Mong manh thoát nghèo

Nhận được sự hỗ trợ tích cực từ nhiều nguồn khác nhau, nhiều chị em phụ nữ dân tộc thiểu số (DTTS) đã thành công trong việc tạo thêm nhiều nguồn thu nhập giúp gia đình và cộng đồng thoát nghèo. Tuy vậy, ở một số nơi vẫn còn tình trạng loay hoay, chật vật để không… tái nghèo!

Sản phẩm nông sản sạch của HTX A Lưới được bày bán tại siêu thị.
Sản phẩm nông sản sạch của HTX A Lưới được bày bán tại siêu thị.

Dở khóc dở cười với la

Từ trung tâm thành phố Cao Bằng, để đến được với xã Ngọc Côn, huyện Trùng Khánh, phải băng qua hơn một trăm cây số đèo dốc, cộng thêm khoảng 20 km cuối đường hẹp, chằng chịt “ổ voi”, “ổ gà” ngập nước bởi cơn mưa đêm. Trong khi xe của chúng tôi bò từng chút một, thì chốc chốc lại thấy có chiếc xe máy chở hàng hóa cồng kềnh phóng vọt qua. Ðiều thú vị là, hầu hết người cầm lái là phụ nữ, chở theo hàng hóa  xuống bán ở chợ huyện.

Ngọc Côn là một trong năm xã biên giới được nhận hỗ trợ từ chương trình Ðồng hành cùng phụ nữ biên cương (do Hội Liên hiệp Phụ nữ - LHPN Việt Nam kết hợp cùng Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng - BÐBP triển khai) từ năm 2018. Hai nội dung chính của dự án là phát triển mô hình chăn nuôi la và lò đốt rác không khói (cùng bếp không khói).

Thời gian đầu, mô hình chăn nuôi la cho hiệu quả rõ rệt. Con la thích nghi tốt với địa hình đồi núi,vừa giúp công việc cày cấy, vừa có thể thồ hàng dọc biên giới. Nhiều nhà khấm khá lên nhờ nuôi la. Và Ngọc Côn cũng nhờ thế có thêm tên là “xã đại gia” của huyện. Nhưng cái sự sung túc ấy không được dài lâu. Chị Hứa Thị Mạnh (sinh năm 1967), thuộc diện gia đình khó khăn, không có đất canh tác, thường trông chờ vào việc thồ hàng thuê từ biên giới về. Dịch Covid-19 khiến giao thương đường biên bị hạn chế, vợ chồng chị Mạnh nhanh chóng… tái nghèo.

Xã Ngọc Côn còn có nếp ong, một loại lúa đặc sản có tiếng được làm hoàn toàn thủ công từ công đoạn gieo trồng cho đến gặt hái xay xát… Do địa hình thời tiết vùng cao, canh tác tự nhiên nên sản lượng của nếp ong không cao. Ấy thế nhưng, dù được hay mất mùa, đầu ra cho giống gạo này vẫn rất khó khăn. Ông Trần Văn Quyết, Bí thư Ðảng ủy xã Ngọc Côn chua xót: “Năm nay, không đi tải hàng được, chẳng có tiền mua thức ăn nuôi đàn la, chị em dở khóc dở cười với la. Thôi thì thóc nếp không bán được, đành lấy ra chăn nuôi la”.

Thực tế từ một dự án chăn nuôi này cũng khiến cho nhiều chị em phụ nữ nơi đây e ngại các gói hỗ trợ mua con giống về chăn nuôi, nhất là khi họ thiếu kiến thức để chủ động ứng phó trước những sự cố bất ngờ xảy ra. Chị La Thị Doan, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Ngọc Côn, người đã gắn bó với công tác phụ nữ cả chục năm chia sẻ: “Trình độ nhận thức của chị em hội viên trong xã không đồng đều, nên tuyên truyền phải lựa theo họ mà làm. Mỗi khi có chương trình hỗ trợ từ Hội LHPN xã, các cán bộ phải làm trước, vừa nói vừa làm, chị em mới tin tưởng làm theo”.

Chúng tôi rời Ngọc Côn khi cơn mưa nặng hạt trút xuống, lúp xúp trên cánh đồng vẫn thấy bóng dáng những người phụ nữ đi mót lúa. Ước mơ thoát nghèo vậy là vẫn còn xa vời với những con người tần tảo ở nơi đây.

Vòng tròn đang mở rộng

Giúp phụ nữ DTTS có được sinh kế bền vững là nỗi trăn trở của các cán bộ Hội LHPN ở các địa bàn vùng xa, vùng sâu. Bà Lê Thị Quỳnh Tường, Chủ tịch Hội LHPN huyện A Lưới (tỉnh Thừa Thiên Huế) được phụ nữ thôn Tu Vay, xã Hồng Thái, huyện A Lưới, xem như “bà nguyệt” vì đã giúp Hợp tác xã (HTX) Nông sản an toàn đưa được sản vật của A Lưới “vượt rừng”, vượt hàng trăm cây số để về phố. Không chỉ chuối, mà còn gạo Ra Dư, nếp than, gà kiến... đã được người thành thị biết tiếng và tin dùng, mang lại nguồn thu tăng đáng kể cho người sản xuất.

Nhớ lại những bước đi ban đầu, chị Tường cho biết, cách đây bốn năm, được Hội LHPN tỉnh hỗ trợ 30 triệu đồng xây dựng các mô hình sản xuất thực phẩm an toàn, thân thiện với môi trường nên đã tiến hành xây dựng mô hình tổ liên kết. Ðầu tiên, chị đầu tư cho bốn thành viên chuyên sản xuất các loại nông sản như: rau, củ, quả các loại, trong đó ưu tiên sản xuất, chế biến các loại nông sản địa phương như: chuối, kiệu, các loại gia vị Asai xiêng, Amoot, Asoar,... sau đó nhân rộng dần. Hội cũng thành lập “Gian hàng rau củ, nông sản sạch của Hội LHPN huyện” tại trung tâm chợ A Lưới để tiêu thụ sản phẩm. Mùa dịch khiến sản phẩm bán ra gặp nhiều trở ngại, nhưng HTX trước đó đã chủ động tiến hành xây dựng nhãn hiệu cho các sản phẩm chủ lực, đăng ký cấp giấy chứng nhận cửa hàng đạt chuẩn an toàn thực phẩm, và chính thức được có mặt trên các kệ hàng tại siêu thị Big C Huế.

Chị Hồ Thị Ngạch, thành viên HTX cho biết, trước đây, toàn bộ diện tích này tôi trồng sắn nhưng năm nào cũng rơi vào vòng luẩn quẩn: được mùa mất giá và ngược lại. Khi được HTX sản xuất và kinh doanh nông sản an toàn vận động liên kết thành lập tổ hợp tác sản xuất rau an toàn, tôi đồng ý tham gia ngay. Từ đó, thu nhập ổn định hơn. Bằng cách thức liên kết chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và vốn, những người phụ nữ ở khu vực còn khó khăn như A Lưới đang dần vươn lên thoát nghèo. Người thành công giúp người còn khó khăn, vòng tròn ấm no đang dần được mở rộng hơn. Ðầu tư vào nông nghiệp là phải chấp nhận những rủi ro do thiên tai hay yếu tố thị trường, nhưng được se duyên với nông nghiệp an toàn rồi, họ đều có niềm tin rằng sẽ đến ngày mùa vàng đáp đền lại những nỗ lực đã bỏ ra trên ruộng đồng.

Hai câu chuyện, hai hướng đi, hai kết quả… cho thấy cả những thuận lợi cũng như khó khăn mà các mô hình hỗ trợ sinh kế cho phụ nữ DTTS đang gặp phải. Không thụ động chờ hỗ trợ, không máy móc áp mô hình hỗ trợ mà bỏ qua những điều kiện đặc thù ở địa phương là cách thức để những dự án tạo nên được bước chuyển đổi thật sự trong cả nhận thức và hành động của nhóm đối tượng yếm thế ở nơi vùng xa, vùng sâu.

Tổ chức chuyên đề:

Lưu Lan Hương, Nguyễn Hà