Lưu giữ tâm thức hướng đến chân - thiện - mỹ

Nhìn nhận sự chuyển dịch và định vị lại các giá trị của Tết cổ truyền, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vỹ cho rằng, cần đánh giá những điều đó một cách khoa học và linh hoạt. Dù có nhiều thay đổi, Tết vẫn sẽ là một giá trị vĩnh hằng trong tâm thức người Việt. Tuy nhiên, cần có sự đầu tư hiệu quả hơn nữa về hàm lượng văn hóa, để những giá trị đẹp của Tết được lan tỏa mạnh mẽ hơn.

Lưu giữ tâm thức hướng đến chân - thiện - mỹ

- Thưa ông, Tết Kỷ Hợi đã đến rất gần. Thật sự, ông có còn mong Tết?

- Không những tôi mà bất cứ người Việt nào cũng vẫn rất mong Tết. Tôi mong Tết là vì tôi mừng thêm một tuổi. Người ta sống thêm một tuổi an toàn thì thấy rằng mình đang trả ơn cho bố mẹ. Bố mẹ đẻ ra mình, mình giữ mình an toàn thêm từng năm thì đó như một cách giữ gìn tài sản của bố mẹ. Và thêm một tuổi sẽ khôn thêm một chút, từng trải thêm một chút.

Tôi cho rằng, Tết là một di sản văn hóa đặc trưng của một cộng đồng quốc gia, dân tộc. Nó là một phương thức lễ hội đặc biệt đối với tất cả mọi người. Tính đặc biệt của nó là tính toàn dân. Nếu chúng ta thấy rằng các tôn giáo, tín ngưỡng, lễ hội… đều chỉ lan tỏa trong một vùng, trong một cộng đồng nhân dân nhất định, nhưng Tết dành cho tất cả. Cái niềm vui, sự lo toan, những yếu tố trình diễn của nó dành cho tất cả mọi người, từ những đứa bé đợi Tết, cụ già đợi Tết, người bình thường đợi Tết, Việt kiều đợi Tết, kể cả những người đang mất quyền công dân cũng đợi Tết.

Tết là một trong những biểu tượng của sự cố kết cộng đồng quốc gia. Chúng ta từ một cộng đồng quốc gia chủ yếu ở vùng đồng bằng Bắc Bộ, chủ yếu của người Kinh, dần dần, rất nhiều tộc người khác cũng cùng chung cái Tết. Điều này được xây dựng có thể từ đầu kỷ nguyên cho đến hiện nay. Quá trình xây dựng quốc gia, mặt nào đó, là quá trình xây dựng một cái Tết chung. Vì thế, Tết rất quan trọng.

Tết là thời điểm bùng nổ của nghệ thuật, của sắc mầu, của nhiều loại hình sinh hoạt văn hóa. Người ta hát chèo, hát dân ca, diễn tuồng, chúc tụng... người ta đi lễ đình, chùa, cúng tế, thăm viếng… đó là một thời điểm rất bùng nổ mà có những lễ hội khác không có được.

Và tâm lý Tết, ý thức Tết làm cho con người ta mỗi năm một lần hướng về cội nguồn, suy nghĩ về hiện tại và dự cảm về tương lai. Những tập tục Tết rất nhiều kiêng kỵ và đều hướng đến cái đẹp - cái đẹp trong mâm cỗ, cái đẹp trong ứng xử, nó thể hiện từ tâm mỗi con người. Quanh năm làm ăn, Tết là một dịp hiếm có để tạo ra những ứng xử rất đẹp giữa người lớn với trẻ con, trẻ con với người lớn, người lớn với người già… để con người kỳ vọng vào cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn. Tết là dịp vừa tưởng nhớ đến quá khứ, vừa kiểm điểm mình trong hiện tại và vừa hướng đến tương lai trong một tâm thức hướng đến cái thiện, cái chân, cái mỹ.

Nhìn như vậy để thấy Tết là một di sản đặc biệt quan trọng.

Lưu giữ tâm thức hướng đến chân - thiện - mỹ ảnh 1

Trồng cây nêu ngày Tết tại Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội). Ảnh: ĐĂNG KHOA

- Không còn quá rầm rộ, nhưng trên các diễn đàn, nhất là trong giới trẻ, vẫn có rất nhiều ý kiến đề xuất việc bỏ Tết Nguyên đán, để gộp với Tết Dương lịch?

- Theo tôi là rất khó, bởi vì, chúng ta không thể hướng dẫn tâm thức cộng đồng. Trong khi, chúng ta còn ngày rằm, mồng một, chúng ta còn giỗ chạp… và nhiều điều khác nữa tính theo lịch trăng.

Đầu thế kỷ 20, khi nói về Tết, nhà báo Phan Kế Bính đã nói về khuyết điểm của Tết: người ta vì cái đoàn viên mà không dám đi xa. Cho nên nước ta không đóng được tàu lớn vượt biển.

Trên thực tế, những ý kiến ứng dụng lịch dương thay cho lịch âm đã có từ đầu thế kỷ 20, chứ không phải mới xuất hiện. Trên thực tế, có những quốc gia như Nhật Bản vào cuối thế kỷ 18 đã tiến hành việc gộp Tết truyền thống với Tết Dương lịch. Nhưng, về cơ bản, như Nhật Bản, việc làm đó đã và đang để lại sự tiếc nuối bất tận trong nhân dân. Hiện nay ở Nhật Bản đã có phong trào đòi khôi phục lại Tết truyền thống. Người ta thấy rằng, khi tăng trưởng cao, liệu con người có hạnh phúc không?

Nếu chúng ta hỏi một sinh viên Nhật Bản, hay hỏi một người Nhật Bản trưởng thành câu hỏi đó, thì sẽ nhận được những câu trả lời đa chiều. Nhưng nếu hỏi: nước Nhật có giàu không, thì câu trả lời sẽ rất thống nhất: Có.
Cần nhìn nhận: có những quốc gia như Xin-ga-po, Trung Quốc… vẫn ăn Tết cổ truyền, và vẫn tăng trưởng.

Với những ý kiến cho rằng cần gộp Tết để hạn chế các tệ nạn thường phát sinh như số lượng người di chuyển trong Tết tăng đột ngột, dẫn đến tắc nghẽn… điều đó có thật. Nhưng dần dần tất cả những điều đó sẽ được điều chỉnh tích cực hơn. Chưa kể, điều đó lại là tiền đề cho sự tăng trưởng khác: tăng trưởng của giao thông. Đứng về nội bộ nền kinh tế thì đó là sự bổ sung.

Người ta nói Tết tốn kém. Có thể Tết tốn kém về di chuyển, việc sắm sanh, nhưng hiện nay sự chi tiêu của người dân trong dịp Tết, về cơ bản, không trở thành gánh nặng như trước nữa. Nó sẽ tốn kém với những người thích tốn kém, và tùy thuộc vào sự lựa chọn của mỗi người.

Những ấn tượng xưa cũ về việc chuẩn bị cho một cái Tết rất nặng nề, nhưng với một xã hội dịch vụ như hiện nay, việc chuẩn bị cho Tết đã trở nên nhẹ nhàng hơn nhiều. Chúng ta nhiều khi không cần phải nghĩ thay cho người khác.

Vậy thì, lý do cơ bản không phải tại Tết, mà là bởi chúng ta ứng xử với Tết như thế nào.

- Nhưng rõ ràng là Tết đang thay đổi. Nhiều ý kiến cho rằng, người Việt đang chuyển từ “ăn Tết” sang “chơi Tết”?

- Khái niệm ăn Tết và chơi Tết thì đã có từ ngày xưa, nhưng hiện nay thì yếu tố ăn nhẹ đi nhiều, và yếu tố tinh thần, phục vụ cho việc chơi được nâng lên. Chơi là hạnh phúc. Và nhiều khi, sự chơi ấy tốn kém và công phu hơn. Chơi như thế nào là điều cần phải được để tâm nhiều hơn để đời sống tinh thần người Việt trong dịp Tết được nâng cao hơn. Trong một cái nhìn tổng thể, điều đó sẽ giúp giảm bớt những hiện tượng tiêu cực thường nảy sinh trong dịp Tết. Chúng ta có cả một hệ thống thiết chế văn hóa và đã chú trọng nhiều cho điều này, nhưng chưa có cách thức vận hành thật sự hiệu quả, dù tài nguyên của chúng ta rất dồi dào.

Có những thứ hoàn toàn có thể làm được mà chúng ta chưa làm. Thí dụ: viết nhiều bài dân ca thích hợp trong dịp Tết cho các vùng miền, tổ chức các sinh hoạt cộng đồng trong dịp Tết. Như, trong một tổ chức làng, tại sao chúng ta không trồng một cây nêu vào dịp Tết. Và khi cùng chung tay làm điều đó, thì người ta thường mang những điều tử tế để đối đãi với nhau. Chưa kể với không gian đó, trẻ em có thể đến để hát múa, người lớn có thể cùng chung vui. Điều đó thực hiện rất đơn giản, và không tốn kém. Hiệu quả thì có lẽ không cần bàn cãi. Vấn đề là chúng ta chưa biết tổ chức. Sự chơi ấy chính là sự chuẩn bị cho văn hóa và hưởng thụ văn hóa.

Rõ ràng, với sự phát triển của xã hội hiện đại, tâm thức, ứng xử của con người cũng có những vận động đa chiều. Cũng vì thế, tính cộng đồng của Tết trước đây rất sâu đậm, yêu cầu đoàn viên của ngày Tết rất lớn. Nhưng hiện nay con người tồn tại với tư cách cá nhân nhiều hơn thì điều đó có phần nhạt đi, ý nghĩa của đoàn viên cũng giảm thiểu, bởi vì người ta có thể ăn Tết bất cứ nơi nào.

Thật ra thì ngày xưa cũng đã như vậy, với những người đi chiến trận, với những người từ bắc đi nam mở cõi, thì Tết không thể về. Ngày Tết, họ ở đó và hướng về quê hương. Vậy thì, hà cớ gì chúng ta lại không tiếp nối truyền thống đó. Cho nên, Tết đi phượt, tốt. Tết đi du lịch, tốt. Nhưng nhớ cho một điều, đêm 30 Tết hãy thắp một cây hương và hướng về cội nguồn của mình. Hoặc lên mạng xã hội nói chuyện với người thân. Tức là người ta vẫn ý thức về thời điểm giao thừa, và sâu xa trong đó là ý thức mạnh mẽ hướng về cội nguồn, hướng về tổ tiên.

- Xin trân trọng cảm ơn ông.