Kiên trì chiến lược chống dịch năm bước

Ngày 1-3, trường học ở hầu hết tỉnh, thành phố đón học sinh quay trở lại sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán và nghỉ để phòng, chống dịch Covid-19. Đây là tín hiệu vui cho thấy cuộc sống đang dần trở lại bình thường và dịch bệnh có chiều hướng “hạ nhiệt”. Tuy nhiên, vẫn có những diễn biến phức tạp, khó lường, đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục cảnh giác trước nguy cơ tiềm ẩn, đưa ra các kịch bản ứng phó trong giai đoạn mới.

Lực lượng chức năng tuần tra siết chặt đường mòn, lối mở tuyến biên giới tây nam, phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: CTV
Lực lượng chức năng tuần tra siết chặt đường mòn, lối mở tuyến biên giới tây nam, phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: CTV

Phòng tuyến từ nhân dân

Theo Bộ Y tế, nguy cơ vẫn còn ca bệnh lây chéo trong khu cách ly tại vùng dịch Hải Dương. Đơn cử chỉ trong hai ngày 28-2 và 1-3 tại Hải Dương đã ghi nhận bảy bệnh nhân Covid-19 là F1 cách ly từ một tháng trước đó. “Cho đến nay, với rất nhiều nỗ lực chống dịch, Hải Dương đã có được những kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, nguy cơ bùng phát dịch trở lại vẫn hoàn toàn có thể xảy ra nếu lơ là, chủ quan, không tiếp tục thực hiện tốt, quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch. Bên cạnh đó, không loại trừ khả năng mầm bệnh là người lành mang trùng có thể còn lẩn khuất trong cộng đồng, vì chủng vi-rút lần này có tỷ lệ người lành mang trùng rất cao. Vì thế, đây luôn là nguy cơ thường trực cho cộng đồng và có thể sẽ gây ra ca mắc mới không rõ nguồn gốc bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu trong thời gian tới”, PGS,TS Trần Như Dương, Trưởng đoàn công tác chống dịch Covid-19 Bộ Y tế tại Hải Dương bày tỏ lo ngại.

Theo các chuyên gia, việc tích cực phát hiện ca bệnh không chỉ qua xét nghiệm mà qua công tác truy vết và qua việc chủ động khai báo y tế của các đối tượng liên quan đến F0, F1, ổ dịch, vùng dịch hay phát giác qua kênh thông tin người dân, Tổ phòng, chống dịch bệnh trong cộng đồng… Hiện không chỉ riêng ở Hải Dương mà tại nhiều địa phương khác cũng gặp không ít khó khăn trong phòng, chống dịch. Điều đáng lo ngại là vấn đề khai báo y tế không đầy đủ và thậm chí hiện tượng gian dối vẫn diễn ra dẫn đến việc truy vết khó khăn, có thể để lọt ca bệnh trong cộng đồng. Thông tin từ tổ truy vết của Bộ Y tế cho biết, có thời điểm chỉ 0,5% số trường hợp F1 tự khai báo y tế, 99,5% không khai báo; 21% số trường hợp F0 không hợp tác. Trong khi đó, khai báo y tế là quan trọng, không chỉ khai báo khi đi về từ các nơi có yếu tố dịch tễ, mà cần khai báo ngay khi có các dấu hiệu nghi ngờ như sốt, ho, khó thở để kịp thời có phương án xử lý phù hợp, tránh ảnh hưởng đến bản thân, người thân và cộng đồng; tránh nguy cơ khiến dịch lây lan. Một chuyên gia Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo: “Để chống dịch hiệu quả, bảo vệ bản thân, người thân và cộng đồng, phải khai báo y tế và khai báo một cách trung thực”.

Vào thời điểm này, tại biên giới tây nam, tình hình lại “nóng” lên khi phát hiện ca bệnh 2424 nhập cảnh trái phép từ Cam-pu-chia. Nhiều ý kiến cho rằng, nếu không kịp ngăn chặn ca bệnh này, không thể lường hết những khó khăn xảy ra cho cuộc chiến chống Covid-19. Chính nhờ nguồn tin của người dân mà trường hợp bệnh nhân 2424 được phát hiện kịp thời. Như chia sẻ của ông Đoàn Tấn Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, Phó Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19, tỉnh đã thành lập nhiều đội phản ứng nhanh của y tế và công an mà thành phần đều có thêm tổ nhân dân tự quản, Mặt trận Tổ quốc. Từ đó, mỗi khi có nguy cơ, tỉnh kích hoạt đội phản ứng nhanh này, lập tức từng khóm, ấp, từng ngõ ngách đều được đội rà đi rà lại. Chủ yếu xây dựng kênh báo, gọi điện, hỗ trợ tích cực từ người dân. Việc truy tìm những đối tượng lạ mặt, xâm nhập trái phép về từ vùng dịch từ đó trở nên dễ hơn.

Phải chuẩn bị tất cả kịch bản

Các chuyên gia cho rằng, qua mỗi đợt dịch, các địa phương phải khẩn trương đúc rút kinh nghiệm để bổ sung cách thức phòng, chống tốt hơn. Điển hình, đợt chống dịch ở Đà Nẵng ghi nhận ca bệnh trong cơ sở y tế trở thành kinh nghiệm để Hải Phòng có thể xử lý triệt để ca bệnh nhiễm phát hiện tại bệnh viện. Tương tự, dịch bệnh xảy ra trong các khu công nghiệp ở Hải Dương là kinh nghiệm lớn để bổ sung các hướng dẫn, đặc biệt liên quan đến việc cách ly hàng nghìn người khi có dịch bệnh.

Đánh giá về tình hình dịch sắp tới, các chuyên gia dịch tễ nhận định, dịch khó có thể kết thúc trong năm 2021. Chính vì vậy, đòi hỏi công tác phòng, chống dịch bệnh tại các địa phương không được chủ quan, lơ là và cần phải chuẩn bị tất cả các phương án, kịch bản khi bùng phát dịch. Trong đó, phải có kịch bản cho cách ly và giãn cách, nếu không chủ động sẽ khó khăn khống chế dịch nhất là F1 bắt buộc cách ly tập trung 14 ngày. Các địa phương cần kiểm tra sẵn sàng cơ sở nào có thể cách ly khi có dịch; lên kịch bản sẵn về tiếp nhận, cung cấp nhu yếu phẩm, theo dõi sức khỏe khi triển khai cách ly. Cần tập huấn nhân lực lấy mẫu, xét nghiệm và sẵn sàng trang thiết bị cho tình huống dịch bùng phát. Cùng đó cần xây dựng các phương án điều trị, xây dựng bệnh viện dã chiến khi dịch bệnh bùng phát, nhằm hạn chế thấp nhất số ca tử vong.

Phòng, chống dịch bệnh trong giai đoạn mới, theo Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên, hiện nay Ban Chỉ đạo quốc gia, Bộ Y tế, các bộ, ngành có liên quan đã ban hành các văn bản hướng dẫn phòng, chống dịch tương đối đầy đủ để các địa phương, đơn vị tự đánh giá mức độ an toàn và chủ động triển khai thực hiện. Trong từng thời kỳ thì chiến thuật thay đổi linh hoạt nhưng Chiến lược năm bước: ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng dập dịch và điều trị được áp dụng hiệu quả trong các đợt chống dịch, cần tiếp tục kiên trì thực hiện. Trong mọi trường hợp, cố gắng phát hiện nhanh nhất, theo các bước truy vết thần tốc, truy đến đâu khoanh đến đó. Trường hợp biến thể mới lây lan nhanh hoặc dẫn đến rủi ro cao, có thể áp dụng các biện pháp “phong tỏa trong phong tỏa” như Hải Dương đã thực hiện. “Vòng trong” truy vết nhỏ nhưng chặt, “vòng ngoài” phong tỏa tạm thời ở quy mô rộng hơn. Sau khi xác định được yếu tố rủi ro thì sẽ dỡ phong tỏa “vòng ngoài” để chống dịch nhưng cũng giảm thiệt hại kinh tế và xáo trộn đời sống người dân.

Việt Nam được thế giới đánh giá là một trong những nước chống dịch hiệu quả. Vì vậy thiết nghĩ, trong giai đoạn tới đây vẫn cần phải kiên trì nguyên tắc, chiến lược chống dịch từ những ngày đầu. Phía Bộ Y tế cần đúc kết lại các bài học kinh nghiệm chống dịch, xây dựng sơ đồ truy vết, sơ đồ cách ly thông minh để hướng dẫn các địa phương áp dụng phù hợp, hiệu quả khi xuất hiện tình huống khẩn cấp. Đồng thời cần xây dựng kế hoạch kết hợp hài hòa giữa chiến lược tiêm vắc-xin phòng Covid-19 với chiến lược phòng, chống dịch phát huy hiệu quả, phù hợp trong giai đoạn mới.

Tổ chức chuyên đề: 

LƯU HƯƠNG, NGÔ PHƯƠNG THẢO, HOÀNG NGHĨA NAM.