Nguồn chi là ở cách… tiêu!

Một cán bộ cấp quận ở TP Hồ Chí Minh phải giải quyết khối lượng công việc tương đương với cán bộ cấp tỉnh, nhưng thu nhập chưa phù hợp với giá trị sức lao động. Ðể hóa giải nghịch lý này, TP Hồ Chí Minh xây dựng kế hoạch dài hạn để tăng hệ số điều chỉnh thu nhập so với tiền lương theo ngạch bậc, chức vụ.

Nhìn chung, đội ngũ cán bộ công chức ở TP Hồ Chí Minh phải xử lý khối lượng công việc lớn hơn nhiều lần so với ở các tỉnh thành khác.
Nhìn chung, đội ngũ cán bộ công chức ở TP Hồ Chí Minh phải xử lý khối lượng công việc lớn hơn nhiều lần so với ở các tỉnh thành khác.

Nghe thông tin HÐND thành phố Hồ Chí Minh khóa IX, kỳ họp thứ bảy thông qua Nghị quyết số 03/2018/NQ-HÐND, anh Lý Tấn Phong (UBND quận 5) rất vui mừng vì kể từ 1-4 năm nay, mức thu nhập của anh sẽ tăng đáng kể, đến 0,6 lần. Phong nói: "Nếu hệ số lương của tôi hiện là 2,67 mà nhân với 1,3 triệu đồng thì được 3,47 triệu đồng. Khi tăng thu nhập, tôi sẽ nhận thêm 2,08 triệu nữa. Vị chi mỗi tháng tôi thu nhập hơn 5 triệu đồng. Mức tăng này phần nào giảm được sự cào bằng trong tính lương bởi trước đây với cùng mức thu nhập nhưng khối lượng công việc mà một cán bộ ở UBND quận thường nhiều gấp hàng chục lần UBND các huyện". Ðồng quan điểm này, anh Tống Kim Quang (Phòng Văn hóa Thông tin quận 1) cho hay, hiện anh nhận lương là 3,9 triệu đồng (mức lương 3,0) và nếu được tăng thu nhập, anh sẽ nhận tổng cộng 6,24 triệu đồng (tăng 0,6 lần). Quang vui mừng: "Cuối năm cơ quan sẽ bình xét thi đua, nếu đạt thì có lẽ sẽ được nhận dồn thu nhập tăng thêm từ 1-4, ngày Nghị quyết số 03/2018/NQ-HÐND có hiệu lực".

Theo Chủ tịch HÐND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Quyết Tâm, năm 2018, hệ số điều chỉnh tăng thu nhập là 0,6 lần so với tiền lương theo ngạch bậc, chức vụ. Con số này của năm 2019 là tăng 1,2 lần và lên 1,8 lần vào năm 2020. Câu hỏi lớn nhất là nguồn để thực hiện kế hoạch tăng này như thế nào? Nguồn cải cách tiền lương của đơn vị được cân đối từ năm trước chuyển sang, rồi nguồn tiết kiệm 10% chi thường xuyên và nguồn cải cách tiền lương được trích lập từ nguồn thu được để lại hằng năm.

Dẫn ra thực tế, Văn phòng UBND thành phố đã tiết kiệm được 27 tỷ đồng chỉ bằng việc chuyển đổi gửi thư giấy sang thư điện tử, ông Võ Văn Hoan, Chánh Văn phòng UBND thành phố tự tin vào việc đa dạng nguồn tiền để tăng thu nhập. Ðược biết, Ủy ban đã quyết định thí điểm khoán kinh phí sử dụng ô-tô công từ ngày 1-5-2018, phương thức này giúp tiết kiệm ngân sách hơn 100 triệu đồng mỗi tháng, tương đương hơn 1,2 tỷ đồng mỗi năm (chỉ mới thí điểm khoán cho 5 đơn vị).

Sở Nội vụ thành phố thống kê, hiện có hơn 11.600 công chức, gần 122.160 viên chức và 6.440 cán bộ không chuyên trách xã - phường - thị trấn. Ðể tăng thu nhập trong năm 2018, cần hơn 2.340 tỷ đồng và chỉ những công chức, cán bộ nào được đánh giá là hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên mới được xem xét tăng thu nhập.

Trên thực tế, ví như quận Bình Tân có dân số trên dưới 800 nghìn người, bằng một tỉnh miền núi phía bắc. Nếu so năng lực quản lý địa phương, thì cán bộ quận này phải gánh vác khối lượng công việc như chuyên viên của một tỉnh khác. Năm 2017, năng suất lao động của thành phố cao gấp 2,7 lần năng suất lao động bình quân cả nước. Còn năng suất lao động của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ở đây cũng gấp 1,5 lần năng suất lao động bình quân cả nước. Thế nên việc đòi hỏi cán bộ phải trách nhiệm cao nhưng lương và thu nhập còn thấp thì không khả thi bởi thu nhập bình quân của cán bộ, công chức, viên chức TP Hồ Chí Minh chưa phù hợp với giá trị sức lao động, thấp hơn khá nhiều so với thu nhập bình quân của người lao động làm việc trong khu vực sản xuất, kinh doanh; hệ thống lương hiện nay còn dựa vào bằng cấp, thời gian công tác, chưa theo chất lượng công việc; mang tính bình quân, không gắn với năng lực, hiệu quả công việc; chế độ nâng ngạch bậc, xếp lương hiện nay không gắn với khối lượng công việc…

Thế nhưng, TP Hồ Chí Minh cũng đã có 12 năm thực hiện giao quyền tự chủ tài chính, tự chịu trách nhiệm cho các cơ quan hành chính theo quy định của Chính phủ. Cơ chế này cho phép sử dụng kinh phí tiết kiệm để tăng thu nhập cho cán bộ, công chức. Từ 2013-2017, bình quân có 1.831 đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện tự chủ tài chính. Và mới đây, Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh có quy định HÐND thành phố được quyền quyết định bố trí ngân sách để chi thu nhập bình quân tăng thêm cho cán bộ theo hiệu quả công việc.

Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho hay, thành phố còn có đề án thu hút chuyên gia, nhà khoa học về công tác. Trong đó, dự kiến chi hàng chục tỷ đồng để chiêu mộ nhân tài trong và ngoài nước về làm việc tại các ngành công nghiệp mũi nhọn như điện tử-công nghệ thông tin, hóa dược-cao-su, chế biến và các ngành công nghiệp sạch, tiết kiệm năng lượng, tài chính ngân hàng, xuất nhập khẩu, du lịch, giáo dục, y tế... Những chuyên gia này sẽ nhận mức trợ cấp ban đầu từ 80-100 triệu đồng. Ngoài ra, người thực hiện các công trình, đề án, sáng kiến được hưởng phụ cấp khuyến khích bằng 1% tổng kinh phí ngân sách chi trả cho công trình đó. Tổng mức hỗ trợ không thấp hơn 50 triệu đồng và tối đa có thể lên tới 1 tỷ đồng/người/công trình nghiên cứu.

Tất cả các hành động quyết liệt này chỉ nhằm để TP Hồ Chí Minh tăng thêm giá trị đóng góp vào GDP cả nước.