“Made in Vietnam”

Một khái niệm bàn tròn không có góc cạnh

LTS - Thời gian gần đây đang nóng lên vấn đề về xuất xứ hàng hóa, trong đó có việc như thế nào thì một sản phẩm được coi là xuất xứ Việt Nam. Sau hơn một năm tham vấn ý kiến các bộ, ngành, Bộ Công thương đã đưa ra bản Dự thảo đầu tiên quy định về tiêu chí dán mác "Made in Vietnam" cho hàng sản xuất trong nước lưu thông nội địa. Mặc dù dự thảo ban hành là cần thiết, song vẫn còn ý kiến khác nhau về một số quy định trong dự thảo.

Dù VinFast có thể nhập khẩu linh kiện, phụ tùng từ nhiều quốc gia nhưng là một thương hiệu riêng, Vingroup chịu trách nhiệm đến cùng về sản phẩm nên được gọi là hàng Việt Nam.
Dù VinFast có thể nhập khẩu linh kiện, phụ tùng từ nhiều quốc gia nhưng là một thương hiệu riêng, Vingroup chịu trách nhiệm đến cùng về sản phẩm nên được gọi là hàng Việt Nam.

Theo dự thảo, hai trường hợp được coi là hàng hóa của Việt Nam là: Hàng hóa có xuất xứ thuần túy hoặc được sản xuất toàn bộ tại Việt Nam; hàng hóa có xuất xứ không thuần túy hoặc không được sản xuất toàn bộ tại Việt Nam nhưng trải qua công đoạn gia công, chế biến cuối cùng tại Việt Nam làm thay đổi cơ bản tính chất của hàng hóa.

Về nguyên tắc, Thông tư sẽ không làm phát sinh thêm chi phí cho DN bởi ghi nhãn hàng hóa và công bố nước xuất xứ trên nhãn hàng hóa đã từ lâu là yêu cầu bắt buộc theo quy định của Nghị định 43. Thông tư chỉ giúp các tổ chức, cá nhân có căn cứ để thực hiện đúng yêu cầu của Nghị định 43, giúp loại bỏ các trường hợp vô tình hay cố tình vi phạm thông tin về nước xuất xứ.

- Có những ý kiến thắc mắc rằng, với hàng hóa có xuất xứ không thuần túy, có phải cứ đạt hàm lượng giá trị gia tăng hơn 30% là được coi là hàng hóa của Việt Nam? Vì sao lại chọn tỷ lệ hàm lượng giá trị gia tăng nội địa thấp hơn một số quốc gia?

Một khái niệm bàn tròn không có góc cạnh ảnh 1

Thứ trưởng Công thương TRẦN QUỐC KHÁNH

- Thứ trưởng Trần Quốc Khánh: Theo dự thảo Thông tư, một hàng hóa chỉ được xác định là hàng sản xuất tại Việt Nam khi đồng thời thỏa mãn cả hai điều kiện, bao gồm công đoạn cuối cùng không phải gia công đơn giản và hàm lượng giá trị gia tăng (VAC) nội địa tối thiểu là 30%.

Với hàng hóa có xuất xứ không thuần túy chỉ được coi là hàng Việt Nam khi khâu sản xuất, chế biến cuối cùng diễn ra tại Việt Nam và khâu đó phải làm thay đổi cơ bản tính chất của hàng hóa, không phải là gia công, chế biến đơn giản như quy định tại Ðiều 10, dự thảo Thông tư.

Ðối với một mặt hàng cụ thể, nếu tiêu chí xác định hàng hóa của Việt Nam là hàm lượng giá trị gia tăng phải đạt 30% thì 30% là ngưỡng thấp nhất mà VAC của hàng hóa đó phải đạt được để được coi là hàng hóa của Việt Nam.

Nếu bổ sung điều kiện sẽ dẫn tới tình huống "oái oăm" là cả thế giới công nhận, còn riêng Việt Nam lại không công nhận một sản phẩm nào đó là của mình". Bởi thực tế, nhiều sản phẩm Việt Nam chỉ cần đáp ứng hàm lượng gia tăng nội địa 30% đã được công nhận là xuất xứ Việt Nam khi xuất khẩu ra thế giới.

Một khái niệm bàn tròn không có góc cạnh ảnh 2

Chuyên gia thương hiệu VÕ VĂN QUANG

- Ông Võ Văn Quang: Theo tôi, việc đưa ra quy chuẩn 30% hay cao hơn 30% để được xác định là hàng Việt Nam cho tất cả các mặt hàng là chưa hợp lý. Bởi cái cơ bản nhất đó chính là nguyên liệu như lúa, vải, bông, gạo, dầu thô… những thứ tạo nên sản phẩm thì đều là nguyên liệu mà nguyên liệu thì có những quốc gia họ quy định tới cả 100%, 90%.

Thí dụ như một chiếc máy bay Boeing lắp ráp cuối cùng tại Pháp được ghi nhận là "Made in France". Nhưng linh kiện được làm ở Nhật Bản, Hàn Quốc, ở Mỹ nữa. Như vậy, để đưa ra một quy định nào đó trước tiên chúng ta cần phải tiếp cận với từng lĩnh vực. Mỗi lĩnh vực hàng hóa lại có hàng nguyên liệu khác nhau, bên cạnh đó là sản phẩm được tạo ra bởi trí tuệ và công sức của DN.

Nói về sản phẩm thuần túy thì hiện nay không có sản phẩm nào là thuần túy hết. Chưa kể, tiêu chí nội địa hóa với tỷ lệ 30% hay có cao hơn nữa, thì cũng rất mất công tính toán, đo đếm, khó giám sát trong khi DN có thể lách được.

- Ông Nguyễn Xuân Dương: Quy định về tỷ lệ VAC 30% là hợp lý bởi nằm trong thông lệ chung. Có thể lấy thí dụ trong ngành dệt - may, giá trị nguyên liệu thường cao hơn rất nhiều so với giá trị gia công như một cái áo mà nhập nguyên liệu từ Trung Quốc ước tính khoảng 3 USD/m vải, còn các nguyên liệu khác trong khi gia công ở trong nước chỉ hơn 1USD. Ðối với những mặt hàng không thuần túy hơn nữa thì Thông tư đã có phần thay đổi hiệu suất (HS) đã chấp nhận cho "Made in Vietnam" rồi. Dưới góc nhìn của DN, tôi đánh giá Dự thảo Thông tư "Made in Vietnam" là phù hợp với đặc thù sản xuất của Việt Nam hiện nay.

- Dự thảo Thông tư mới đưa ra các tiêu chí các quy định như thế nào là hàng hóa của Việt Nam hay sản xuất tại Việt Nam, nhưng lại bỏ qua các khái niệm như "lắp ráp tại Việt Nam", hay "sản xuất bởi...", "thiết kế tại Việt Nam", "thiết kế bởi...". Ý kiến của các vị ra sao về vấn đề này?

- Thứ trưởng Trần Quốc Khánh: Vấn đề hình thức văn bản là một trong những vấn đề gây tranh luận trong quá trình trao đổi về sự cần thiết phải ban hành một văn bản quy phạm pháp luật giúp xác định như thế nào là hàng hóa Việt Nam.

Tuy nhiên, các DN không được thể hiện các nội dung "lắp ráp tại Việt Nam", "gia công tại Việt Nam" hay "thiết kế bởi Việt Nam", mà chỉ được phép lựa chọn một trong các cách quy định như: sản phẩm của Việt Nam hoặc sản phẩm Việt Nam; hàng hóa của Việt Nam hoặc hàng hóa Việt Nam hoặc hàng Việt Nam; sản xuất tại Việt Nam hoặc Việt Nam sản xuất; chế tạo tại Việt Nam hoặc Việt Nam chế tạo; chế tác tại Việt Nam hoặc Việt Nam chế tác…

Theo dự thảo, hàng hóa không được ghi nhãn bằng tiếng nước ngoài, thí dụ "Made in Vietnam" hay "product of Vietnam". Thông tư này áp dụng cho hàng hóa lưu thông trên thị trường Việt Nam nên ngôn ngữ thể hiện bắt buộc phải là tiếng Việt.

- Ông Võ Văn Quang: Trong trường hợp này thì tôi có liên tưởng đến bia Hà Nội, bia Sài Gòn… được gọi là bia của người Việt nhưng Việt Nam làm gì có lúa mạch? Hay như được sản xuất, lắp ráp tại Trung Quốc và ghi nhãn là "Made in China" nhưng ai cũng biết Apple là một thương hiệu của Mỹ. Ðiều quan trọng ở đây chính là tính chuyên nghiệp trong quản trị chuỗi cung ứng.

Tương tự, Samsung không chỉ lắp ráp đơn thuần, mà còn trực tiếp sản xuất nhiều linh kiện ở Việt Nam, nghĩa là tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm Samsung rất cao và được ghi nhãn "Made in Việt Nam". Nhưng không ai nói Samsung của Việt Nam cả, vì các yếu tố cốt lõi đều là của Hàn Quốc.

Do đó, từ thập niên 90 của thế kỷ trước, thế giới đã khai sinh ra mô hình kinh tế thương hiệu, thương hiệu là chủ quyền, là cái bất biến.

Một khái niệm bàn tròn không có góc cạnh ảnh 3

Chủ tịch HĐQT, TGĐ May Hưng Yên NGUYỄN XUÂN DƯƠNG

- Ông Nguyễn Xuân Dương: Trong thông lệ chung thì "made in" là cơ sở để tính thuế. Ðôi khi "Made in Vietnam" còn là cơ sở để phân định sản xuất ở trong nước, tránh được việc lấy hàng của Trung Quốc rồi dán nhãn Việt Nam vào coi như đó là "Made in Việt Nam". Quy định này là cần thiết!

- Ðặt trong trường hợp cụ thể, nếu một sản phẩm nông nghiệp được lấy giống từ nước ngoài và trồng tại Việt Nam, hay một hãng xe ô-tô được nhập linh kiện từ nước khác, nhưng lắp ráp tại Việt Nam hoặc nguyên liệu một nửa thuần Việt một nửa nhập khẩu thì có được coi là hàng Việt Nam hay không?

- Thứ trưởng Trần Quốc Khánh: Theo dự thảo cây trồng và các sản phẩm từ cây trồng được trồng và thu hoạch tại Việt Nam được coi là hàng hóa có xuất xứ thuần túy. Vì vậy, mặc dù cây xoài lấy giống từ Thái-lan nhưng được trồng và thu hoạch tại Việt Nam nên quả xoài được coi là sản phẩm của Việt Nam.

Với 50% chè Việt Nam phối trộn với 50% chè Sri Lanka, để đánh giá là sản phẩm Việt Nam thì cần xác định giá trị trị giá EXW (giá xuất xưởng) của sản phẩm chè sau chế biến, xác định sản phẩm cuối cùng là kết quả của quá trình phối trộn đơn giản hay sử dụng phương thức khác.

Các sản phẩm từ trước tới nay vẫn được dán nhãn "Made in Vietnam" hay sử dụng danh xưng "hàng Việt Nam", theo dự thảo, khi thông tư có hiệu lực thi hành, việc thể hiện nội dung hàng hóa của Việt Nam trên nhãn hàng hóa và/hoặc trên tài liệu, vật phẩm chứa đựng thông tin liên quan đến hàng hóa phải tuân thủ các quy định của thông tư, không có ngoại lệ.

- Ông Võ Văn Quang: Hiện nay, có sản phẩm của một vài DN "xứng đáng" là hàng Việt Nam như xe ô-tô VinFast. Dù VinFast có thể nhập khẩu linh kiện, phụ tùng từ nhiều quốc gia nhưng họ thành lập một thương hiệu riêng, bảo hành riêng, Vingroup sẽ chịu trách nhiệm đến cùng về sản phẩm nên được gọi là hàng Việt Nam. Hay nói cách khác, VinFast là thương hiệu chủ quyền và có thể xuất khẩu đi nhiều nước khác.

Hiện chưa có kết luận về những lùm xùm liên quan đến nhãn hàng Asanzo. Nhưng bây giờ hỏi ngược lại một câu Asanzo là thương hiệu của ai? Chắc chắn chưa có câu trả lời!

Câu chuyện ở đây là hành lang pháp lý chưa đủ, chưa có văn bản cụ thể về xử phạt. Ðây chính là sự bất cập ngay từ đầu, lớn hơn cả sự tranh thủ nếu có của DN.

- Ông Nguyễn Xuân Dương: Trong ngành dệt - may, dù nhập vải của nước ngoài nhưng về Việt Nam cắt may, sản xuất và bán đi tức là cái áo đó là hàng Việt Nam mà không cần biết là Việt Nam bao nhiêu phần trăm bởi có sự thay đổi về HS đã là "Made in Vietnam".

Hoặc như các ngành khác thì có thể nhập vỏ thép về chế tạo sản phẩm này, sản phẩm khác, hay sản xuất ô-tô thì đấy là "Made in Vietnam". Cũng như việc nhập vải là HS 53 nhưng thành áo là 62 thì đó là chuyển đổi HS và đó là "Made in Vietnam". Về vấn đề này thì chỉ cần thay đổi HS thôi.

Trong trường hợp trộn chè, khi anh xuất ra sản phẩm vẫn là chè còn về tỷ lệ thì 50% đã đủ điều kiện là Việt Nam rồi nếu tính theo tỷ lệ giá trị gia tăng mà không cần thay đổi HS.

- Nạn nhập khẩu nhập nhèm "đội lốt hàng Việt" đang gây nhức nhối trên thị trường. Liệu Dự thảo Thông tư "Made in Vietnam" có xử lý triệt để vấn đề này? Có thể đề xuất gì để góp phần phòng, chống gian lận thương mại?

- Thứ trưởng Trần Quốc Khánh: Thông tư giúp các tổ chức, cá nhân có căn cứ để thực hiện đúng yêu cầu quy định của pháp luật, giúp loại bỏ các trường hợp vô tình hay cố tình vi phạm thông tin về nước xuất xứ. Các DN chân chính sẽ không phải đối diện nguy cơ cáo buộc "gian lận xuất xứ", tránh được rủi ro kiện tụng và mất uy tín với người tiêu dùng.

Kể từ ngày Thông tư có hiệu lực thi hành, việc thể hiện nội dung hàng hóa của Việt Nam trên nhãn hàng hóa hoặc trên tài liệu, vật phẩm chứa đựng thông tin liên quan đến hàng hóa phải tuân thủ các quy định của Thông tư, không có ngoại lệ.

- Ông Võ Văn Quang: Cơ quan chức năng phải xây dựng hành lang pháp lý, đồng thời xác định rõ việc phải "nắm đằng chuôi" tức là thương hiệu. Cái quan trọng không phải là "Made in Vietnam" mà là uy tín của thương hiệu Việt Nam. Bản thân Việt Nam cũng là thương hiệu dưới góc độ quản lý xuất xứ, góc độ các hiệp định thương mại.

- Ông Nguyễn Xuân Dương: Ðối với ngành dệt - may, khi Thông tư được chính thức ban hành sẽ ngăn chặn được chuyện gian dối, "đội lốt hàng Việt" để tăng xuất khẩu vào các thị trường lớn.

Do đó, Thông tư có thể giúp DN yên tâm hơn về khía cạnh xuất khẩu, tránh được trường hợp một sản phẩm sản xuất hoàn toàn tại một nước khác đưa về Việt Nam rồi gắn nhãn mác "Made in Vietnam" vào để tiêu thụ như hàng trong nước, như vậy sẽ gây ra cạnh tranh không công bằng. Tôi cho rằng, khi có quy định chặt chẽ sẽ tạo ra một môi trường cạnh tranh lành mạnh cho cả hàng xuất khẩu và hàng trong nước.

- Xin cảm ơn!