Những câu hỏi hậu xả lũ

Lũ chồng lũ, lụt chồng lụt gây thiệt hại nghiêm trọng ở miền trung và Nam Trung Bộ. Ngoài yếu tố thời tiết cực đoan, còn có nguyên nhân được cho là do xả lũ của một số nhà máy thủy điện (NMTĐ). Một lần nữa, câu hỏi về quy trình, quy chuẩn vận hành hồ chứa và công tác giám sát, được đặt ra cấp bách.

Cho đến nay NMTĐ Hố Hô vẫn chưa triển khai cắm mốc cảnh báo và lập bản đồ ngập lụt.
Cho đến nay NMTĐ Hố Hô vẫn chưa triển khai cắm mốc cảnh báo và lập bản đồ ngập lụt.

Thắt ruột lũ về

Đến Phú Yên, day dứt mãi trong chúng tôi là chia sẻ nghẹn ngào của ông Trần Văn Ba (huyện Phú Hòa): “Từ năm 2009 đến nay mới xảy ra lụt lớn như vậy. Mưa có lớn lắm đâu mà nước lên rất nhanh, sau vài tiếng đồng hồ đã ngập hết nhà, trâu bò chết hết. Tài sản gom góp mấy năm chờ bán nay lũ cướp mất, giờ gia đình trắng tay…”. Có hàng nghìn hộ bà con huyện miền núi Đồng Xuân gặp tình cảnh như ông Ba khi địa bàn bị nước cô lập từ 1 - 2 m so với nền nhà, cả huyện gần như “ốc đảo”. Theo ông Trần Hữu Thế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, chỉ tính trong ngày 3-11, lúc 7 giờ, NMTĐ sông Ba Hạ đã xả 4.000 m3/s và từ 13 giờ đến 15 giờ tăng lên 10.400 m3/s (sau đó giảm về mức hơn 4.000 m3/s), đã khiến TP Tuy Hòa và các địa phương hạ du chìm ngập chỉ sau vài giờ. Ước tổng thiệt hại cho đợt xả lũ này hơn 300 tỷ đồng.

Liên tiếp những ngày đầu tháng 11, các NMTĐ ở miền trung, Nam Trung Bộ liên tục xả lũ, thậm chí một số NMTĐ còn xả vượt quá lưu lượng cho phép như NMTĐ Hố Hô thuộc Công ty CP thủy điện Hồ Bốn (từ 126 m3/s bất ngờ tăng lên khoảng 800 m3/s vào đêm 31-10, rồi tăng lên 1.081 m3/s lúc 7 giờ sáng ngày 1-11).

Tại thị xã An Khê (Gia Lai), trong hai ngày đầu tháng này, NMTĐ An Khê - Ka Nak liên tục thông báo tăng lưu lượng xả từ 200 m3/s lên 600 m3/s rồi hơn 1.000 m3/s, dẫn đến lụt cục bộ. Tại Lâm Đồng, với những cơn mưa kéo dài, các NMTĐ trên địa bàn như Đa Nhim, Đại Ninh cũng tăng lượng xả lũ ở mức 800 m3/s...

Lại bàn về chuyện “quy trình"

Để bảo đảm an toàn cho công trình hồ thủy điện, việc xả lũ trong nhiều trường hợp là không thể tránh khỏi. Điều đáng nói, dù đã có quy trình chặt chẽ, nhưng trong thực tế vẫn tồn tại những bất cập. Chỉ đơn cử việc kết luận về một đợt xả lũ thôi, nhiều khi lại vấp phải sự không thống nhất từ các bên liên quan. Chẳng hạn như, kết luận từ đoàn công tác vào chỉ đạo xả lũ bảo đảm an toàn công trình và vùng hạ du ở Gia Lai của Bộ Công thương ngày 4-11 có đánh giá: “Công ty thủy điện An Khê - Ka Nak đã có thông báo cho các cơ quan theo quy định của quy trình và quy chế phối hợp với địa phương, để thông báo xả điều tiết qua tràn…”.

Song, ngược lại, theo đại diện chính quyền địa phương thị xã Ayun Pa (Gia Lai), việc xả lũ của NMTĐ An Khê - Ka Nak mới đây là không đúng quy trình. Ngay tại thời điểm mưa ngày 1 và 2-11, lưu lượng xả liên tục tăng từ 200 lên đến hơn 1.000 m3/s làm cho các lực lượng chức năng thị xã phải di dời khẩn cấp các hộ dân vùng ngập lụt đến nơi an toàn. Đột ngột như vậy, nhưng nhà máy không thông báo trước cho Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN), mà chỉ nhắn tin cho các huyện trước khi xả vài giờ… Ông Nguyễn Văn Lộc, Chủ tịch UBND thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai cho biết: “Chúng tôi chỉ nhận được một tin vào khoảng 21 giờ 30 phút với nội dung: “1 giờ sáng xả lũ”. Đến 5 giờ 30 phút, huyện mới nhận một bản tin chính thức qua mạng. Nếu địa phương không linh hoạt hoặc không có kinh nghiệm trong việc cứu hộ, phòng lũ, thiệt hại sẽ rất lớn. Xả như thế, nhân dân ở vùng hạ du sẽ không kịp thoát được…”.

Trở lại câu chuyện xả lũ của Công ty CP thủy điện Hồ Bốn. Cho dù phía công ty khẳng định xả lũ “đúng quy trình”, nhưng theo lãnh đạo UBND huyện Hương Khê (Hà Tĩnh), NMTĐ Hố Hô chưa thực hiện đầy đủ, nghiêm ngặt các quy định tại Quy trình vận hành hồ chứa về trách nhiệm thông tin, báo cáo; chưa đánh giá được các tình huống mất an toàn có thể xảy ra trong mùa mưa bão... Không những vậy, ngay đợt mưa lũ thứ hai ngày 1-11, khi chúng tôi có mặt cùng đoàn giám sát do Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Lê Đình Sơn đi kiểm tra NMTĐ Hố Hô đã phát hiện, công ty không chấp hành nghiêm túc việc kiểm soát, điều tiết lưu lượng nước xả của hồ, đồng thời không tính toán được việc xả lũ vùng hạ lưu ngập lụt như thế nào... “Tôi khẳng định là tỉnh chưa ban hành lệnh tăng xả lưu lượng. Tuy nhiên, khi kiểm tra lịch trình, đã phát hiện Hố Hô xả và thay đổi lưu lượng tăng cao từ đêm trước. Việc này đã vi phạm chỉ đạo của tỉnh” - Bí thư Tỉnh ủy khẳng định. Còn giám đốc NMTĐ Hố Hô Vũ Mạnh Hùng lý giải: “Chúng tôi đã tuân thủ thực hiện xả “đúng quy trình” và cập nhật thông báo thường xuyên, nhưng do nước lũ về quá nhanh làm mức nước hồ dâng cao, nếu không xả kịp thì tràn hồ…”. Thật khó hiểu, mặc dù đi vào hoạt động từ năm 2010, nhưng theo vị giám đốc nhà máy, “phải hết mùa lũ lụt năm nay công ty mới triển khai cắm mốc cảnh báo và lập bản đồ ngập lụt được”!

Cần tăng chế tài đối với xả lũ

Trong quá khứ, đã có những vụ việc các thủy điện vừa và nhỏ xả lũ gây hậu quả nghiêm trọng như thuỷ điện Bắc Hà (Lào Cai), thủy điện Đăk Srông 2A và thủy điện An Khê - Ka Nak (Gia Lai)... Dù người dân hạ du là đối tượng chịu nhiều thiệt hại và cuộc sống bị ảnh hưởng lâu dài, nhưng mức đền bù thì còn rất khiêm tốn. Đơn cử như ngày 21-7-2014, NMTĐ Bắc Hà (Công ty CP thủy điện Bắc Hà, Lào Cai) đã xả lũ xuống hạ lưu, gây ngập lụt, vùi lấp hơn 150 ha lúa. Sau một năm đợi chờ, ngày 7-7-2015, người dân ở hai huyện Bắc Hà và Bảo Yên mới được đền bù 300 triệu đồng… Hay như sự việc NMTĐ Hố Hô đã để xảy ra sự cố, xả lũ gây trận lũ lớn nhất vào ngày 3-10-2010 làm hư hỏng nhiều hoa màu, đường sá, cầu cống… của xã Hương Liên (Hương Khê). Nhưng rồi nhà máy mới chi đền bù đất công ích cho xã 448 triệu đồng... Ông Lê Ngọc Huấn, Chủ tịch UBND huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) lấy làm lo ngại bởi cho đến giờ, một quy trình bảo vệ an toàn cho hạ du vẫn chưa có. Bên cạnh việc kiến nghị Bộ Công thương điều chỉnh, sửa đổi quy trình vận hành NMTĐ Hố Hô, chúng tôi cũng đề xuất xem xét chuyển một phần công trình này thành công trình đa mục tiêu, ông Huấn nói.

Rõ ràng, nếu việc giám sát tuân thủ quy trình xả lũ không được làm rõ, và hơn nữa, trách nhiệm của mỗi bên cũng như mức đền bù khi xả lũ sai quy trình không minh bạch, mang tính răn đe cao thì sẽ khó lòng ngăn chặn được tình trạng xả lũ không hợp lý gây thiệt hại nặng nề cho hạ du.

Không phải ngẫu nhiên mà các công trình thủy điện lớn nhỏ trên thế giới đều phải tuân thủ một nguyên tắc bảo đảm an toàn công trình trên hết. Nhưng an toàn hồ đập không chỉ liên quan đến lượng nước đổ về hồ mà nó còn phụ thuộc vào quá trình vận hành nhà máy. Muốn giảm thiểu thiệt hại cho hạ du, cần tăng cường độ chính xác của công tác dự báo, từ đó nhà máy có kế hoạch tích nước hợp lý. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng cần tăng cường trách nhiệm và tính chủ động trong việc phòng, chống lũ lụt, có phương án linh hoạt trong việc cảnh báo, hỗ trợ người dân trong mọi tình huống bất thường.

Người dân hạ du sợ thiên tai và sợ cả “nhân tai”. Bảo đảm một cuộc sống an toàn dưới những “túi nước” cho dân là trách nhiệm của cả chính quyền và các nhà máy thủy điện.