Châu thổ Cửu Long

Lựa chọn hướng nào ?

Trước tình hình hạn - mặn gay gắt liên tục xảy ra ở đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) những năm gần đây, việc tìm giải pháp hữu hiệu để ứng phó giúp khu vực này phát triển bền vững đang là vấn đề cấp bách. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, không thể giải quyết vấn đề một cách đơn lẻ mà cần xem xét bức tranh tổng thể, có hệ thống, giải quyết đúng vấn đề gốc rễ để hoạch định con đường phát triển bền vững cho vùng châu thổ lớn nhất đất nước.

Nông dân huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau thu hoạch tôm càng xanh trên đồng lúa - tôm. Nguồn: Hội nhiếp ảnh Cà Mau
Nông dân huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau thu hoạch tôm càng xanh trên đồng lúa - tôm. Nguồn: Hội nhiếp ảnh Cà Mau

Nhận diện ba nhóm thách thức lớn

Thủ tướng Chính phủ vừa có Chỉ thị số 36/CT-TTg (ngày 11-9-2020) về chủ động triển khai các biện pháp ứng phó nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trong mùa khô 2020-2021 ở ÐBSCL. Ðây là chỉ đạo kịp thời, trước dự báo tình trạng hạn - mặn ở vùng đồng bằng này có thể diễn ra gay gắt trong thời gian tới, đòi hỏi các địa phương cần chủ động các biện pháp ứng phó phù hợp.

Thực tế ÐBSCL đang đối diện nhiều thách thức, như sạt lở bờ sông, bờ biển nghiêm trọng nhiều nơi; nền đất sụt lún nhanh trong khi mức nước biển ngày càng dâng cao; hạn - mặn gay gắt liên tục diễn ra vào năm 2016, 2020, và có thể lặp lại trong mùa khô 2021 sắp tới, dẫn đến tình trạng mặn xâm nhập sâu vào đất liền gây khó khăn cho sản xuất và thiếu nước sinh hoạt vùng ven biển. Có thể nói, thách thức của ÐBSCL rất đa dạng, diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, các biểu hiện này có thể gom lại thành ba nhóm lớn bao gồm biến đổi khí hậu, kèm theo là nước biển dâng; tác động của các công trình thủy điện trên sông Mê Công; và những vấn đề phát triển thiếu bền vững ở nội tại ÐBSCL.

Nhiều ý kiến chuyên gia nhấn mạnh: Cần làm rõ nội hàm của ba nhóm thách thức này. Về nước biển dâng, nhiều thông tin đã đề cập nguy cơ nước biển dâng một mét và 39% diện tích đồng bằng sẽ bị ngập mặn. Tuy nhiên, đó là tình huống cao nhất (tồi tệ nhất) trong ba tình huống cao, trung bình, và thấp của kịch bản dự báo do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành năm 2009. Lưu ý rằng tình huống nước biển dâng một mét là dự báo đến cuối thế kỷ 21 và tình huống này chỉ nên áp dụng cho những công trình mang tính vĩnh cửu. Năm 2016, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đưa ra kịch bản mới, trong đó, tình huống có khả năng cao nhất (RCP 4.5) thì đến cuối thế kỷ 21 mực nước biển sẽ dâng cao thêm 53 cm phía đông và 55 cm phía tây. Thực tế nước biển đang dâng ở mức khoảng 3 mm/năm. Ðể hoạch định chính sách, nhất là đối với nông nghiệp, cần phải lường hết những tình huống xấu nhưng cũng cần mang tính mềm dẻo, thích ứng được với diễn biến của bối cảnh hàm chứa nhiều yếu tố không chắc chắn.

Với tác động của thủy điện thượng nguồn sông Mê Công, xét về lượng nước, cần hiểu rằng thủy điện không tiêu thụ nước nên không làm thay đổi tổng lượng nước mà chỉ thay đổi chế độ dòng chảy về mặt thời gian do hoạt động tích - xả. Khi gặp tình huống khô hạn thiếu nước thì việc tích - xả của chuỗi đập thủy điện có thể làm tình hình gay gắt hơn. Vấn đề chính của thủy điện là việc chặn phù sa và cát, gây thiếu hụt lượng cát và phù sa ở ÐBSCL dẫn đến sạt lở bờ sông, bờ biển và ảnh hưởng đến độ màu mỡ của đất, ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp.

Vấn đề nội tại của ÐBSCL là sự phát triển nông nghiệp thiếu bền vững suốt một thời gian dài. Giai đoạn đầu là mở rộng diện tích vào những năm 80 của thế kỷ trước, đưa Việt Nam thoát đói, trở thành quốc gia xuất khẩu gạo. Giai đoạn hai từ sau năm 1990 là giai đoạn đi vào thâm canh tăng vụ để phục vụ xuất khẩu, đưa Việt Nam thành quốc gia xuất khẩu gạo hàng nhất nhì thế giới. Sau năm 2000, diện tích canh tác ba vụ lúa tăng rất mạnh, vì vậy nhiều công trình đê bao khép kín, công trình chống lũ, ngăn mặn đã được xây dựng trong giai đoạn này. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu và các chuyên gia đã chỉ ra: Việc thâm canh lúa giá trị thấp không phải là cách bền vững lâu dài, vì nó không giúp người dân thoát nghèo, làm đất đai nhanh bạc màu, và làm cho đồng bằng dễ bị tổn thương hơn trước các thách thức về thời tiết, khí hậu và các tác động đến từ thượng nguồn sông Mê Công. Nền nông nghiệp thâm canh thuần túy chạy theo số lượng đã để lại nhiều hệ lụy về môi trường, ô nhiễm sông ngòi, dẫn đến sự gia tăng khai thác nước ngầm gây tăng sụt lún nền đất nhanh.

Lựa chọn hướng nào ? -0

Ðợt hạn - mặn kéo dài khiến ruộng lúa của người dân huyện Giồng Trôm (Bến Tre) bị khô héo.

Ảnh: Thanh Tùng

Lời giải và những trở ngại từ thực tế

Ðể giải quyết những thách thức đó, sau "hội nghị Diên Hồng" về ÐBSCL năm 2017, Chính phủ đã có một quyết sách lớn, đó là Nghị quyết 120/NQ-CP về phát triển bền vững ÐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu. Như chia sẻ của TS Dương Văn Ni, Trường đại học Cần Thơ, Nghị quyết 120 đã "cởi trói" cho ÐBSCL một cách tích cực, cho phép đồng bằng uyển chuyển ứng phó tùy tình huống. Ðối với những vùng không thể đưa nước ngọt tới được thì phải chọn phương án canh tác luân phiên mặn ngọt, chấp nhận bớt thâm canh nông nghiệp để giảm rủi ro. Còn theo TS Lê Anh Tuấn, Trường đại học Cần Thơ, trước đây chúng ta thiên về kiểm soát, trị thiên nhiên, nên đã chú trọng nhiều vào giải pháp công trình mà thiếu quan tâm những hệ lụy tiêu cực lên xã hội và hệ sinh thái. Cái lợi không bù được cái mất đi. Do đó, hướng tiếp cận của Nghị quyết 120 là rất phù hợp.

Song, việc thực hiện Nghị quyết 120 chắc chắn không hề đơn giản và cần nhiều thời gian vì còn trở ngại ở tầm tư duy theo quán tính tư duy nông nghiệp cũ và những trở ngại ở thực địa.

Thứ nhất, tư duy về an ninh lương thực. Thực tế mỗi năm ÐBSCL sản xuất ra 25 triệu tấn lúa nhưng xuất khẩu hơn một nửa. Nếu tiếp tục thâm canh liên tục như vậy, sau khoảng 20 - 25 năm, sức sản xuất của đất suy giảm, an ninh lương thực sẽ bị đe dọa. Hơn nữa, ngày nay khái niệm an ninh lương thực cần đi kèm với an ninh dinh dưỡng, tức là tính đến các thành phần thực phẩm khác chứ không chỉ có gạo. Do vậy, tư duy an ninh lương thực cần phải thay đổi để dưỡng sức sản xuất lâu dài của đất.

Thứ hai, về tư duy thuận thiên, tôn trọng quy luật tự nhiên. Lâu nay tư duy quy hoạch phát triển ÐBSCL chỉ chú trọng ba điều: đất liền, nước ngọt cho sản xuất, và hệ canh tác nước ngọt, chủ yếu là lúa, bỏ qua môi trường nước sông ngòi và sự liên thông với biển, từ đó không ngại can thiệp thô bạo, trái quy luật tự nhiên bằng những công trình lớn ngăn dòng chảy, ngăn cách sông ngòi nội địa với biển, tách đồng ruộng ra khỏi mùa lũ hằng năm.

Cần nhấn mạnh rằng: Thực hiện tốt Nghị quyết 120, nhiều vấn đề của ÐBSCL sẽ được giải quyết, như: Giảm canh tác trong mùa lũ sẽ giảm nhu cầu chống lũ và có nhiều không gian hơn để hấp thu nước lũ vào cánh đồng; chuyển đổi hệ thống canh tác ven biển thuận theo điều kiện tự nhiên trong bối cảnh mới sẽ giảm được nhu cầu nước ngọt cho nông nghiệp trong mùa khô vùng ven biển, giảm nhu cầu chống chọi với thiên tai hạn - mặn; tập trung đầu tư vào giải quyết nguồn nước ngọt sinh hoạt cho vùng ven biển vào mùa khô thì sẽ khắc phục được tình trạng thiếu nước sinh hoạt như những năm qua. Sản xuất sạch hơn, giá trị cao hơn, gia tăng chế biến thì sẽ gia tăng giá trị nông sản và giải quyết được bài toán thu nhập cho người dân. Ðồng thời, khi giảm thâm canh, môi trường nước sông ngòi sẽ được phục hồi, giảm nhu cầu sử dụng nước ngầm, khắc phục tình trạng sụt lún mặt đất do khai thác nước ngầm.

Dù vậy, quá trình chuyển đổi để thực hiện Nghị quyết 120 nên diễn ra từng bước để tránh gây xáo trộn đột ngột và cần có lộ trình để tháo gỡ những vướng mắc trong tư duy và thực tế.

Tổ chức chuyên đề:

Ngô Phương Thảo, Hoàng Nghĩa Nam.