Mong ước xa vời

Lao động vất vả, phải tuân thủ thời gian ca kíp, rồi phải làm thêm để có thu nhập, song nhiều công nhân vẫn phải chấp nhận sống trong những phòng trọ chật hẹp, ẩm thấp, mất vệ sinh để tiết kiệm chi phí. Ước mơ về ngôi nhà riêng, một nơi lưu trú bảo đảm các điều kiện sinh hoạt, với nhiều người, vẫn thật xa vời.

Nhiều công nhân tranh thủ bán hàng hoa quả để có thêm thu nhập. Ảnh: DIÊN KHÁNH
Nhiều công nhân tranh thủ bán hàng hoa quả để có thêm thu nhập. Ảnh: DIÊN KHÁNH

Bức tranh tương phản

Xã Đại Đồng (Tiên Du, Bắc Ninh) chục năm qua thay da đổi thịt, nhà cao tầng mọc lên san sát cạnh khu công nghiệp (KCN) VSIP. Trái ngược với sự khang trang, giàu có ấy là những khu nhà trọ công nhân nằm nép mình sâu trong những con ngõ. Bức tranh tương phản ấy, đáng tiếc, đã hiện diện từ lâu lắm rồi.

Mặt nhợt nhạt vì tăng ca nhiều giờ, Hoàng Văn Tiến, quê ở Đô Lương (Nghệ An), làm công nhân, thuê trọ ở thôn Đại Vi được ba năm, chỉ tay lên ngôi nhà bốn tầng của chủ nhà trọ: “Tiền công nhân chúng em làm ra phần lớn đều dành để thuê nhà trọ. Nhưng phòng trọ thì lụp xụp, nóng bức, khổ sở lắm”.

Rẽ vào các ngõ, ngách của các thôn Dương Húc, Đại Thượng thuộc xã Đại Đồng, rồi đi sâu vào thôn Đoài của xã Hoàn Sơn cũng thuộc huyện Tiên Du, chúng tôi dễ dàng tìm thấy những khu nhà trọ nằm nép mình bên những ngôi nhà lớn của chủ trọ. Vào sáng sớm và chiều tối, công nhân đi làm và tan ca nhiều đến nỗi tắc cả đường liên thôn. Anh Dương Văn Quả, bày tỏ: “Tôi làm công nhân ở đây đến nay là sáu năm, cũng đã nhảy việc ở ba công ty, do đồng lương chưa khá, nhà trọ nhiều nhưng chất lượng thấp nên đôi lúc thấy nản. Giá mà có nhà trọ ổn hơn, hoặc nhà lưu trú công nhân do doanh nghiệp xây dựng thì cuộc sống công nhân của chúng tôi cũng sẽ thoải mái hơn”. Tại Bắc Ninh, mấy năm nay phát triển nhiều KCN nên nhu cầu nhà ở cho công nhân rất lớn. Theo Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Ninh, hiện có tới 128 nghìn công nhân làm việc trong các KCN. Nhưng phần lớn công nhân vẫn phải đi thuê trọ trong các khu dân cư.

Tìm đến những khu nhà trọ ở KCN Tân Tạo (TP Hồ Chí Minh), trò chuyện với nhiều người mới cảm nhận phần nào nỗi niềm của những người công nhân nơi đây. Đời sống nghèo nàn, phương tiện giải trí thiếu thốn nên nhiều người dễ nhiễm những thói hư, tật xấu như nhậu nhẹt, đánh bạc, tìm xem băng đĩa có nội dung xấu. Chị Lê Thị Hiền, quê ở Tiền Giang, công nhân Công ty Hải Hà tâm sự: “Chúng em phải rủ ba, bốn người ở chung một phòng cho rẻ. Cũng chỉ tối về ngủ thôi mà, biết là chật nhưng đành phải chấp nhận”.

Ở Bình Dương, nơi được mệnh danh là “thủ phủ khu công nghiệp”, có hơn 1,2 triệu lao động; trong đó hơn 860 nghìn công nhân là người ngoài tỉnh, việc thuê nhà ở trọ cũng là vấn đề đang gây bức xúc. Bà Nguyễn Thị Thanh Hảo, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Bình Dương, cho hay: Mặc dù địa phương đã rất nỗ lực trong xây dựng nhà ở xã hội (NƠXH) nhưng nguồn cung tại Bình Dương hiện vẫn còn ít so nhu cầu thực tế.

Những hướng mở khả thi

Thời gian qua UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch về phát triển NƠXH, trong đó có chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng, giải quyết nhu cầu nhà ở cho công nhân. Theo Chương trình phát triển NƠXH tỉnh Bình Dương giai đoạn 2016-2020, tỉnh Bình Dương đầu tư hơn hai triệu m2 sàn NƠXH. Đến nay, tỉnh đã thu hút 86 dự án với tổng diện tích khoảng 200 héc-ta, tương đương 3,9 triệu m2 sàn; trong đó có 43 dự án thuộc Đề án nhà ở an sinh xã hội Becamex do Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp (Becamex IDC) làm chủ đầu tư. Để giảm chi phí đầu tư cũng như giá bán nhà, tạo điều kiện cho các đối tượng có điều kiện mua NƠXH, Becamex IDC đã kiến nghị UBND tỉnh Bình Dương có ý kiến để ngành điện có trách nhiệm đầu tư hạ trạm, mạng lưới điện đến công-tơ điện nhằm giảm chi phí cho người dân. Becamex IDC đã xây dựng 20.748 căn hộ nhà ở công nhân, phục vụ chỗ ở cho 62.244 người. Ông Nguyễn Hoàng Vũ, Phó Tổng Giám đốc Becamex IDC, chia sẻ: Hiện tại các khu NƠXH, nhà ở công nhân đã có nhà văn hóa, phòng cộng đồng, trung tâm thể dục thể thao, nhà trẻ, trường mẫu giáo… Nhưng phải thừa nhận dù đã cố gắng nhưng trong tương lai, các thiết chế, dịch vụ này sẽ quá tải, cần phải tiếp tục đầu tư xây dựng thêm.

An cư lạc nghiệp, mua được NƠXH là mong ước của công nhân lao động ở tất cả các địa phương. Tại khu NƠXH Becamex, chị Phạm Thị Lan (quê Bình Phước) làm việc tại KCN Việt Nam - Singapore II, vui mừng khoe: “Tôi mua được căn hộ ở tầng 5 với giá gần 100 triệu đồng ở khu NƠXH Becamex Hòa Lợi (TP Thủ Dầu Một). Tôi đã chọn cách trả trước 30 triệu đồng, còn lại trả dần trong 5 năm với 1.396.000 đồng/tháng. Bây giờ tôi chỉ đi bộ mười phút là đến chỗ làm. Nhiều đồng nghiệp vẫn đang hy vọng mua được nhà như tôi. Mong rằng ước mơ sớm thành hiện thực”.

Cơ chế, cách làm của tỉnh Bình Dương đang được đánh giá cao, một số tỉnh như Bắc Giang, Tiền Giang, Hà Nam… đã tham khảo. Tuy nhiên, theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng Bình Dương Nguyễn Thị Thanh Hảo, để nhanh chóng có nguồn vốn triển khai các dự án nhà ở cho công nhân, các bộ, ngành nên xem xét, trình Chính phủ cho phép được giữ lại một phần vốn cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn để phát triển nhà ở cho người thu nhập thấp, công nhân lao động.