“Mỏ vàng mặt phố” trong dòng chảy đô thị

Trong cấu trúc đô thị, vỉa hè là phần kết nối giữa nhà phố và đường, có chức năng công cộng rõ ràng. Vỉa hè dành cho người đi bộ và những hoạt động cộng đồng, còn đường phố dành cho các phương tiện giao thông. Việc kinh doanh, buôn bán có sử dụng vỉa hè, phát triển kinh tế là điều cần thiết, song phải làm sao gìn giữ được những nét đẹp, bảo đảm an ninh trật tự công cộng, hài hòa các lợi ích là điều các cơ quan chức năng đang tích cực tìm kiếm các giải pháp tốt nhất.

Việc quản lý vỉa hè hiện vô cùng phức tạp và vẫn đang “rối”. Ảnh: THANH TRÚC
Việc quản lý vỉa hè hiện vô cùng phức tạp và vẫn đang “rối”. Ảnh: THANH TRÚC

Bức tranh của đô thị

Vỉa hè gắn liền sự ra đời của đô thị, vì thế nó cũng có lịch sử, có ký ức. Ðã hàng trăm năm đi qua, vỉa hè không chỉ bảo đảm an toàn cho người đi bộ, người khuyết tật khi tham gia giao thông, mà còn có chức năng như một không gian công cộng, không gian giao tiếp, mua bán của cư dân đô thị.

Có lẽ không nhà phố nào lại không có hoạt động thương mại, bởi tầng một nhà mặt tiền được dùng để làm nơi buôn bán. Ðã có cửa hàng là có khách vào giao dịch, mua sắm, vì thế vỉa hè là không gian để mọi người dựng xe máy, thậm chí nhiều nhà còn tranh thủ mấy mét vuông trước cửa kê thêm vài cái bàn, ghế để chủ, khách ngồi "chém gió" bên ly cà-phê. Thời buổi kinh tế thị trường, vỉa hè đã trở thành "mỏ vàng" cho các nhà mặt phố, người bán hàng rong, quán nước… và cho cả chính quyền sở tại khai thác làm điểm trông giữ xe máy và ô-tô. Với mật độ dân cư cao, nhiều vỉa hè được ví như "con gà đẻ trứng vàng". Không ít hộ kinh doanh nhỏ lẻ đã tận dụng không gian để kinh doanh (được phép, không xâm phạm các quy định quản lý vỉa hè). Một số khác bất chấp việc vi phạm pháp luật, cốt sao "chen chân" một chút nhằm mục đích kiếm tiền.

"Kinh tế vỉa hè" là một bộ phận của khu vực kinh tế phi chính thức, với sự phát triển tự nhiên từ lối sống, phương thức buôn bán nhỏ lẻ, đồng thời là bức tranh của bất cứ đô thị nào. Dù không được danh chính ngôn thuận thừa nhận ở khía cạnh tích cực trên văn bản pháp lý nhưng nó vẫn tồn tại, đáp ứng nhu cầu dịch vụ giá rẻ, tiện lợi, nhanh chóng của người dân đô thị. Có thể hiểu "kinh tế vỉa hè" là khái niệm tạm dùng để chỉ các hoạt động mua bán, kinh doanh có liên quan vỉa hè, được phân loại làm hai nhóm đối tượng chính: Nhóm cố định (kinh doanh ở các nhà mặt phố sử dụng vỉa hè làm không gian đệm, làm lối ra vào, chỗ để xe tạm hoặc mở rộng không gian kinh doanh hay các bãi để xe); Nhóm lưu động (gồm các quầy bán vé số, quán ăn uống, gánh hàng rong…). Theo Tổng cục Thống kê, kinh doanh trên vỉa hè và cửa hàng, cửa hiệu ở đường phố Hà Nội đã tạo ra 11-13% GDP của cả thành phố (thực tế có thể nhiều hơn!). Cùng với con số đó là hàng vạn người có việc làm và thu nhập ổn định bởi những cửa hàng nhỏ, gánh hàng rong, quán hàng rong…

“Mỏ vàng mặt phố” trong dòng chảy đô thị -0
 Ranh giới giữa những nét văn hóa với lấn chiếm vỉa hè, vi phạm trật tự đô thị là hết sức mong manh. Ảnh: Nguyễn Đăng

Phải khẳng định, vỉa hè là một phần tạo nên sức sống đô thị và "kinh tế vỉa hè" cũng là một thành tố góp phần tạo nên văn hóa vỉa hè. Như ở Hà Nội, vỉa hè ở khu phố cổ rất hẹp, phù hợp kiến trúc nhà ống một, hai tầng mái ngói lô xô nằm khiêm nhường trên các phố mang tên "Hàng" đã có hàng trăm năm tuổi. Vỉa hè ở các khu phố cũ xây dựng vào những năm cuối thế kỷ 19 như Tràng Thi, Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Ðạo, Lê Thánh Tông, Ngô Quyền, Nguyễn Du, Phan Ðình Phùng, Trần Phú… thoáng đãng, rộng rãi, có nhiều nhà kiểu biệt thự, mang phong cách kiến trúc miền nam nước Pháp. Ðặc biệt, vỉa hè hồ Hoàn Kiếm không chỉ có nhiều cổ thụ đặc trưng và bồn hoa, thảm cỏ bốn mùa rực rỡ mà còn gắn với các di tích như Tháp Hòa Phong, Tháp Rùa, đền Ngọc Sơn, Ðài Nghiên, Tháp Bút. Ðây là nơi đông vui bậc nhất Hà thành, thu hút du khách thập phương mỗi khi đến Hà Nội.

Lời giải cho những mâu thuẫn

Câu chuyện vỉa hè không bao giờ cũ, luôn sống động và thu hút sự quan tâm của xã hội và giới truyền thông.

Là người sống gần trọn cuộc đời ở Hà Nội, tôi đã chứng kiến biết bao cuộc ra quân rầm rộ của chính quyền các cấp xử lý, nhắc nhở người lấn chiếm trên vỉa hè để trả lại đường thông, hè thoáng nhưng đều như "ném đá ao bèo". Mỗi khi lực lượng dọn dẹp và cả cưỡng bức của chính quyền rút đi, thì đâu lại vào đấy. Còn nhớ năm 2017, TP Hồ Chí Minh mở chiến dịch lập lại trật tự kỷ cương, giành lại vỉa hè một cách quyết liệt với sự quyết tâm của quận 1. Kết quả là đường phố thông thoáng, ngăn nắp, gọn gàng, người đi bộ đi lại thuận tiện hơn, nhưng những sinh hoạt thân quen thường ngày biến mất. Không hàng rong, không có trao đổi, mua bán, trong khi các cửa hàng, quán ăn vẫn mở cửa, người dân cảm thấy thiếu sức sống, thiếu sự nhộn nhịp. Một thời gian sau các đơn thư khiếu nại, kiến nghị của người dân được gửi đến lãnh đạo cao nhất của thành phố. Thế là chiến dịch giành lại vỉa hè phải dừng lại.

Phải chăng, sau rất nhiều động thái quyết liệt, vẫn chưa có lời giải thỏa đáng cho câu chuyện vỉa hè?

Ðã có nhiều ý kiến giữa các chuyên gia kinh tế và nhà quản lý đô thị về việc làm sao để khai thác hiệu quả và bền vững giá trị kinh tế của vỉa hè mà không ảnh hưởng đến hoạt động giao thông, bảo đảm diện tích vỉa hè (không nhỏ hơn 1,5 m) dành cho người đi bộ và xe lăn của người khuyết tật. Theo đó, cần sắp xếp, bố trí các tuyến đường cho phép kinh doanh và quy định thời gian để hài hòa giữa một bên là vấn đề mưu sinh của người dân, một bên là trật tự, mỹ quan đô thị. Rõ hơn, để quản lý tốt vỉa hè thì phải công khai, minh bạch về lợi ích, vị trí, quản lý, thẩm quyền thu phí và xử phạt. Ðối với người bán hàng rong, người giữ xe tự quản, họ cũng muốn làm ăn hợp pháp, nếu họ được hướng dẫn về việc sử dụng bao nhiêu diện tích, nộp bao nhiêu tiền thuế, được kê bao nhiêu ghế thì chắc chắn sẽ chấp hành. Cuối cùng là quy rõ trách nhiệm của UBND các phường, xã, quận, huyện, đơn vị chức năng trong quản lý, cấp phép sử dụng một phần lòng đường, vỉa hè, tránh tình trạng "bảo kê", vỉa hè của chung nhưng lợi ích rơi vào một nhóm người.

Nhiều ý kiến chuyên gia đã chỉ ra, việc quản lý vỉa hè hiện vô cùng phức tạp và vẫn đang “rối”. Nhất là hiện nay các thành phố lớn đang phát triển một số loại hình giao thông công cộng như xe buýt, metro… để kết nối các loại hình vận tải rất cần phần đường cho người đi bộ. Nhưng lối đi dành cho khách đi bộ bị lấn chiếm, dẫn đến không bảo đảm sự xuyên suốt, an toàn. Nguyên nhân của tình trạng đó xuất phát từ sự yếu kém trong ý thức của một số người dân và năng lực quản lý của chính quyền cơ sở.

Tổ chức chuyên đề: 
Ngô Phương Thảo, Nguyễn Văn Học