Nhìn từ đại hội điểm…

Từ nay cho đến cuối năm 2020 này, các đảng bộ sẽ tiến hành đại hội, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng dự kiến diễn ra vào quý I-2021. Đây là sự kiện chính trị trọng đại, được toàn Đảng, toàn dân quan tâm, nhất là công tác nhân sự cấp ủy nhiệm kỳ tới.

Đại hội đại biểu Đảng bộ phường Xuân Sơn (Đông Triều, Quảng Ninh) nhiệm kỳ 2020-2025 đã thành công tốt đẹp.
Đại hội đại biểu Đảng bộ phường Xuân Sơn (Đông Triều, Quảng Ninh) nhiệm kỳ 2020-2025 đã thành công tốt đẹp.

Sự chủ động cần thiết

Ngày 5-3, Ðại hội đại biểu Ðảng bộ phường Xuân Sơn (thị xã Ðông Triều, tỉnh Quảng Ninh) nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã thành công tốt đẹp. Ðồng chí Nguyễn Ðình Thái, sinh năm 1977, tái đắc cử Bí thư Ðảng ủy phường với 100% số phiếu bầu trực tiếp tại Ðại hội. Tin về đại hội điểm cấp cơ sở nhanh chóng được các phương tiện thông tin đại chúng của Quảng Ninh thông báo đến các chi bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Nhưng có lẽ không nhiều người biết, để đại hội thành công tốt đẹp là cả một quá trình nỗ lực tập thể, chuẩn bị chu đáo của Ban Chấp hành Ðảng bộ phường nhiệm kỳ trước và sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Ban Thường vụ Thị ủy Ðông Triều.

Chúng tôi về Xuân Sơn trước đại hội, khi không khí những ngày xuân mới vẫn đang rộn rã. Ðồng chí Nguyễn Ðình Thái, Bí thư Ðảng ủy, Chủ tịch UBND phường đưa chúng tôi thăm công trình văn hóa mới của phường, tranh thủ chia sẻ: "Với Xuân Sơn, công tác nhân sự có nhiều thuận lợi, bởi mấy nhiệm kỳ gần đây, Ðảng ủy phường làm rất tốt công tác cán bộ, cho nên có đủ nguồn để giới thiệu vào cấp ủy nhiệm kỳ tới. Cùng với việc thực hiện nghiêm quy trình năm bước như quy định, Ðảng ủy phường còn đưa về các chi bộ thăm dò tín nhiệm, làm thận trọng, chắc chắn từng bước".

Ðồng chí Bí thư cũng cho hay, được chọn là đơn vị đại hội điểm, các anh trong Ðảng ủy phường có nhiều áp lực, nhưng chính đó là động lực để mọi người cùng cố gắng làm thật tốt công tác chuẩn bị, từ dự thảo các văn kiện đại hội, đến nhân sự cấp ủy và tổ chức đại hội, mọi việc đều rất dân chủ, công khai, minh bạch.

Ở đảng bộ nào cũng vậy, công tác nhân sự luôn có nhiều áp lực, bởi đây là công việc hệ trọng, nhạy cảm, phức tạp, đòi hỏi phải làm thận trọng, khách quan và công tâm nhất. Trao đổi ý kiến với chúng tôi về phương hướng cho nhiệm kỳ tới, đồng chí Nguyễn Hùng Nam, Bí thư Huyện ủy Kim Ðộng (Hưng Yên) chủ yếu xoay quanh vấn đề nhân sự. Tuy Trung ương đã có các chỉ thị, quy định, các văn bản hướng dẫn, song để áp dụng vào thực tế địa phương vẫn còn nhiều khúc mắc, nhất là khi cấp xã với cấp huyện có sự khác nhau rất lớn, đòi hỏi mỗi cấp cần có sự chủ động cần thiết. "Trong các bước chuẩn bị nhân sự, chúng tôi có thêm sáng kiến, trước đại hội đảng bộ cấp xã, Huyện ủy lập các tổ công tác, về từng xã thăm dò ý kiến nhân sự. Kết quả thăm dò sẽ được niêm phong và báo cáo trực tiếp Thường trực Huyện ủy. Khâu này không nằm trong quy trình chính, nhưng là cần thiết để chúng tôi có thêm thông tin tham khảo trong việc xem xét quyết định nhân sự được giới thiệu vào cấp ủy".

"Ðại hội điểm" rất cần thiết, song để tổ chức đại hội thành công trong toàn huyện, toàn tỉnh thì không chỉ vai trò của đơn vị làm "mẫu" mà phải là sự đồng bộ của các cấp ủy. Muốn thế, "công tác nhân sự phải được chuẩn bị từ sớm, thậm chí rất sớm. Ðông Triều đã có đội ngũ cán bộ đạt chuẩn từ những nhiệm kỳ trước, nhưng không vì thế mà chủ quan, chúng tôi làm rất chặt chẽ từng bước và đúng quy định của Trung ương", đồng chí Hoàng Văn Thắng, Phó Bí thư Thường trực Thị ủy Ðông Triều cho biết.

Nhìn toàn tỉnh, thời gian qua, Quảng Ninh đã sắp xếp, bố trí cán bộ để từ đầu nhiệm kỳ có 100% số Bí thư cấp ủy, cấp huyện, 75% số Bí thư cấp xã không là người địa phương; thực hiện bầu Bí thư cấp ủy tại tất cả các đại hội cấp cơ sở và cấp trên cơ sở, bao gồm cả Ðảng bộ Công an tỉnh, Biên phòng tỉnh và các đảng bộ cơ sở thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự, Công an và Biên phòng tỉnh. Những kết quả khả quan đó là cơ sở thuận lợi để chuẩn bị tốt cho đại hội các cấp nhiệm kỳ tới.

Theo đồng chí Hoàng Bá Hướng, Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Ninh: "Công tác nhân sự chuẩn bị cho đại hội nhiệm kỳ tới đã được làm từng bước, đúng quy trình, bảo đảm đúng tỷ lệ, cơ cấu, đồng thời có tính nhân văn, không để ai bị bỏ lại phía sau".

Còn không ít khó khăn

Ðánh giá cao vai trò của cấp ủy về công tác đào tạo, luân chuyển cán bộ chuẩn bị trước mỗi kỳ đại hội, đồng chí Nguyễn Ðại Thắng, Phó Bí thư Thường trực Thị ủy Mỹ Hào (Hưng Yên), bộc bạch: "Bản thân tôi khi mới được luân chuyển cũng là cán bộ trẻ, về Mỹ Hào công tác, ngay từ những ngày đầu đã nhận được sự giúp đỡ, động viên nhiều mặt của cấp ủy, nhất là đồng chí Bí thư. Qua rèn luyện thực tế, tôi đã trưởng thành, vững vàng hơn nhiều. Theo tôi, mấu chốt cho nhiệm kỳ 2020-2025 là phải làm tốt công tác quy hoạch, quan tâm đến cán bộ trẻ".

Thực tế cho thấy, vẫn còn không ít khó khăn trong quá trình thực hiện, chuẩn bị nhân sự cấp ủy các cấp. Theo Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị, phấn đấu đạt tỷ lệ cấp ủy viên nữ từ 15% trở lên và có cán bộ nữ trong ban thường vụ; tỷ lệ cán bộ trẻ (dưới 40 tuổi đối với cấp tỉnh, cấp huyện và ở Hưng Yên phấn đấu đến 35 tuổi đối với xã, phường, thị trấn) từ 10% trở lên… Cấp ủy các cấp đổi mới không dưới một phần ba tổng số cấp ủy viên mỗi nhiệm kỳ và thực hiện cơ cấu ba độ tuổi trong cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy và phấn đấu ba độ tuổi trong thường trực cấp ủy.

"Nếu theo Chỉ thị 35 thì khó khăn nhất ở cấp xã, phường, thị trấn là tỷ lệ cán bộ trẻ. Căn nguyên bởi công tác phát triển đảng viên trẻ đang gặp nhiều khó khăn, rồi vướng tính cục bộ, dòng họ, địa phương hoặc cả yếu tố kinh nghiệm. Trong khi đó, ở không ít nơi, độ tuổi lãnh đạo đang khá ổn định, chưa có chỗ trống, khó đưa lớp trẻ vào", đồng chí Phạm Văn Khuê, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Tỉnh ủy Hưng Yên tâm tư.

Cùng với "áp lực" về tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, qua tìm hiểu ở một số địa phương, bên cạnh những kết quả tích cực còn tồn tại không ít hạn chế, khó khăn. Quá trình thực hiện quy hoạch, tạo nguồn chưa hiệu quả, thậm chí là thiếu chủ động, còn biểu hiện thiếu khách quan; chưa thay thế kịp thời những cán bộ giữ chức vụ nhưng làm việc chưa hiệu quả, v.v. Một số nhiệm vụ triển khai còn lúng túng như: đề án vị trí việc làm; công tác thống nhất quản lý biên chế gắn với điều chuyển biên chế giữa khối chính quyền và cấp ủy, cấp huyện và cấp xã. Vì thế, đội ngũ cán bộ gần như "bám trụ" vững chắc, khó có chỗ cho cán bộ trẻ, cán bộ nữ. Thiết nghĩ chỉ khi nào cán bộ nhận thức được "có vào có ra, có lên có xuống", thông thoáng như một dòng chảy, thì mới thực hiện được cơ cấu cán bộ trẻ, nữ và ba độ tuổi.

Ðược biết, nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế là bởi, một số cấp ủy cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu; nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên còn hạn chế. Sự phối hợp thực hiện nhiệm vụ của một số sở, ngành, địa phương còn chưa thật sự quyết liệt. Trình độ đội ngũ cán bộ làm công tác tổ chức xây dựng Ðảng chưa đồng đều, luân chuyển nhiều, chưa bảo đảm tính kế thừa, nhiều cán bộ mới còn thiếu kinh nghiệm thực tiễn và chuyên môn sâu…

Thời gian đang đòi hỏi mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị, các ban, ngành, đoàn thể khắc phục khó khăn, phối hợp chặt chẽ, nỗ lực vì nhiệm vụ chính trị, tổ chức thành công đại hội đảng các cấp, góp phần cho thành công của Ðại hội lần thứ XIII của Ðảng sắp tới.

Bài 1: “Người cầm lái” đưa nghị quyết vào cuộc sống

Bài 3: Lựa chọn “đúng” và “trúng”