Lựa chọn khó

Có thực tế là một số tổ chức xếp hạng đã và đang lồng ghép việc xếp hạng với làm dịch vụ. Quay về giá trị cốt lõi hay chấp nhận gánh nặng chi phí để có được cái tên trong bảng xếp hạng là lựa chọn khó đối với không ít cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) trong nước.

Hoạt động nghiên cứu khoa học tại Trường đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: Anh Sơn
Hoạt động nghiên cứu khoa học tại Trường đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: Anh Sơn

Áp lực tài chính
 
 Có thể nói, chủ đề có nên tham gia xếp hạng đại học do các tổ chức xếp hạng quốc tế tiến hành hay không đang là vấn đề nóng được nhiều cơ sở GDĐH quan tâm. Ông Trương Tiến Tùng, Hiệu trưởng Trường đại học Mở Hà Nội thẳng thắn chia sẻ, vài năm gần đây một số tổ chức xếp hạng quá nặng về tiền bạc khi mời chào trường đại học tham gia xếp hạng. Chính vì nhận thấy vấn đề này và hơn nữa, nhờ việc xác định lại mục tiêu phát triển, nên Trường đại học Mở Hà Nội đã không lựa chọn chịu áp lực tài chính cho việc tham gia xếp hạng. Thay vào đó, trường quyết định phấn đấu nằm trong tốp đầu các trường ứng dụng, thực hành ở trong nước. “Chính vì e ngại về việc có sự không công tâm trong quá trình đánh giá, xếp hạng, nên chúng tôi lựa chọn theo hướng “xếp hạng” trong nước thông qua kiểm định. Bởi muốn mạnh được sẽ cần tự chủ và trước hết phải tồn tại trước rồi mới nghĩ tới khoa học”, ông Tùng nêu quan điểm.
 
 Nhìn nhận vấn đề này, PGS, TS Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường đại học Cần Thơ (một trong những cơ sở GDĐH được xếp hạng quốc tế) cũng cho biết, khi tham gia kiểm định hay xếp hạng, các trường phải chấp nhận chi trả số tiền khá tốn kém. Chẳng hạn như, muốn tham gia kiểm định chương trình đào tạo về Kỹ thuật công nghệ của Tổ chức kiểm định Abet (là tổ chức kiểm định chương trình đào tạo bởi các Hiệp hội ngành nghề của Mỹ), chi phí khoảng gần 2 tỷ đồng. Còn kiểm định ở các tổ chức của Việt Nam cũng tốn khoảng 500-800 triệu đồng/chương trình. Đó là gánh nặng tài chính khiến các trường lo lắng.
 
 Cùng các quan điểm trên, TS Trần Thị Nguyệt Sương, Trưởng phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Trường đại học Tôn Đức Thắng cho biết, tình trạng này là có thật. Có một vài tổ chức xếp hạng đã và đang có khuynh hướng dùng xếp hạng đại học như một dịch vụ tạo ra giá trị thặng dư. Những tổ chức này đã và đang kêu gọi các đại học muốn tăng hạng, cần phải thế này, thế kia, bà Sương chia sẻ.
 
 “Trông giỏ bỏ thóc”
 
 Nhìn nhận một cách khách quan, các cơ sở GDĐH mong muốn có tên trong các bảng xếp hạng quốc tế là một nhu cầu chính đáng. Điều này cho thấy dấu hiệu tích cực trong việc nâng cao chất lượng đào tạo thông qua việc chuẩn hóa các hoạt động của các trường theo chuẩn mực và thông lệ quốc tế.
 
 Trường đại học Tôn Đức Thắng (TP Hồ Chí Minh) là một trong những trường đại học 5 năm gần đây liên tục có tên trong bảng xếp hạng quốc tế và châu Á. Nói về điều này, TS Trần Thị Nguyệt Sương nhìn nhận, nên khuyến khích, ủng hộ các trường đại học Việt Nam vươn đến các xếp hạng quốc tế. Điều đó chứng minh rằng, ngoài mục tiêu đào tạo, các trường đại học cần tập trung nhiều hơn cho nghiên cứu khoa học. TS Sương nêu quan điểm, một trường đại học không có nghiên cứu và sáng tạo tri thức mới, sáng tạo công nghệ mới để phụng sự nhân loại, trường đại học đó chỉ là một trường phổ thông cấp 4, hoặc nhiều lắm là trường đại học nghề nghiệp, đại học thực hành và không thể là đại học đúng nghĩa.
 
 Cũng theo lãnh đạo Phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Trường đại học Tôn Đức Thắng, việc tham gia xếp hạng các trường đại học sẽ nhận được nhiều giá trị. Trong đó, sẽ “giúp các đại học biết mình đang ở đâu? Cần cải tiến những vấn đề gì?”. Cùng với đó, các trường sẽ nhận được thông tin và dữ liệu đối sánh với các đại học khắp nơi trên toàn thế giới. Từ đó, các nhà quản lý đại học dễ dàng biết rằng đại học mình hơn trường khác ở chỗ nào và cần tiếp tục phát triển như thế nào để duy trì lợi thế cạnh tranh: “Khi một đại học đạt đẳng cấp khu vực (tốp 1.000 thế giới), hoặc đẳng cấp quốc tế (tốp 500 thế giới trở lên); và ngành/nhóm ngành học được xếp thứ hạng cao, được quốc tế công nhận, bởi những tổ chức xếp hạng đại học khách quan; người học được hưởng lợi nhiều nhất”, TS Sương khẳng định. Đồng quan điểm, ông Trương Tiến Tùng khuyến nghị, nhà nước nên đầu tư có trọng điểm để phát triển những cơ sở GDĐH được xếp hạng.
 
 PGS, TS Hà Thanh Toàn nhìn nhận, việc hội nhập để thế giới công nhận, để doanh nghiệp công nhận và khẳng định chất lượng đào tạo của Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong hội nhập quốc tế. Điều đó góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nguồn nhân lực Việt Nam ngay ở sân nhà và xa hơn là khu vực và quốc tế.
 
 Tuy nhiên, theo đuổi các bảng xếp hạng quốc tế không phải là mục tiêu duy nhất. “Những bảng xếp hạng khách quan, không dựa vào khảo sát chủ quan; cũng không dựa vào dữ liệu do từng đại học cung cấp; mà chỉ trực tiếp lấy dữ liệu về thành tựu của từng cơ sở đào tạo (trong giáo dục, khoa học công nghệ và sáng tạo tri thức mới, mức độ quốc tế hóa) trên các cơ sở dữ liệu quốc tế uy tín...”, TS Sương nói và nêu quan điểm, các trường đại học không nên dồn sức cho xếp hạng. Bởi, việc đại học cần làm là liên tục cải tiến chất lượng bên trong ở tất cả các phương diện. Chỉ có bằng cách đó, một trường đại học mới là đại học thật sự.