Người thầy trước áp lực đổi mới

Ngay trước thềm năm học mới 2015-2016, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã công bố dự thảo Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể (CTGD) được soạn thảo theo tinh thần “đổi mới căn bản và toàn diện” phương thức dạy và học. Cộng với những thay đổi, điều chỉnh liên tục được triển khai trong nhiều năm gần đây, có lẽ, chưa bao giờ, đội ngũ giáo viên phổ thông phải đối diện với nhiều áp lực đến như vậy. Đáng nói, nhiều áp lực không thật sự cần thiết để nâng cao chất lượng giảng dạy…

Đổi mới đội ngũ giáo viên là bước khởi đầu quan trọng cho tiến trình đổi mới nền giáo dục nước nhà. Ảnh: TRẦN HẢI
Đổi mới đội ngũ giáo viên là bước khởi đầu quan trọng cho tiến trình đổi mới nền giáo dục nước nhà. Ảnh: TRẦN HẢI

Quá nhiều bất cập

Mục tiêu CTGD mới là tiếp tục giáo dục phát triển con người toàn diện “đức, trí, thể, mỹ”; hài hòa về thể chất và tinh thần; chú trọng các yêu cầu học đi đôi với hành, lý thuyết gắn liền với thực tiễn, nhà trường gắn liền với xã hội… Theo đó, nội dung CTGD phải “chuyển mạnh từ chủ yếu nhằm trang bị kiến thức sang phát triển phẩm chất năng lực người học, biết vận dụng tri thức vào giải quyết những vấn đề của thực tiễn, chuyển nền giáo dục nặng về chữ nghĩa, ứng thí sang một nền giáo dục thực học, thực nghiệp” trong các khâu, các mặt, các lĩnh vực của giáo dục nghề sư phạm (từ nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức đào tạo, kiểm tra đánh giá…).

Như vậy, tinh thần đổi mới đã rất rõ ràng, song thời gian qua, dư luận còn nhiều băn khoăn về tính khả thi triển khai CTGD. Thực tế cho thấy những lo lắng của xã hội là hoàn toàn có cơ sở, nhất là với đội ngũ giáo viên (GV). Lẽ ra đào tạo GV phải đi trước, bởi đây chính là “cỗ máy cái” đóng vai trò quan trọng đến chất lượng giáo dục. Thế nhưng, từ nhiều năm nay, các GV phải mải miết chạy theo những quy chế, quy định mới đã đủ mệt nhoài, chứ chưa nói gì đến việc thay đổi chương trình tổng thể. Tâm lý này trở thành lực cản vô hình đối với cải cách giáo dục hiện thời.

Do chưa có sự chuẩn bị tốt nên phần đông GV cảm thấy bất ngờ với Thông tư 30/2014/TT-BGDĐT của Bộ GD-ĐT quy định bỏ chấm điểm đối với học sinh tiểu học, thay vào đó là ý kiến nhận xét của thầy, cô giáo. Ngay sau đó, nhiều GV đã bày tỏ áp lực khi phải thực hiện hàng tá công việc thuần túy chỉ với giấy tờ sổ sách “để báo cáo” chứ không có mấy lợi ích đến hoạt động dạy và học. Rồi những đổi mới liên tục trong thi cử, trong công tác tổ chức lớp học, trong quy định chuẩn này chuẩn khác… càng chiếm khá nhiều thời gian và trí tuệ của GV.

Mới đây nhất, nội dung “dạy tích hợp và phân hóa các môn học” - một trong những trọng tâm của CTGD mới cũng đang là chủ đề tranh cãi sôi nổi. GS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, phản ứng: “Theo tôi, với các môn khoa học thì không nên tích hợp. Mỗi bộ môn khoa học có tính độc lập, tích hợp sao được, dạy làm sao được!”. Không đồng tình lắm với ý kiến này, song GS Nguyễn Minh Thuyết cũng lo lắng đặt câu hỏi: “Cái khó là hiện nay chúng ta chưa có chuyên gia tích hợp. Vậy thì ai sẽ là người viết sách, và viết làm sao để dạy đúng những kiến thức tích hợp có ích cho đời sống, chứ không phải chỉ là quyển sách mang tính tổng hợp một số môn học lại?. Thứ nữa, ai là người dạy tích hợp, khi mà trường sư phạm vẫn chỉ đào tạo GV theo từng môn?”. PGS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT thì chia sẻ kinh nghiệm từ chính bản thân: Tôi băn khoăn nhất là chương trình tích hợp THPT. Tôi cũng là một GV môn Sinh học, nhưng nếu bây giờ nói - chỉ cần bồi dưỡng tí chút là có thể dạy tích hợp được, cả Vật lý và Hóa học, thì tôi cũng chịu. Điều khó thực hiện nữa là cơ sở vật chất của các nhà trường còn hạn chế, sĩ số lớp luôn quá tải, khiến GV rất khó dạy tích cực chứ chưa nói là dạy tích hợp liên môn.

Như vậy, để thực hiện CTGD mới, đáng lẽ các trường sư phạm phải thay đổi phương thức đào tạo của mình từ nhiều năm trước. Nhưng theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay hầu hết các trường sư phạm mới đang xây dựng chương trình. Những hạn chế, bất cập tồn tại trong công tác đào tạo GV cũng đã được chính lãnh đạo Bộ GD-ĐT thừa nhận: Quy mô đào tạo tăng nhưng chưa theo nhu cầu thực tiễn; tình trạng thừa, thiếu cục bộ GV chưa được giải quyết; chất lượng đào tạo chưa được giám sát chặt chẽ; chương trình đào tạo còn nhiều bất cập; năng lực của các cơ sở đào tạo còn nhiều hạn chế; thiếu sự hợp tác hiệu quả giữa các cơ sở cùng đào tạo ngành sư phạm; quan hệ giữa cơ sở đào tạo với cơ quan quản lý giáo dục địa phương và các trường mầm non, trường phổ thông trong hoạt động đào tạo và bồi dưỡng GV cũng chưa chặt chẽ.

Cần lộ trình khoa học

Trả lời câu hỏi về việc phải có một lộ trình đổi mới đào tạo GV sớm hơn, Thứ trưởng GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết: Hiện, Bộ đang xây dựng “Đề án đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng GV và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”. Trong đó nhiệm vụ trọng tâm là nâng cao năng lực và đổi mới hoạt động đào tạo, bồi dưỡng của các cơ sở đào tạo GV, nhất là các trường sư phạm nòng cốt, đồng thời với các nhiệm vụ về đổi mới giáo dục đại học.

Bộ vẫn “đang xây dựng” chương trình tổng thể, còn các trường sư phạm thì sao? PGS, TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết, “theo quy định mới thì các trường sẽ tự chịu trách nhiệm chất lượng đào tạo và có quyền ban hành chương trình đào tạo của mình, chứ không phải trình bộ duyệt nữa”. Ông cũng cho biết, “thời gian gần đây ĐH Sư phạm Hà Nội và các trường sư phạm khác thường xuyên tổ chức sinh hoạt để cùng chia sẻ về chương trình đào tạo”. Tuy nhiên, ĐH Sư phạm Hà Nội chỉ mới bắt đầu triển khai chương trình đào tạo mới từ năm học 2014-2015. Tức là phải chờ đến 2018 thì lứa cử nhân đầu tiên được đào tạo theo chương trình mới này mới tốt nghiệp. Nhiều ý kiến nghi ngại, liệu những giáo sinh trẻ có đáp ứng ngay được yêu cầu của chương trình mới hay không?

Mặc dù thừa nhận chương trình tích hợp đã được đặt ra từ năm 2000, nhưng suốt 15 năm qua chưa thực hiện với lý do GV không đảm nhận được; song PGS, TS Đỗ Ngọc Thống, Thường trực Ban Chỉ đạo đổi mới Chương trình và Sách giáo khoa vẫn tỏ ra lạc quan: Phải coi đổi mới đội ngũ GV như là một khó khăn, thách thức của công tác đổi mới. Thách thức này đã được Bộ GD-ĐT âm thầm chuẩn bị ba năm qua. Bộ đã cử các đoàn đi học tập ở Ô-xtrây-li-a, Anh, Bỉ… rồi mời các chuyên gia nước ngoài đến giảng dạy về tích hợp... Theo Nghị quyết của Quốc hội khóa XIII, yêu cầu từ năm học 2018-2019 bắt đầu đưa Chương trình và Sách giáo khoa mới áp dụng cho các lớp đầu cấp (lớp 1, lớp 6 và lớp 10) rồi cứ thế học cuốn chiếu tiếp. Trong ba năm tới chúng ta phải bồi dưỡng GV, song song với đó các trường sư phạm phải đào tạo mới đội ngũ GV để đáp ứng nhu cầu mới.

Giáo dục nước nhà đang đứng trước những đòi hỏi đổi mới mạnh mẽ, căn bản. Đổi mới đội ngũ giáo viên chính là bước khởi đầu quan trọng cho tiến trình này. Tuy nhiên, lĩnh vực có tác động xã hội to lớn này rất cần những bước đi cẩn trọng, khoa học, để tránh những tác động tiêu cực đến các thế hệ học sinh đang trưởng thành hôm nay.