Nhiệm vụ cấp bách của các trường sư phạm

Trước yêu cầu đổi mới công tác đào tạo giáo viên (GV), PV báo Nhân Dân cuối tuần đã có cuộc phỏng vấn PGS, TS Nguyễn Thúy Hồng - Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục.

Các trường sư phạm sẽ phải chú trọng nhiều hơn đến công tác bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng. Ảnh: HỒNG VĨNH
Các trường sư phạm sẽ phải chú trọng nhiều hơn đến công tác bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng. Ảnh: HỒNG VĨNH

- Thưa bà, công tác đào tạo GV hiện nay đang đòi hỏi rất nhiều thay đổi?

- Thực tế cho thấy, chương trình đào tạo của các trường SP chậm thay đổi, không bắt kịp với những đổi mới của giáo dục mầm non, phổ thông; Nội dung chương trình đào tạo còn nặng về cung cấp kiến thức chuyên môn, chưa quan tâm thỏa đáng tới phát triển các năng lực nghề nghiệp của người GV theo đặc thù ở từng cấp học nhất là các năng lực giáo dục học sinh và các năng lực dạy học môn học theo hướng phát triển năng lực học sinh. Vì thế, các sinh viên SP ra trường chưa đáp ứng ngay được các yêu cầu thực thi nghề nghiệp, còn yếu các năng lực: tìm hiểu và giáo dục học sinh, tạo lập môi trường giáo dục, đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, kiểm tra đánh giá hay ứng dụng CNTT vào thực tiễn dạy học và tổ chức các hoạt động giáo dục.

Nhiệm vụ cấp bách của các trường sư phạm ảnh 1

- Sau khi Bộ GD-ĐT công bố dự thảo Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể với rất nhiều đổi mới trong phương thức dạy và học; nhiều chuyên gia đánh giá chương trình hay, song vẫn lo ngại đội ngũ GV chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới?

- Trong thời gian gần đây, các trường SP cũng đã “đồng hành” với những đổi mới GDPT, không phải đợi đến lúc công bố chương trình GDPT mới thì mới bắt đầu đổi mới khâu đào tạo và bồi dưỡng GV. Các giảng viên SP đầu ngành cũng là lực lượng chính tham dự vào việc nghiên cứu, xây dựng Chương trình mới và đồng thời cùng trường mình biên soạn làm mới chương trình đào tạo và viết mới giáo trình theo những đổi mới của GDPT.

Chương trình đào tạo GV của các trường SP cũng từng bước cập nhật những nội dung mới, giảm lý thuyết; dành tối thiểu ¼ tổng thời lượng cho các nội dung giáo dục, nghiệp vụ SP; tới đây việc thực hành nghề nghiệp cho SVSP được thực hiện ngay từ năm thứ nhất tại các trường thực hành SP của trường SP và tại các trường phổ thông, mầm non khác. Bộ GD-ĐT cũng đã chỉ đạo các trường SP tập trung làm tốt cả ba nhiệm vụ: đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học SP ứng dụng (nhiều năm qua, các trường chỉ tập trung vào đào tạo mà bỏ qua hoặc không coi trọng hai nhiệm vụ còn lại). Đồng thời, chương trình và sách giáo khoa mới làm đến đâu sẽ triển khai bồi dưỡng cho GV, cán bộ quản lý (CBQL) ngay đến đó. Hiện định hướng đổi mới CTGDPT và chương trình tổng thể mới đã được bồi dưỡng cho đội ngũ GV, CBQL cốt cán các cấp bậc học toàn quốc.

- Xin bà cho biết những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ GV mà Bộ GD-ĐT đang hướng đến?

- Trong thời gian tới, đồng thời với việc xây dựng và tổ chức thực hiện Đề án về Đổi mới đào tạo, đào tạo lại và bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo theo Chương trình hành động của Chính phủ ban hành kèm theo Nghị quyết 44; Bộ đang tập trung vào các nhóm giải pháp chính sau: Đổi mới chương trình, tài liệu, học liệu phục vụ hoạt động đào tạo và bồi dưỡng GV, CBQL theo Chuẩn nghề nghiệp, Tiêu chuẩn chức danh nhà giáo và gắn với những đổi mới của GDPT; Đẩy mạnh đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá theo hướng tích cực hóa hoạt động học tập và phát triển năng lực của người học; Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ GV và CBQL tại các trường đại học SP và Học viện Quản lý giáo dục nhằm đáp ứng yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng GV mầm non, phổ thông trong bối cảnh mới, từng bước hội nhập quốc tế; Đặc biệt chú trọng xây dựng đội ngũ chuyên gia đầu ngành, GV cốt cán các cấp có đủ năng lực hỗ trợ đội ngũ GV, CBQLGD tự bồi dưỡng; Tổ chức thực hiện các hoạt động nghiên cứu, thực nghiệm khoa học GD một cách thiết thực, hiệu quả, cập nhật xu thế quốc tế; Chú trọng cải thiện điều kiện CSVC của các nhà trường theo hướng tăng cường nền tảng ứng dụng CNTT; Đổi mới quản lý hệ thống SP, hình thành mạng lưới các trường SP gắn kết, chia sẻ nguồn lực với nhau và gắn kết với các cơ quan quản lý giáo dục các cấp và các trường phổ thông...

- Xin cảm ơn bà!