Mùa lũ buồn

Mùa lũ, hay còn gọi là mùa nước nổi ở miền Tây đầu tháng 9 này mới chịu "bò" vào sông rạch, đồng ruộng ở vùng đầu nguồn biên giới tây nam, khác với quy luật tự nhiên nhiều năm trước. Mùa nước nổi là mùa cung cấp cá tôm, cây thủy sinh cho hàng triệu người dân nghèo ở miệt đồng bằng này, nên khi con nước chưa về, cuộc sống cư dân nghèo càng khó khăn hơn.

Nông dân vùng biên giới An Giang nửa mừng, nửa lo vì con nước thấp.
Nông dân vùng biên giới An Giang nửa mừng, nửa lo vì con nước thấp.

Bông súng buồn chẳng nở hoa

Ngư dân Nguyễn Văn No, 68 tuổi, ngụ xã Nhơn Hưng, huyện Tịnh Biên (An Giang) than thở, tháng này nước lũ mới chớm về, nước vào đồng ruộng quá thấp nên tôm cá chưa vào đồng sinh sôi kịp. Ông No nói, đã 30 năm sống bằng nghề đánh cá, chưa năm nào thấy mùa lũ buồn như năm nay. Ông nhớ, những mùa lũ trước, tháng 7 nước đã tràn đồng. Ban đêm, trên những cánh đồng nước nổi lấp lánh "đèn trời" của ngư dân làm nghề đánh bắt cá ngược xuôi theo con nước. Chiến lợi phẩm thu được mỗi đêm đến vài chục ki-lô-gam cá lóc, cá rô, cá trèn răng, cá leo, cá rô phi.

Lũ về muộn, nước kém nên bông súng ma, cây thủy sinh chỉ xuất hiện trong mùa nước nổi cũng tàn úa không chịu phát triển, nở hoa. Bà Trần Thị Sáng sống cặp bờ kênh Vĩnh Tế, xã Vĩnh Tế, TP Châu Ðốc, tỉnh An Giang chỉ tay về cánh đồng còn xanh lúa chét (loại lúa phát triển từ gốc rạ của cây lúa thu hoạch từ mùa trước) bên kia dòng kênh Vĩnh Tế, hướng về nước bạn Cam-pu-chia bảo rằng, những cánh đồng bông súng ma - chỗ dựa của dân nghèo giờ không chịu trồi lên mặt nước. Bởi đặc tính của bông súng là không chịu khuất phục trước con nước nổi, nước dâng tới đâu, cọng bông súng phát triển vượt lên tới đó để nở hoa. "Thời điểm này năm ngoái nước lũ ngập trắng đồng, còn bông súng ma cũng nhiều vô kể. Dọc theo bờ kênh Vĩnh Tế này có hàng trăm gia đình sống bằng nghề hái bông súng để mưu sinh. Vậy mà năm nay, ghe xuồng xếp xó để chờ… con nước", bà Sáng bộc bạch.

Nhưng điều ngư dân lo ngại là lũ về muộn sẽ khiến loài cá linh, loại đặc sản chỉ xuất hiện trong mùa nước nổi không thể vào đồng ẩn náu sinh sôi. Vô số cá linh con mắc kẹt ở sông lớn bị sóng nước cuốn trôi hay bị các loài cá khác săn đuổi nên mùa nước này xem như mất trắng cá linh non. Tại các chợ cá An Giang, tháng này mới có cá linh non nhưng số lượng rất ít với giá cả đắt đỏ - hơn 400 ngàn đồng/kg. Mức giá chưa từng có ở các mùa trước.

Còn ở Ðồng Tháp, mấy hôm nay nước đã tràn đồng, nhưng tâm trạng người dân các huyện, thị đầu nguồn lại nửa mừng, nửa lo. Lão ngư dân cố cựu miệt thượng nguồn Tám Minh chỉ tay về phía cánh đồng nước ngập chưa qua đầu gối, rồi làm phép so sánh kiểu rặt miền Tây: "Năm ngoái, nước đã ngập lút đầu". Rồi lão quét một vòng cánh tay gân guốc chỉ qua các cánh đồng xã Thường Thới Hậu A, Thường Thới Hậu B (huyện Hồng Ngự), phường An Lạc, xã Bình Thạnh (thị xã Hồng Ngự), xã Tân Hộ Cơ (huyện Tân Hồng) tự hỏi, hổng biết con nước đi lạc về đâu hay mải miết rong chơi mà hổng nhớ "cái hẹn" tháng 7 âm lịch hằng năm về cùng ngư dân sum họp. Thấy nước dâng lên, ai nấy khấp khởi mừng, đem cả lọp, dớn lưới ra đồng đặt xen với lúa chét còn xanh ngọn.

Nước thấp, đồng nghĩa cá tôm cũng chẳng có bao nhiêu nên mấy hôm nay, cả chục tay lưới, đú của anh Bùi Văn Lực ngụ ở ấp Bình Hòa Trung, xã Thường Thới Hậu A, huyện Hồng Ngự vẫn còn đặt dưới sàn nhà. "Con nước vài năm nay hay "dở chứng". Hồi trước, thời điểm này là nước đã lênh láng trên đồng. Bà con chúng tôi đánh bắt cá ngày đêm, nhiều vô số kể. Lỡ sắm mấy tay lưới, đú, bỏ cũng uổng, thôi thì ráng chờ ít hôm nữa coi nước lên nhiều thì ra đồng kiếm cá". Theo anh Lực, trong mùa nước nổi, cá linh có nhiều vô số kể, lấn át các loài cá khác. Chúng đi thành đàn nên ngư dân thường đặt dớn lưới, đặt đáy, vó bắt cả bầy. Cá linh mặc nhiên là nguồn sống của ngư dân nghèo. Cánh vạn chài miệt hạ (gần biển) cũng đổ về đầu nguồn mưu sinh trong mùa nước nổi. "Nhờ nguồn lợi trời cho này mà mỗi mùa lũ ngư dân dư dả vài chục triệu đồng. Nước nổi hiện tại đã về nhưng ngư dân không vui vì lũ muộn, trái với quy luật tự nhiên của vùng đồng bằng châu thổ Cửu Long. Phải chăng, vựa lúa miền Tây đang đối mặt với sự khắc nghiệt của thiên nhiên…", ngư dân trẻ tâm tư.

Khi dòng sông không chở nặng phù sa…

Ngư dân lo thiếu cá còn nhà nông lo ngay ngáy lo lũ kém sẽ thiếu phù sa vào đồng ruộng, vụ sau không trúng mùa, sâu bệnh gia tăng. Cho nên mấy ngày nay nông dân xã Phú Lộc, thị xã Tân Châu; xã Nhơn Hưng, huyện Tịnh Biên; xã Bình Thạnh Ðông, Phú Thành, Phú Thạnh, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang vui mừng khi cuối cùng nước lũ cũng "bò" về. Anh Phan Văn Quân, 32 tuổi, ngụ xã Nhơn Hưng, huyện Tịnh Biên nói, mấy ngày nay luôn sốt ruột theo dõi mực nước và dự báo thủy văn. Dẫu nước có dâng lên nhưng vẫn còn quá thấp so với hằng năm. "Giờ đã là tháng chín rồi mà nước mới ngập chừng 50cm. Nhưng nông dân vẫn mừng con nước muộn, còn hơn không có nước lên đồng. Thấy đài khí tượng dự báo vài ngày tới nước lũ tràn về ai cũng nôn nao. Năm nào cũng vậy, cứ mùa lũ là nông dân vùng này không làm lúa vụ ba mà mở đồng cho phù sa vào", anh Quân nói.

Theo kế hoạch, năm nay tỉnh An Giang mở hơn 20 nghìn héc-ta đất ruộng để đón con nước nổi nhưng con nước không về nên ai nấy đều chung tâm trạng thấp thỏm lo âu. Nông dân ngóng nước lũ chở theo phù sa tràn vào đồng ruộng bồi đắp cho những cánh đồng lúa cằn cỗi vì khai thác quanh năm không còn dinh dưỡng. Lão nông Nguyễn Văn Phúc, ngụ xã Phú Lộc, thị xã Tân Châu nói, phù sa vào đồng có nhiều cái lợi lắm, khi có phù sa thì vụ sau sẽ đỡ tốn kém phân bón, thuốc trừ sâu. Bởi con nước vừa bồi đắp cho nền đất thêm màu mỡ, vừa rửa sạch ruộng đồng phân thuốc tồn đọng, và mầm sâu bệnh cũng trôi đi. Lão nông suy tư tự hỏi: "Năm nay lũ thấp, cá mắm không có cũng đừng mong có phù sa. Nhìn nước trên sông là biết, không còn đặc quánh, đỏ ngầu như những mùa lũ trước. Dòng sông không còn "chở nặng phù sa" về bồi đắp cho đồng bằng châu thổ Cửu Long nữa thì liệu có còn là "vựa lúa", mai này!".