Ứng phó nguy cơ hạn - mặn ở đồng bằng sông cửu long

Kỳ vọng mô hình "con tôm ôm gốc lúa"

Mưa dồn dập gần nửa tháng qua giúp "tắm mát" cho những đồng đất bạt ngàn vùng ngọt hóa tỉnh Cà Mau sau mùa khô hạn khốc liệt. Cũng nhờ những trận mưa lớn ấy mà hiện tại, nhiều hộ nông dân đã cấy xong trà lúa trên đất nuôi tôm…

Nông dân Trần Văn Quyết (bìa phải) kiểm tra tôm được thả nuôi trong ruộng lúa.
Nông dân Trần Văn Quyết (bìa phải) kiểm tra tôm được thả nuôi trong ruộng lúa.

Mô hình canh tác nông nghiệp thông minh

Ðưa chúng tôi ra đồng lúa xanh um hơn 2 ha của gia đình mình, ông Trần Văn Quyết quăng cây chày (ngư cụ bắt tôm, cá - PV) xuống mương nước rồi kéo lên vài con tôm sú cỡ 35 con/kg. Ðó là lứa tôm của vụ trước còn sót lại sau đợt rửa mặn. Xen lẫn tôm sú còn có nhiều con tôm càng cỡ đầu đũa ăn cơm. "Lứa tôm càng giống toàn đực, tôi thả xuống ruộng gần tháng nay, đón thu hoạch vào dịp cận Tết Nguyên đán 2021" - ông Quyết mừng rỡ.

Cũng như các hộ làm nông khác ở ấp 5 (xã Trí Lực, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau), hơn chục năm qua, gia đình ông Quyết vẫn kiên trì canh tác mô hình trồng lúa trên đất nuôi tôm (lúa - tôm). Vào mùa hạn, những nông dân như ông Quyết bơm nước mặn từ kênh thủy lợi vào đồng để nuôi tôm sú kết hợp với cua, cá. Khi mưa đến, ông bơm nước mặn ra ngoài kênh, tận dụng nước trời để rửa mặn đồng ruộng, phục vụ cho vụ lúa. "Khi độ mặn còn chừng 2‰, tôi tiến hành cấy lúa và đưa tôm càng giống đã gieo trước đó ra đồng ruộng. Ðến khi thu lúa chín cũng là lúc tôm càng đủ lớn để thu hoạch" - ông Quyết chia sẻ và cho biết thêm, nhờ canh tác hiệu quả mà gia đình ông duy trì thu nhập hơn 150 triệu đồng mỗi năm.

Cùng cách làm như trên, hàng xóm ông Quyết là ông Lê Văn Mưa gọi lúa - tôm là mô hình "con tôm ôm gốc lúa". Qua thực tiễn canh tác nhiều năm, ông Mưa đúc kết: "Canh tác lúa - tôm cho thu nhập cao gần ba lần so với độc canh cây lúa, và gần hai lần so với nuôi mình con tôm".

Lúa - tôm là mô hình nuôi trồng được đông đảo nhà nông ở Cà Mau áp dụng trong gần 20 năm qua tại những vùng thủy lợi chưa khép kín, nước ngoài kênh rạch mặn, ngọt theo mùa. Trong năm 2020, Cà Mau phấn đấu đạt kế hoạch xuống giống vụ lúa - tôm hơn 38.000 ha. Phó Chủ tịch UBND huyện Thới Bình Lý Minh Vững cho biết: Năm 2020, huyện được UBND tỉnh giao chỉ tiêu phát triển 18.000 ha lúa - tôm, với tổng sản lượng dự tính 68.400 tấn. Do lượng mưa thấp vào đầu vụ nên huyện phải điều chỉnh lịch thời vụ, xuống giống trễ hơn khoảng 20 ngày so với dự kiến. "Các khâu chuẩn bị đã hoàn tất và bà con đang xuống giống đạt hơn 70%. Với đà này thì chỉ khoảng đầu tháng 10 tới đây, nông dân trong huyện sẽ hoàn tất việc xuống giống vụ lúa - tôm từ bằng đến vượt chỉ tiêu trên giao" - ông Vững nói.

Nói về mô hình này, ThS Mã Huy, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Cà Mau cho rằng: Lúa - tôm là mô hình canh tác nông nghiệp thông minh ở Cà Mau, bởi quá trình cải tạo đất từ mặn sang ngọt để trồng lúa, nhiều mầm bệnh gây hại tôm sẽ không sống được ở môi trường nước ngọt và ngược lại. Sau vụ nuôi tôm, các chất thải của tôm sẽ được bộ rễ cây lúa hấp thụ. Không chỉ vậy, sau khi thu hoạch lúa, một lượng sinh khối lớn thân và rễ lúa phân hủy, kích thích sự phát triển của phiêu sinh vật làm thức ăn cho tôm. "Chính vì lợi ích kép ấy mà nhà nông canh tác lúa - tôm không cần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, giảm được chi phí khá lớn cho phân bón, sản phẩm tạo ra thân thiện hơn với môi trường và sức khỏe cộng đồng" - ThS Mã Huy phân tích.

Ðịnh hướng sản xuất chất lượng cao

Cà Mau là tỉnh duy nhất ở vùng ÐBSCL chưa có nguồn nước ngọt bổ sung từ sông Mê Công. Vì thế, nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên. Ðây cũng là nguyên nhân chính khiến việc canh tác của nhà nông Cà Mau dễ bị tổn thương khi biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến khó lường. Nhận thức rõ điều đó nên những năm gần đây, nông hộ Cà Mau canh tác lúa - tôm theo xu hướng "né" hạn - mặn.

Ông Lý Minh Vững cho biết: Ðể "né" hạn - mặn đến sớm phải tuân thủ lịch thời vụ, ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật mà ngành chức năng đã khuyến cáo vào quá trình sản xuất và áp dụng các loại giống ngắn ngày. "Ðến nay, vùng sản xuất lúa - tôm toàn huyện có khoảng 70% đã chuyển đổi sang các loại giống ngắn ngày chất lượng cao. Chỉ riêng vụ mùa 2020 này, huyện hỗ trợ cho nhà nông áp dụng giống lúa mới ngắn ngày vào sản xuất gần 500 tấn, chủ yếu những loại giống chất lượng gạo tốt và thích nghi với điều kiện hạn, mặn" - ông Vững thông tin.

Theo kỹ sư Nguyễn Trần Thức, Chi Cục trưởng Trồng trọt tỉnh Cà Mau: Thực tế thời gian qua ở ÐBSCL và Cà Mau đã chứng minh, lúa - tôm là mô hình sản xuất thuận thiên, bền vững và có triển vọng trong giai đoạn tới. Ðể nâng cao hơn nữa hiệu quả mô hình này, ngoài thực hiện tốt các giải pháp "né" hạn - mặn để "ăn chắc" vụ lúa, tùy vào điều kiện của từng địa phương, cần tổ chức lại sản xuất theo vùng chuyên canh một cách khoa học, bài bản. Khi đó, việc chỉ đạo sản xuất sẽ thuận lợi, và đầu tư hạ tầng cho vùng chuyên canh sẽ được tập trung. Ông Thức nhấn mạnh: "Chúng ta cũng cần có định hướng rõ sản xuất của nông dân phải theo quy trình, tiêu chuẩn nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng cao, có các chứng nhận đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp và thị trường, tránh tình trạng nông dân thích gì trồng đó và làm theo tập quán. Khắc phục được tình trạng trên, sản phẩm sẽ có đơn hàng và đầu ra ổn định".

Cà Mau sẽ tiếp tục đẩy mạnh mô hình lúa - tôm ở những nơi phù hợp. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp tỉnh đang ưu tiên sản xuất lúa - tôm theo hướng nông nghiệp hữu cơ. Như chia sẻ của ông Lê Thanh Triều, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau: Ðến nay, Cà Mau đã tạo ra sản phẩm tôm - lúa an toàn (hơn 2.200 ha) và lúa hữu cơ (380 ha) đạt các tiêu chuẩn quốc tế, như: USDA của Mỹ, EU của châu Âu, GAP của Nhật Bản… Cà Mau còn phân chia các tiểu vùng ngăn mặn - giữ ngọt để chủ động trong sản xuất lúa - tôm. Xây dựng phương án phòng, chống thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn, mưa bão, triều cường cho vùng chuyên canh lúa - tôm nhằm hạn chế tối đa tác động bất lợi của thiên tai.