Lồng ghép nhiều giải pháp

Bàn về công tác chuẩn bị cơ sở vật chất (CSVC) đáp ứng Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) mới, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn ông Phạm Hùng Anh (ảnh bên), Cục trưởng CSVC - Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) chung quanh vấn đề này.
Lồng ghép nhiều giải pháp

- Thưa ông, chuẩn bị CSVC và thiết bị dạy học (TBDH) cho năm học mới, cũng như cho Chương trình GDPT mới của ngành giáo dục đang là mối quan tâm lớn của xã hội. Ông có thể cho biết ngành đã có những biện pháp gì để tháo gỡ khó khăn cho công tác này?

- Để chuẩn bị CSVC cho năm học mới, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo và hướng dẫn các địa phương thực hiện rà soát quy hoạch; khảo sát, đánh giá thực trạng về dồn dịch điểm trường lẻ, sáp nhập các điểm trường giáo dục mầm non và phổ thông có quy mô nhỏ tại một số địa phương; từng bước nâng cao chất lượng hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú.

Các địa phương cũng đã chủ động thực hiện rà soát, quy hoạch lại mạng lưới cơ sở giáo dục trên địa bàn, phát triển các cơ sở giáo dục mầm non tư thục ở các khu đông dân cư, khu công nghiệp; thành lập trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú. Một số địa phương chủ động đưa các nội dung về quy hoạch cơ sở giáo dục vào chỉ thị, nghị quyết của hội đồng nhân dân tỉnh; rà soát, tổ chức sắp xếp lại hệ thống trung tâm giáo dục thường xuyên; các trường tiểu học, trung học cơ sở có quy mô nhỏ của tỉnh theo hướng sáp nhập, thành lập trường liên cấp, liên xã. Một số địa phương đã huy động và sử dụng lồng ghép các nguồn lực tài chính đáp ứng các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục như: Bình Dương, Quảng Ngãi...

Đồng thời, để hỗ trợ các địa phương khó khăn tăng cường CSVC, Bộ GD&ĐT đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các chương trình, đề án hỗ trợ CSVC; đồng thời tạo cơ sở pháp lý và trách nhiệm để các địa phương huy động nguồn lực bảo đảm CSVC trường, lớp học; ban hành văn bản hướng dẫn các địa phương thực hiện các chương trình, đề án tăng cường CSVC cho các trường học; đề nghị các địa phương lập kế hoạch cân đối, huy động các nguồn lực, lồng ghép với các nguồn vốn trung ương hỗ trợ để ưu tiên đầu tư xây dựng các hạng mục công trình; rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, quy định về chuẩn CSVC, trang thiết bị dạy học cho các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông.

- Nhiều giải pháp để huy động nguồn lực của các địa phương và xã hội cho hoạt động này đã được triển khai ở nhiều nơi. Tuy nhiên, kết quả thực tế vẫn còn khá xa so với yêu cầu?

- Mặc dù nhận được nhiều sự quan tâm từ chính quyền các cấp tại địa phương, tuy nhiên điều kiện CSVC trường học, đặc biệt là tại các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, chịu ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ còn nhiều hạn chế.

Để hỗ trợ các địa phương khó khăn tăng cường CSVC, Bộ GD&ĐT đã phối hợp các bộ, ngành, địa phương có nhiều giải pháp hỗ trợ, như tăng cường nguồn kinh phí cho GD&ĐT, bảo đảm việc dạy và học. Trình Chính phủ phê duyệt kế hoạch đầu tư vốn trái phiếu Chính phủ để thực hiện Chương trình kiên cố hóa trường, lớp học tại các vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo; Chương trình mục tiêu giáo dục vùng núi, vùng dân tộc thiểu số và vùng khó khăn giai đoạn 2016-2020; Đề án bảo đảm CSVC cho giáo dục mầm non, phổ thông.

Bộ GD&ĐT cũng đề nghị các địa phương ưu tiên dành ngân sách thỏa đáng từ nguồn vốn ngân sách địa phương để đầu tư CSVC cho giáo dục; thực hiện lồng ghép có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia (Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, các chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020), chương trình mục tiêu của ngành giáo dục (Đề án kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2014 - 2015, lộ trình đến năm 2020, Chương trình mục tiêu giáo dục miền núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn giai đoạn 2016-2020) và các chương trình, dự án, đề án khác đã được phê duyệt.

- Không chỉ đáp ứng yêu cầu của năm học này, ngành giáo dục còn đang phải thực hiện nhiệm vụ kép- chuẩn bị điều kiện cho việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới trong năm học tới?

- Trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ thực hiện một số công việc sau để tăng cường CSVC bảo đảm chất lượng các hoạt động GD&ĐT: Theo đó, trước mắt là việc chuẩn bị CSVC, TBDH thực hiện Chương trình GDPT, sách giáo khoa mới, đặc biệt là lớp 1; Tổng kết Đề án bảo đảm CSVC cho chương trình giáo dục mầm non (GDMN) và GDPT giai đoạn 2017 - 2020 và xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án giai đoạn 2021 - 2025 trình Thủ tướng Chính phủ.

Lồng ghép nhiều giải pháp ảnh 1

Tiếp đó, chỉ đạo các địa phương phải bổ sung xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo phòng học, các phòng chức năng, bếp ăn, nhà vệ sinh, công trình nước sạch và mua sắm bổ sung các thiết bị dạy học còn thiếu; chú trọng các vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo… Giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu nhà vệ sinh và công trình nước sạch trong các cơ sở giáo dục; không đưa vào sử dụng các công trình trường, lớp học, nhà vệ sinh chưa bảo đảm an toàn theo quy định.

Rà soát, sắp xếp lại các điểm trường lẻ, tổ chức lại các cơ sở GDMN, phổ thông có quy mô nhỏ theo tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; Nghị quyết số 08/NQ-CP ngày 24-1-2018 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW.

- Xin cảm ơn ông!