Lựa chọn “đúng” và “trúng”

Nhấn mạnh vai trò của các cơ quan, cán bộ tham mưu cũng như khẳng định tầm quan trọng của người đứng đầu cấp ủy các cấp trong công tác nhân sự, ông Nguyễn Đức Hà (ảnh bên), nguyên Vụ trưởng Cơ sở đảng (Ban Tổ chức Trung ương) đã có những ý kiến thẳng thắn, tâm huyết với phóng viên báo Nhân Dân cuối tuần, chung quanh vấn đề này.

Lựa chọn “đúng” và “trúng”

- Thời điểm này, nhiều địa phương trên cả nước bắt đầu tiến hành đại hội "điểm" cấp cơ sở. Trong số những điểm mới về công tác tổ chức, điều được quan tâm nhất là đổi mới trong công tác nhân sự, thưa ông?

- Ðúng thế. Ðiểm mới rất quan trọng trong công tác chuẩn bị nhân sự cấp ủy các cấp lần này đó là quy trình giới thiệu nhân sự để bầu vào cấp ủy, cả số tái cử và số tham gia cấp ủy lần đầu đều phải thực hiện nghiêm theo quy trình năm bước, thay cho quy trình ba bước trước đây. Mặt khác, chúng ta đều biết, mỗi đại hội đều có nhiều nội dung khác nhau, song đại hội ở cấp nào cũng vậy, vấn đề lựa chọn, bầu cấp ủy nhiệm kỳ mới là nội dung rất quan trọng, có ý nghĩa quyết định thành công của đại hội cũng như việc tổ chức thực hiện thắng lợi nghị quyết mà đại hội đề ra. Ðồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhấn mạnh, công tác nhân sự đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Ðại hội lần thứ XIII của Ðảng lần này phải được tiến hành từng bước, từng việc một cách thận trọng, kỹ lưỡng, chắc chắn, bảo đảm dân chủ, công tâm, công khai, minh bạch… và kiên quyết không để lọt những người không xứng đáng vào cấp ủy các cấp, cũng không bỏ sót những người thật sự có đức, có tài, nhất là cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số thật sự có triển vọng. Cụ thể hơn, những người không xứng đáng là những người cơ hội chính trị, chạy chức, chạy quyền, tham nhũng, không hoàn thành nhiệm vụ được giao, uy tín thấp. Ngược lại, những người xứng đáng là những cán bộ có đức, có tài, luôn sáng tạo, trách nhiệm, tâm huyết, tận tụy với công việc và được kiểm nghiệm, đánh giá thông qua thực tiễn.

- Vậy, theo ông, về công tác tổ chức, cần phải làm gì để bảo đảm chất lượng cấp ủy xứng đáng, ngang tầm nhiệm vụ?

- Rõ ràng, công tác chuẩn bị nhân sự đóng vai trò quyết định đến thành bại không chỉ của đại hội mà quan trọng hơn, nó ảnh hưởng đến sự phát triển trong tương lai, cả gần và xa của một địa phương, cơ quan, đơn vị, thậm chí là cả dân tộc. Vì thế, nếu chuẩn bị tốt, chuẩn bị kỹ, thì sẽ nâng cao chất lượng của cấp ủy, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên, củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Ðảng. Chúng ta đã biết, ngay từ năm thứ hai sau đại hội Ðảng ở mỗi cấp, cấp ủy các cấp đã phải tiến hành việc quy hoạch cấp ủy cho nhiệm kỳ tới. Từ đó, hằng năm phải thường xuyên rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch để đưa ra khỏi quy hoạch những người không bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện và bổ sung vào quy hoạch những nhân tố mới. Trong quy hoạch cán bộ thì quy hoạch cấp ủy là quy hoạch trung tâm. Thực tế cũng cho thấy, công tác quy hoạch cán bộ nói chung và quy hoạch cấp ủy nói riêng đã được chuẩn bị từ khá sớm và được rà soát nhiều lần bởi các cơ quan tham mưu.

- Ông có thể nói rõ hơn vai trò của các cơ quan và cán bộ tham mưu trong công tác chuẩn bị nhân sự cấp ủy trước khi tiến hành đại hội?

- Phải nói ngay, đó không chỉ là vai trò nữa mà là trọng trách. Có thể nói rằng, vai trò tham mưu trong chuẩn bị nhân sự cấp ủy các cấp là của các cơ quan tham mưu của cấp ủy từ Trung ương đến địa phương như Ban Tổ chức, Ủy ban Kiểm tra, Tiểu ban nhân sự,… Với trọng trách nặng nề trên vai, các cơ quan tham mưu của cấp ủy phải dồn tâm sức nghiên cứu, thăm dò, xem xét từng người, từng vị trí, rồi phải báo cáo đầy đủ, khách quan, trung thực với cấp ủy xem xét, quyết định. Mỗi cán bộ làm công tác tham mưu không chỉ có nghiệp vụ tinh thông, mà còn phải có dũng khí, dám đấu tranh để bảo vệ những cán bộ tốt và dám đấu tranh với cái xấu, cái tiêu cực, thậm chí dám can ngăn những việc không đúng của cấp trên.

Cùng đó, việc nhận xét, đánh giá để giới thiệu nhân sự phải đánh giá liên tục, xuyên suốt cả quá trình công tác của cán bộ; phải đánh giá đa chiều, bằng sản phẩm và có so sánh với các chức danh, vị trí tương đương. Tóm lại, phải lấy hiệu quả công việc bằng sản phẩm cụ thể làm thước đo chủ yếu và sự tín nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Việc đánh giá cán bộ không chỉ dựa vào hồ sơ, lý lịch, bằng cấp, chứng chỉ mà phải dựa vào hiệu quả công việc đã được thực tiễn kiểm nghiệm. Chỉ có như vậy, chúng ta mới lựa chọn được đúng người để bố trí đúng việc.

- Công tác tham mưu về nhân sự là hết sức quan trọng, song quyết định lại thuộc về cấp ủy và người đứng đầu. Liệu chúng ta có rút được kinh nghiệm gì từ lịch sử, thưa ông?

- Càng ngày chúng ta càng thấy rằng vai trò của người đứng đầu là hết sức quan trọng. Nếu bố trí người đứng đầu có tâm, có tầm thì kết quả mọi việc sẽ rất tốt. Nếu người đứng đầu chưa ngang tầm thì trong thực tiễn, chúng ta thấy rằng hệ quả là rất nguy hiểm. Vì thế, thực tiễn đòi hỏi, người đứng đầu phải thật sự công tâm, khách quan và thật sự phát huy dân chủ. Bởi chỉ có phát huy dân chủ mới tập hợp được trí tuệ của tập thể, mới lắng nghe được nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí cả những ý kiến trái chiều. Với cá nhân người đứng đầu cấp ủy các cấp, càng cần khiêm tốn, lắng nghe, không bảo thủ, không độc đoán chuyên quyền, càng không được chủ quan, ảo tưởng, đồng thời không được gợi ý, lấy vị trí của mình để "hướng lái" người khác theo ý mình với mục đích không trong sáng về công tác nhân sự.

Có thể nói, công tác nhân sự cũng là nghệ thuật dùng người. Các cụ đã có câu "Nhân vô thập toàn", nên mỗi chúng ta ai cũng có ưu điểm, khuyết điểm, không thể tránh khỏi khuyết điểm. Lê-nin từng nói, đại ý, chỉ có những người còn nằm trong bụng mẹ hoặc khi đã nhắm mắt, xuôi tay thì mới không có khuyết điểm, chứ đã còn làm việc thì sẽ có khuyết điểm. Vì thế, chúng ta phải xem xét khuyết điểm cũ (nếu có) của cán bộ, đặt trong hoàn cảnh lịch sử, tình hình cụ thể, mức độ ra sao, quá trình khắc phục thế nào? Tôi nghĩ, cần phải xem xét cán bộ với tinh thần "động" chứ không phải "tĩnh", nghiêm nhưng không định kiến, hẹp hòi và cũng phải nhân văn, tạo cơ hội, điều kiện cho cán bộ cống hiến, nhất là đối với những người năng động, thật sự có tài, nhất thời có khuyết điểm.

Một lưu ý nữa là trong công tác nhân sự, cần đặc biệt chú trọng về chất lượng, tuy phải bảo đảm cơ cấu hợp lý, nhưng nhất thiết không được vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn. Tóm lại cần tầm nhìn xa, đánh giá đúng và trúng, tìm cho được người thật sự có đức, có tài để giới thiệu vào cấp ủy các cấp là trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu cơ quan, đơn vị và các cơ quan tham mưu của cấp ủy.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Bài 1: “Người cầm lái” đưa nghị quyết vào cuộc sống

Bài 2: Nhìn từ đại hội điểm…