“Nấc thang” cho người yếm thế

Đại dịch Covid-19 là một cú huých không nhỏ dẫn đến sự thay đổi mọi mặt trong đời sống xã hội, và công tác thiện nguyện cũng không nằm ngoài vòng tác động đó. Văn hóa chia sẻ và đoàn kết cộng đồng được phát triển mạnh mẽ. Từ đây từ thiện phát triển trở thành một xu hướng tất yếu bên cạnh các công tác từ thiện nhân đạo truyền thống.
 

Cơm có thịt nhận được sự ủng hộ của cộng đồng suốt gần mười năm hoạt động và phát triển thành một quỹ khuyến học cho trẻ em vùng cao.
Cơm có thịt nhận được sự ủng hộ của cộng đồng suốt gần mười năm hoạt động và phát triển thành một quỹ khuyến học cho trẻ em vùng cao.

Con cá và cần câu
 
 Dịch bệnh vừa mới lắng xuống, lại đến những ngày “khúc ruột miền trung” oằn mình chống lũ, thôi thúc dấy lên tinh thần “lá lành đùm lá rách” trong lòng mỗi người dân Việt Nam. Bên cạnh những chương trình từ thiện khẩn cấp, không ít cá nhân, tổ chức lựa chọn phương án lùi lại một bước để xây dựng những dự án dài hơi, hỗ trợ tái thiết cuộc sống cho bà con. Nếu từ thiện nhân đạo (hay cứu trợ khẩn cấp) có thể là bàn tay chìa ra cho những người lập tức cần được giúp đỡ, thì từ thiện phát triển sẽ là sự chung tay để những cá nhân đó tìm thấy sự ổn định lâu dài.
 
 Thực tế hiện nay, từ thiện phát triển đã và đang trở thành xu hướng được các cá nhân, tổ chức thiện nguyện nước ta tin tưởng và theo đuổi. Nổi bật phải kể đến Cơm có thịt - dự án của nhà báo Trần Đăng Tuấn, nay được đổi tên thành Quỹ trò nghèo vùng cao. Đến nay, dự án đã được duy trì gần mười năm, không chỉ còn là những bữa cơm trưa có thêm dinh dưỡng, mà được mở rộng trở thành nguồn quỹ xây dựng bếp ăn, ký túc xá cho các trường học vùng cao đặc biệt khó khăn. Cơm có thịt đã thu hút được rất nhiều sự ủng hộ thầm lặng trên khắp cả nước. Ông Trần Đăng Tuấn đã từng xúc động kể về một cô gái 20 tuổi ở Ninh Bình, bị ung thư và đến khi mất, người nhà mới thấy: tờ giấy cuối cùng trên giường bệnh là phiếu gửi tiền cho Cơm có thịt. Hay những người già về hưu vẫn đều đặn gửi tiền, luôn căn dặn con cháu mang tiền đi ủng hộ.
 
 Có lẽ những tấm lòng thiện nguyện đó cũng chưa nhận ra rằng khi đóng góp vào quỹ từ thiện phát triển, chính họ đã trở thành các cá nhân xây dựng một nền từ thiện phát triển.
 
 Không chỉ là những dự án đầu tư phát triển con người, từ thiện phát triển còn có thể là các chương trình bảo vệ môi trường, hay hỗ trợ sinh kế cho người yếm thế..., như các buổi Đổi rác lấy quà hướng đến việc xây dựng và duy trì thói quen phân loại rác tại nguồn cho mọi người của nhóm Green Life (sinh viên Trường đại học Bách khoa Hà Nội).
 
 Học cách trao đi
 
 Chị Nguyễn Hoàng Anh, Giám đốc hoạt động Trung tâm Sức khỏe Gia đình và Phát triển Cộng đồng (CFC Việt Nam) khẳng định: “Một khóa học ngắn hạn hay bất cứ hình thức nào để tập huấn cho đội ngũ làm từ thiện là hết sức cần thiết. Chỉ khi họ nắm rõ, mang một tầm nhìn chiến lược thì mới có thể mang lại những dự án từ thiện phát triển thực thụ”. Bởi, một dự án thiện nguyện sẽ hoàn toàn thất bại khi người thụ hưởng bị phụ thuộc vào dự án.
 
 Do đó, học cách trao đi sao cho đúng cũng là một vấn đề cần được quan tâm nghiên cứu. Trước tiên là kỹ năng lắng nghe, và thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng thụ hưởng ngay trong quá trình xây dựng chiến lược, vì chính người dân tại cộng đồng được hỗ trợ sẽ hiểu rõ nhất thế mạnh, hạn chế cũng như mong muốn hiện tại của họ là gì. Quá trình này, đòi hỏi người xây dựng dự án phải có kỹ năng lắng nghe và nói được “ngôn ngữ” của địa phương, sao cho dễ hiểu và trực quan nhất. Chuyện tiếp nhận thông tin cũng đòi hỏi kỹ năng sàng lọc. Người xây dựng dự án không thể ngay lập tức cấp cho người thụ hưởng một số tiền lớn ngay khi họ nói rằng họ đang nghèo và khó khăn về kinh tế, đó không phải là từ thiện phát triển. Sự trao đi không đúng cách sẽ khiến người thụ hưởng mang tâm lý “nạn nhân”, dần biến cộng đồng đó trở nên thiếu sức sống. Từ thiện phát triển phải tạo nên một kết cấu vững chắc như những bậc cầu thang, còn lên cao được bao nhiêu, đòi hỏi chính người thụ hưởng phải tự lực bước lên từng bước một.
 
 Để hỗ trợ một cộng đồng yếm thế thoát nghèo bền vững, thì trước hết chính người xây dựng chiến lược, cá nhân, tổ chức làm từ thiện phải có cái nhìn dài hạn. Giai đoạn qua, Covid-19 gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động từ thiện tại nước ta. Nguồn quỹ trong và ngoài nước đều bị ảnh hưởng bởi kinh tế khó khăn, các công tác tuyên truyền tập huấn dự án không thể thực hiện trực tiếp tới người dân,… Trong hoàn cảnh đó, chính các cá nhân, tổ chức làm công tác từ thiện phải nhanh nhạy thích ứng với hoàn cảnh, xây dựng những “cánh tay nối dài” cho dự án.
 
 Cuối cùng, nhưng không kém phần quan trọng là làm sao để tạo được lòng tin xã hội thông qua minh bạch về tài chính. Từ thiện phát triển thường là các dự án kéo dài, nên trách nhiệm giải trình vô cùng quan trọng, nếu làm không khéo rất dễ gây mất lòng tin với các mạnh thường quân nói riêng và xã hội nói chung. Do vậy, các cá nhân, tổ chức làm từ thiện phát triển thường không nhận tiền tài trợ một lần, mà đề nghị các quỹ hỗ trợ theo kỳ hạn, có thể là một năm, hoặc nửa năm. Hơn nữa hiện nay, có không ít công ty kế toán nhận kiểm toán miễn phí cho các cá nhân, hội, nhóm, tổ chức từ thiện, như một cách để thực hành trách nhiệm cộng đồng. Công cụ không thiếu, cách triển khai cũng không ít, quan trọng nhất vẫn là yếu tố con người. Các cá nhân, tổ chức thực hành từ thiện phát triển cần là những “cái đầu lạnh nhưng trái tim ấm nóng” để luôn vững vàng mỗi bước đi trên con đường giúp ích cho xã hội.