thác Datanla - Đà Lạt, do một công ty du lịch tại Đà Lạt tổ chức “chui”, vào khu vực không có bảo vệ dành riêng cho các tour DLMH. Khi cả nhóm đang đi đến khu vực thác số 4, thì bất ngờ bị trượt chân rơi xuống nước thiệt mạng. Cũng trong thời điểm này, một du khách quốc tịch Belarus đi du lịch tự do tại thác Pongour (huyện Đức Trọng, Lâm Đồng). Thác nước này còn được gọi là thác Bảy tầng, cao khoảng 40 m, chiều rộng các tầng thác hơn 100 m, bao quanh là khu rừng nguyên sinh. Sau khi sử dụng đồ uống có cồn và xuống suối tắm, du khách này bị đuối nước.

Đúng một năm sau, một du khách người Ba Lan và hướng dẫn viên thuộc công ty DLMH tại Đà Lạt, tử nạn tại thác Hang Cọp - Đà Lạt, khi tham gia trò đu dây vượt thác. Đơn vị tổ chức tour thời điểm đó chưa được cấp phép chương trình DLMH và không có chức năng tiếp nhận, hướng dẫn cho khách quốc tế, nhưng đã tổ chức cho tám du khách nước ngoài DLMH tại thác nước có độ cao khoảng 50 m này.

Và mới đây, ngày 22-9, trong khi đang tham gia trò đu dây vượt thác tại khu du lịch thác Datanla, một du khách người Hàn Quốc đã bị thiệt mạng do tiếp xúc mặt nước sai kỹ thuật.

Cần chuyên nghiệp từ nhiều phía

Thoạt nhìn nhật ký trên cho thấy, những vụ “tai nạn” DLMH phần lớn “lỗi” thuộc về ý thức của du khách, cách thức tổ chức của các DN khai thác DLMH. Điều đó đúng. Tuy nhiên, khi có sự cố xảy ra, mới hay có phần “buông lỏng” quản lý của chính quyền địa phương, các ngành liên quan. Đây chính là những khoảng “hở” trong khâu quản lý để không ít DN vì lợi nhuận, sẵn sàng mở tour “chui” kém chất lượng, ảnh hưởng đến sự an toàn của du khách.

Sự an toàn của du khách trong DLMH liên quan đến rất nhiều yếu tố, từ ý thức, bản lĩnh người tham gia, sự “sáng suốt” trong lựa chọn đơn vị tổ chức, bởi đây là lĩnh vực du lịch “khác biệt”, cảm giác mạnh; đến sự chuyên nghiệp, kinh nghiệm của đơn vị tổ chức, chất lượng các thiết bị hỗ trợ và công tác quản lý. Trong khóa tập huấn nghiệp vụ cho hướng dẫn viên DLMH tại Đà Lạt, ông Choek Wai, chuyên gia đến từ Xin-ga-po cho rằng, rất nhiều người tham gia trò chơi DLMH vì thích và “nghiện”; có người chưa bao giờ chơi, nhưng muốn đối đầu với sự sợ hãi; có người muốn thử theo phong trào. Vì vậy, hướng dẫn kỹ năng cho họ trước khi vào cuộc chơi là rất cần thiết và phải thực hiện nghiêm túc.

Theo Giám đốc Công ty CP Mạo hiểm Việt Võ Đức Trung, các vụ việc rủi ro xảy ra thời gian qua là bài học đắt giá cho cả du khách, đơn vị tổ chức và cả cơ quan quản lý nhà nước. Song qua đó, cũng là sự cảnh báo và sàng lọc, để người chơi có thông tin, lựa chọn loại hình phù hợp và đơn vị tổ chức đáng tin cậy. “Chuyên nghiệp hóa không thể nói chung chung được, đó là quá trình đào tạo, quy trình được ôn luyện, tạo thành thói quen nghề nghiệp… Mỗi thao tác của hoạt động DLMH đều gắn với mức độ an toàn”, ông Trung cho biết.

Để phát huy thế mạnh sản phẩm du lịch

Với địa hình đồi núi, sông suối, thác, khí hậu… Lâm Đồng có lợi thế rất lớn về tài nguyên thiên nhiên, có thể tổ chức các hoạt động DLMH. Tại Lâm Đồng hiện có 10 đơn vị được cấp phép tổ chức các loại hình DLMH, như leo vách đá, leo núi, đi bộ băng rừng, đu dây vượt thác, đu cáp trượt, chèo thuyền vượt ghềnh thác, dù lượn… Chín tháng đầu năm nay, DLMH thu hút khoảng 21 nghìn lượt du khách tham gia, phần lớn là du khách nước ngoài.

Nhưng, đây là sản phẩm du lịch vẫn còn khá mới, phát triển tại một số địa phương có điều kiện tự nhiên đặc trưng, do đó không tránh khỏi những lúng túng ban đầu trong cách thức quản lý, vận hành của cơ quan quản lý nhà nước và DN. Nhìn nhận vấn đề này, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lâm Đồng Nguyễn Thị Nguyên cho biết: DLMH ngày càng phát triển, nhưng Luật Du lịch vẫn chưa có định nghĩa rõ ràng về loại hình du lịch này, cũng như chưa xây dựng một quy chuẩn chung để quản lý. Năm 2016, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành “Quy định tạm thời về quản lý hoạt động tổ chức, khai thác và kinh doanh DLMH trên địa bàn tỉnh”. Quy định này đưa ra những yêu cầu cụ thể cho từng đối tượng tham gia DLMH, cơ quan quản lý nhà nước, điều kiện cơ sở vật chất, tiêu chuẩn trang thiết bị… Khung pháp lý cho hoạt động DLMH đã có; song, để thực thi hiệu quả, bảo đảm an toàn cho người tham gia, cần sự “nghiêm khắc”, tuân thủ từ nhiều phía.