Một cánh cửa mới đang mở

Trong triển lãm điêu khắc cá nhân, vốn rất hiếm hoi ở Việt Nam, diễn ra vào đầu tháng 7 vừa qua của nghệ sĩ Khổng Đỗ Tuyền, một điều “bên lề nghệ thuật” đặc biệt là sự xuất hiện của nhà tài trợ cho nghệ sĩ. Sự xuất hiện này gợi ra khá nhiều điều về mối tương quan giữa nghệ sĩ và nhà tài trợ...

Dự án nghệ thuật Phố thứ 37 của nghệ sĩ điêu khắc Nguyễn Ngọc Lâm, trưng bày trong vườn Đại sứ quán Pháp và do cơ quan này tài trợ.
Dự án nghệ thuật Phố thứ 37 của nghệ sĩ điêu khắc Nguyễn Ngọc Lâm, trưng bày trong vườn Đại sứ quán Pháp và do cơ quan này tài trợ.

“Không giới hạn”

Nghệ sĩ Khổng Đỗ Tuyền khá hào hứng chia sẻ với chúng tôi nhiều thông tin về nhà tài trợ cho triển lãm cá nhân của anh. Thật ra, việc tài trợ cho triển lãm của anh rất “tình cờ” bởi trước đó, nhà tài trợ - chủ nhân dự án Art In The Forest (Nghệ thuật trong rừng) đã sưu tập tác phẩm của anh, và anh là nghệ sĩ đầu tiên được mời tham gia một trại sáng tác điêu khắc đương đại trong khu nghỉ dưỡng Flamingo Đại Lải. 15 nghệ sĩ trẻ, trong độ tuổi dưới 40, được lựa chọn trên toàn quốc, đang hoàn thiện phác thảo để tháng 10 tới, chính thức “đóng đô” một tháng tại không gian Đại Lải, triển khai tác phẩm. Dự án chịu toàn bộ chi phí liên quan như phác thảo, tiền tác quyền, phương tiện đi lại, nơi ăn ở, nguyên vật liệu... Theo nghệ sĩ, điều hấp dẫn hơn cả chính là việc “không giới hạn” kích thước và vật liệu cho tác phẩm trong dự án này; đổi lại nghệ sĩ phải làm sao để “tác phẩm đó hài hòa với khu vực không gian bao quanh và nhận được sự đồng thuận cao của tất cả các thành viên trong trại”. Đây là một cách làm khá mới, chưa có trong tiền lệ ở Việt Nam, gần như tin tưởng và giao toàn quyền chịu trách nhiệm về thẩm mỹ cho người điều hành dự án và các nghệ sĩ. Chính cách làm này khiến cho nghệ sĩ tự cảm thấy trách nhiệm của mình nhiều hơn với công việc, học hỏi được lẫn nhau nhiều hơn về nghề nghiệp sau những cuộc họp
bàn luận về từng tác phẩm.

“Chúng tôi không hy vọng hay kỳ vọng gì nhiều vào sự lâu dài của dự án này, vì cái đó còn phụ thuộc vào tiềm lực kinh tế của nhà tài trợ. Nhưng qua những gì mà họ đã làm với âm nhạc có bản quyền từ 5 năm trước cho khách hàng của Flamingo, qua cách mà họ sưu tập hội họa, điêu khắc lâu nay, qua cách họ sử dụng các công trình kiến trúc mới của Võ Trọng Nghĩa từ cả chục năm trước, nhất là qua cách thức vận hành trại sáng tác này, cá nhân tôi cảm thấy đang có một cánh cửa mới mở ra cho thị trường nghệ thuật nói chung, nghệ thuật điêu khắc nói riêng ở Việt Nam”- nghệ sĩ Khổng Đỗ Tuyền chia sẻ. Thêm vào đó, theo anh, nghệ thuật điêu khắc đã có nhiều hơn khách hàng trong nước, tiếp thêm sự rộng mở của cánh cửa mới này. Trong triển lãm cá nhân, anh đã bán được một số tác phẩm cho người Việt Nam.

Sự cạnh tranh với “thị trường bao cấp”

Trong nhiều bài viết và tham luận hội thảo, nhà phê bình Nguyễn Quân đã dùng từ “thị trường bao cấp” trong lĩnh vực điêu khắc, chỉ ra việc sử dụng ngân sách tràn lan ở hầu khắp địa phương trong cả nước, để làm tượng đài hoành tráng, vườn tượng, trại điêu khắc quốc tế... Hệ quả là tiền thì mất mà thẩm mỹ nhìn chung vẫn “xấu nhiều hơn đẹp”. Rất có thể nhiều ý kiến khác cho rằng ông Nguyễn Quân cực đoan, song thực trạng xây dựng tượng đài lâu nay đã cho thấy tính thực tiễn của những điều ông đề cập, nhất là trong khi kinh tế đất nước còn nhiều khó khăn, nhiều người chưa có cơ hội được ăn no và được chữa bệnh.

Trong công cuộc đổi mới từ 30 năm qua, trên khắp cả nước, có hàng trăm khu đô thị mới, hiện đại, hoặc bình dân hoặc đẳng cấp, song dường như câu chuyện đưa nghệ thuật điêu khắc hiện đại trở thành một thành tố quen thuộc trong các không gian ấy vẫn là chuyện không tưởng. Thay vào đó, người ta dễ dàng bỏ ra hàng đống tiền để sử dụng các mẫu tượng trang trí copy hàng loạt từ thời Phục Hưng của phương Tây, hoặc tượng sư tử theo mẫu Trung Quốc. Nhiều nghệ sĩ điêu khắc nhìn thấy được ở các công trình đô thị lớn nhỏ khắp nơi ấy những tiềm năng cho nghệ thuật của mình sống được, song cuối cùng, họ vẫn phải đành chọn cách kiếm tiền dựa vào các kỳ cuộc đấu thầu trong “thị trường bao cấp” kia và nuôi giấc mơ làm nghề đích thực.

Trong một câu chuyện với chúng tôi, họa sĩ Vũ Hồng Nguyên đồng ý với quan điểm nước ta hiện chưa xây dựng được những cơ chế chính sách nền tảng để khuyến khích doanh nghiệp, doanh nhân đầu tư cho nghệ thuật. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là không thể ngồi chờ chính sách nếu thật sự một ai đó là người yêu nghệ thuật, nhìn thấy ở đó tiềm năng mọi mặt về lâu dài. “Nếu một doanh nghiệp đầu tư cho nghệ thuật điêu khắc với các dự án nghiêm túc, không gian cảnh quan, giá trị của doanh nghiệp sẽ được đẩy lên thành văn hóa và những tác phẩm điêu khắc cũng có giá trị đặc biệt trong không gian cảnh quan ấy” -
họa sĩ Vũ Hồng Nguyên nhấn mạnh. Có lẽ, nếu nhìn thuần túy ở góc độ kinh doanh, đây có thể coi như một kênh đầu tư lâu dài của doanh nhân, doanh nghiệp và thành công của người đi đầu sẽ cuốn hút nhiều người khác, tạo ra một sự cạnh tranh mới với “thị trường bao cấp” của nghệ thuật điêu khắc lâu nay.