Ngăn ngừa “bạo lực thứ cấp”

Nhìn nhận thực trạng bạo lực gia đình vẫn đáng lo ngại và ngày càng diễn biến phức tạp, bà TRẦN THỊ BÍCH LOAN (ảnh bên), Phó Vụ trưởng Bình đẳng giới (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết, cơ quan chức năng đang tiến hành nhiều giải pháp để điều chỉnh hành vi và nhận thức xã hội về vấn đề này.
Ngăn ngừa “bạo lực thứ cấp”

- Việt Nam đã ban hành nhiều bộ luật và chính sách liên quan phòng, chống bạo lực trong gia đình (BLGĐ), tuy nhiên, hiệu quả của việc thực thi pháp luật và các mô hình phòng, chống bạo lực chưa được đánh giá một cách khách quan, tồn tại khoảng cách giữa lý thuyết và thực tế?

- Trong những năm gần đây, tình trạng BLGĐ diễn ra cả ở nông thôn và thành thị, cả trong những gia đình có trình độ học vấn cao. Ngày càng có nhiều trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng được phát hiện, song nhận thức về bạo lực gia đình của nhiều người còn chưa đầy đủ.

Mặt khác, sự phối hợp giữa các ban, ngành liên quan nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và phòng, chống BLGĐ mặc dù đã có sự tập trung chỉ đạo song hiệu quả phối hợp chưa cao, đôi khi còn hình thức. Phạm vi phối hợp còn hạn chế, thiếu đồng bộ, chưa sâu rộng, nhất là tại những nơi bất bình đẳng giới và bạo lực gia đình ở mức cao; các quy định của luật và văn bản hướng dẫn còn chung chung, chưa cụ thể dẫn đến khó thực hiện; các nguồn lực bao gồm cả kinh phí và nhân lực cũng chưa đáp ứng đủ yêu cầu đề ra.

Tuy nhiên, theo tôi, do đặc thù văn hóa Á Đông cũng như đặc thù gia đình Việt Nam, luôn đề cao sự kín đáo, tế nhị, luôn cho rằng gia đình thì phải “đóng cửa bảo nhau”, chứ đừng để “trong nhà chưa tỏ, ngoài ngõ đã tường” nên có thực trạng các số liệu, thông tin, báo cáo về vụ việc liên quan đến bạo lực trên cơ sở giới và BLGĐ khó tổng hợp, khó thống kê.

- Mạng xã hội đang có hai mặt tác động đến phòng, chống BLGĐ, giúp vạch trần một số đối tượng, nhưng vì nó công khai cho rất nhiều người biết, nên lại trở thành cản trở lớn cho công tác hòa giải. Vậy phải giải quyết vấn đề này như nào?

- Việc đưa các vụ BLGĐ, xâm hại, quấy rối tình dục lên mạng xã hội cũng là một kênh thông tin để chúng ta nắm bắt được vụ việc, đôi khi cũng tạo áp lực dư luận để các cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc, xét xử nghiêm minh. Song, việc đưa hình ảnh bạo lực lên mạng xã hội cũng đồng nghĩa với việc các thông tin liên quan tới nạn nhân không được giữ kín, thậm chí có những trường hợp nạn nhân còn phải nhận những lời bình luận ác ý, thiếu tôn trọng hay bị dư luận “mổ xẻ” đời sống riêng tư. Trường hợp này, nạn nhân đã phải chịu thêm “bạo lực thứ cấp” từ cộng đồng mạng. Do vậy, bên cạnh việc truyền thông nâng cao ý thức của những người tham gia sử dụng mạng xã hội, cần sớm hoàn thiện khung pháp lý liên quan để bảo đảm tính nghiêm minh và an toàn thông tin cho người dùng mạng xã hội.

- Có thể thấy rằng, BLGĐ vẫn là một vấn đề phức tạp và nan giải. Vậy, đâu là giải pháp đủ mạnh để hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của nạn BLGĐ?

- Theo tôi, nâng cao nhận thức của người dân về nguyên nhân gốc rễ của bạo lực vẫn là một nhiệm vụ quan trọng, cần ưu tiên thực hiện. Bên cạnh đó, rất cần những mái nhà chung, những địa chỉ tin cậy để giúp người bị bạo lực tìm đến lánh nạn và được tham vấn, tư vấn.

Riêng đối với nạn nhân cần phải thẳng thắn nhìn nhận vấn đề, chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng, các lực lượng, đoàn thể xã hội để giải quyết. Chị em phụ nữ cần có ý thức tạo sự độc lập về kinh tế, trau dồi kiến thức để nâng cao trình độ hiểu biết, đặc biệt kiến thức gia đình, chăm sóc cho bản thân và nuôi dạy con cái; chú ý đến kiến thức pháp luật, tìm hiểu Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống BLGĐ. Khi bị bạo hành không nên nín nhịn, im lặng mà cần tìm đến cơ quan chức năng tham vấn, tư vấn, tìm đến sự giúp đỡ của người thân, của hàng xóm, các ban ngành đoàn thể, dịch vụ hỗ trợ để can thiệp kịp thời.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan ở trung ương và địa phương triển khai Đề án “Phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2016-2020 và tầm nhìn đến năm 2030”, trong đó tập trung vào các hoạt động truyền thông phòng ngừa bạo lực và triển khai thí điểm một số mô hình phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới ở cộng đồng. Chúng tôi hy vọng việc triển khai Đề án sẽ góp phần kéo giảm tình trạng bạo lực trên cơ sở giới, BLGĐ ở Việt Nam.

- Xin trân trọng cảm ơn bà!