Lương tâm và bàn phím

Lâu nay, nhiều tờ báo gần như sống bằng những câu chuyện giết chóc. Có những tờ ít mùi giết chóc, nhưng lại chuyên sống bằng việc theo dõi các "sao" âm nhạc, người mẫu hôm nay có hở hay không; hay suốt ngày rình rập một "sao" nào đó có... đi chợ hay không để nhảy bổ vào đưa tin. Nếu họ mà đánh ghen thì là một điều mừng quá đỗi với nhiều người đang chầu chực... Sẽ nhiều tin, nhiều bài, nhiều thứ lợi khác. Câu chuyện Luật Báo chí và những văn bản dưới luật có những quy định tương đối rõ ràng. Nhưng có những bài, những loạt bài đủ "khôn ngoan" để không bị phạt, song, lại quá thừa sức "hot" và độ giật gân, để câu "view"...

Tôi chợt nhớ đến câu chuyện hai vận động viên nhảy cầu Phi-li-pin tiếp nước bằng lưng, và được 0 điểm ở kỳ SEA Game vừa rồi. Clip này ngay lập tức thu hút báo chí, truyền thông và lan nhanh như vi-rút cực độc trên mạng xã hội. Nó lan rộng đến mức không phải hai vận động viên mắc lỗi kia, mà một vận động viên nước chủ nhà Xin-ga-po đã bức xúc thay cho họ: "Vì sao không chia sẻ những video mà chúng tôi nhảy tốt, lại chỉ đi chia sẻ những video chúng tôi nhảy không tốt?". Thực tế, cũng trong kỳ thi đó, hai vận động viên Phi-li-pin đã có những màn nhảy khác thành công. Nhưng mức độ chia sẻ thì ngược lại.

Và nó nhắc chúng ta nghĩ đến những câu chuyện khác... Mới đây, Nhà Hạnh Phúc, nơi nuôi dưỡng trẻ bất hạnh ở TP Hồ Chí Minh sắp bị giải thể, vì không bảo đảm điều kiện vật chất. Không ít tờ báo đưa tin, kèm theo những trăn trở. Nhưng lượng "view", những lời bình luận quá nhỏ bé so với những bài mô tả chi tiết về những vụ án rùng rợn. Tất nhiên, rất ít người chia sẻ trên mạng xã hội, cho dù sự việc liên quan đến tương lai của mấy chục đứa trẻ. Có những người "sưu tập" hàng chục fanpage của các sao chỉ để xem sao hôm nay ăn gì, mặc gì... Nhưng cũng cùng thời điểm ấy, cũng không thể thống kê hết số nhóm từ thiện đang hoạt động trên các mạng xã hội, nhiều nhất là facebook, như: Nguồn sáng, Từ thiện thật, Từ thiện từ tâm... hàng ngày, đem đến niềm an ủi cho những mảnh đời, những thân phận còn khó khăn, bất hạnh.

Một con dao có thể là công cụ giết người. Cũng có thể là một vật dụng hữu ích với mọi người. Truyền thông cũng thế. Cùng cây bút và bàn phím, người ta có thể làm những việc hết sức trái ngược nhau. Rồi đây, có thể một vài "án phạt" được dành cho những tờ báo, trang mạng đưa tin một cách quá đà về vụ thảm sát ở Bình Phước. Nhưng thế liệu đã là đủ?

Cũng như khi tham gia giao thông, bên cạnh Luật An toàn giao thông đường bộ, đường thủy, cái mà mọi người cần nữa là văn hóa giao thông. Giả dụ chưa có văn hóa truyền thông, thì có lẽ cái cần là kêu gọi thức tỉnh lương tâm. Sự thật thì những bài viết ly kỳ, giật gân về các vụ án cũng có thể coi như đang "giết một lần nữa", chính những nạn nhân, và cả tâm hồn, suy nghĩ của bao nhiêu độc giả. Nếu một lúc nào đó, tác giả những bài viết ly kỳ về vụ thảm sát kia đặt mình vào vị trí của người nhà những nạn nhân, họ sẽ nghĩ sao khi truyền thông cũng lũng đoạn như thế?