Nhìn lại 60 năm thực hiện di huấn của Người

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm chăm lo xây dựng đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và là một tấm gương sáng, mẫu mực về thực hành đạo đức cách mạng để toàn Đảng, toàn dân noi theo.

Kỳ họp thứ 32 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Kỳ họp thứ 32 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng

Bàn về vai trò, vị trí của đạo đức, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: đạo đức là nền tảng tinh thần, có nội hàm sức mạnh to lớn - nguồn nuôi dưỡng và phát triển con người, giúp cho con người vững vàng trước mọi khó khăn, thử thách. Do vậy, đạo đức là yếu tố quan trọng không thể thiếu trong đời sống xã hội và đối với cá nhân con người xã hội. Vai trò của đạo đức lại càng quan trọng, chiếm vị trí hàng đầu trong những phẩm chất của người cách mạng. Đạo đức là gốc của con người, là nền tảng tư tưởng, tinh thần, định hướng sự phát triển của cán bộ, đảng viên. Đạo đức cách mạng được Người ví như gốc của cây, ngọn nguồn của sông suối, là nền tảng và sức mạnh - “cái gốc” của người cách mạng.

Trong tác phẩm Đạo đức cách mạng, Người cũng chỉ ra những kẻ địch của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta, gồm: chủ nghĩa tư bản và bọn đế quốc là kẻ địch rất nguy hiểm, thói quen và truyền thống lạc hậu là kẻ địch to và chủ nghĩa cá nhân - một loại kẻ thù vô cùng nguy hiểm của chủ nghĩa xã hội.

Những phẩm chất đạo đức cách mạng cơ bản

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, những chuẩn mực chung nhất của nền đạo đức cách mạng Việt Nam là: trung với nước, hiếu với dân; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; yêu thương con người; tinh thần quốc tế trong sáng.

Từ quan niệm “trung với vua, hiếu với cha mẹ” trong đạo đức truyền thống của xã hội phong kiến phương Đông, Hồ Chí Minh đã làm một cuộc cách mạng trong quan niệm đạo đức, đưa vào đó một nội dung mới, cao rộng hơn là “trung với nước, hiếu với dân”. Nhờ đó, nội dung của đạo đức cách mạng là một sự phát triển mới và là sự khác biệt về chất so với đạo đức phong kiến, như Người đã khẳng định: “đó không phải là đạo đức thủ cựu. Nó là đạo đức mới, đạo đức vĩ đại, nó không phải vì danh vọng của cá nhân, mà vì lợi ích chung của Đảng, của dân tộc, của loài người”. Theo Hồ Chí Minh, “trung với nước, hiếu với dân” là phẩm chất quan trọng nhất, bao trùm nhất và chi phối các phẩm chất khác. Đây cũng là lời kêu gọi hành động, vừa là định hướng chính trị, đạo đức cho mỗi người Việt Nam, không phải chỉ trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc mà còn lâu dài trong xây dựng chủ nghĩa xã hội. Theo Hồ Chí Minh, đạo đức cách mạng còn là, phải luôn luôn thực hiện “cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”; yêu thương con người và tinh thần đoàn kết quốc tế vô sản.

Nội dung cụ thể của đạo đức cách mạng là phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, phải đứng vững trên lập trường giai cấp công nhân, đoàn kết chặt chẽ với nông dân, trí thức và toàn dân tộc, ngoài lợi ích của giai cấp và dân tộc, Đảng không có lợi ích nào khác.

Chống chủ nghĩa cá nhân

Ở nước ta, những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận diện và khái quát như sau: “chủ nghĩa cá nhân là trái ngược với chủ nghĩa tập thể và chủ nghĩa tập thể”; “chủ nghĩa cá nhân là việc gì cũng chỉ lo cho lợi ích riêng của mình, không quan tâm đến lợi ích chung của tập thể. “Miễn là mình béo, mặc thiên hạ gầy”. Chủ nghĩa cá nhân là “vết tích xấu nhất và nguy hiểm nhất của xã hội cũ”, “là một thứ rất gian giảo, xảo quyệt; nó khéo dỗ dành người ta đi xuống dốc”. Người cảnh báo: “Chủ nghĩa cá nhân trái ngược với đạo đức cách mạng, nếu nó còn lại trong mình, dù là ít thôi, thì nó sẽ chờ dịp để phát triển, để che lấp đạo đức cách mạng, để ngăn trở ta một lòng một dạ đấu tranh cho sự nghiệp cách mạng”.

Người phân tích, giải thích về nguồn gốc cũng như sự tồn tại những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân trong cán bộ, đảng viên, trong các cơ quan đảng và chính quyền của chúng ta. “...Sinh trưởng trong xã hội cũ, chúng ta ai cũng mang trong mình hoặc nhiều hoặc ít vết tích xấu xa của xã hội đó về tư tưởng, về thói quen... Vết tích xấu nhất và nguy hiểm nhất của xã hội cũ là chủ nghĩa cá nhân”. Người yêu cầu chống chủ nghĩa cá nhân là nhiệm vụ tất yếu của cách mạng Việt Nam: Muốn chủ nghĩa xã hội thành công thì phải chống được chủ nghĩa cá nhân và phải thực hiện cho được đạo đức cách mạng. Nhất định chúng ta sẽ chiến thắng chủ nghĩa cá nhân bởi nó là “kẻ địch hung ác của chủ nghĩa xã hội”.

Giá trị lâu bền

Ra đời đến nay đã tròn 60 năm, nhưng những nội dung, vấn đề có tính nguyên tắc trong tác phẩm Đạo đức cách mạng vẫn còn nguyên giá trị cũng như tính thời sự đối với cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng, thiết thực góp phần phòng, chống quan liêu, tham nhũng, nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng hiện nay.

Kỷ niệm 60 năm tác phẩm Đạo đức cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là dịp để chúng ta cùng ôn lại những lời dạy của lãnh tụ kính yêu về đạo đức cách mạng mà chính Người là một tấm gương sáng cho các thế hệ người Việt Nam noi theo. Đây cũng là dịp để làm sâu sắc hơn những giá trị lý luận và thực tiễn của đạo đức cách mạng, góp phần tuyên truyền các chuẩn mực đạo đức cách mạng tới mỗi cán bộ, đảng viên theo chỉ dẫn của Hồ Chí Minh, nhằm tăng cường sức đề kháng, khả năng miễn dịch của mỗi người trước mặt trái của cơ chế thị trường, mở cửa, hội nhập quốc tế là yêu cầu vừa cấp bách vừa thường xuyên của Đảng ta.

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh không thể có một đảng luôn trong sạch, vững mạnh, lãnh đạo nhân dân thực hiện thắng lợi sự nghiệp giải phóng dân tộc, thực hiện mục tiêu “dân giàu nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh” nếu không có một đội ngũ cán bộ, đảng viên của đảng luôn thấm nhuần sâu sắc tinh thần đạo đức cách mạng. Tác phẩm Đạo đức cách mạng thể hiện trách nhiệm, tình cảm và mong ước lớn lao của Người gửi gắm cho các thế hệ cán bộ, đảng viên hôm nay về việc rèn luyện, tu dưỡng đạo đức cách mạng; cũng là thông điệp, lý luận của Người về xây dựng một đảng cầm quyền trong sạch, vững mạnh, ngang tầm nhiệm vụ cách mạng.

PGS, TS Đỗ Đức Minh Ban Thanh tra và Pháp chế, ĐH Quốc gia Hà Nội