Kiến tạo môi trường mở

Ðiều Bí thư Tỉnh ủy Ðồng Tháp Lê Minh Hoan tâm huyết, đó là làm sao để người nông dân được đặt vào vị trí trung tâm của quá trình chuyển đổi tư duy phát triển nông nghiệp.

Kiến tạo môi trường mở

- Muốn triển khai được NQ 120, trước mắt cần sớm ban hành hệ thống cơ chế, chính sách phù hợp. Sẽ cần phải tập trung vào những điểm nào, thưa ông?

- Một trong những điểm nổi bật trong nghị quyết là: ÐBSCL phải chuyển từ "tư duy sản xuất nông nghiệp" sang "tư duy kinh tế nông nghiệp", trong đó hướng tới xây dựng chuỗi ngành hàng nông sản... Ðể chuyển được tư duy như vậy không phải qua một hoặc hai mùa vụ hay triển khai riêng rẽ ở từng địa phương, từng ngành hàng mà rất cần một hệ thống chính sách hỗ trợ cho người nông dân, hợp tác xã (HTX), DN tiếp cận với công nghệ bảo quản, chế biến, thương mại hóa sản phẩm, kết nối thị trường... Ngoài ra, để hướng tới tích tụ đất đai, cần có các chính sách cho đối tượng có nhu cầu và cho cả lao động nông nghiệp chuyển đổi sang lao động phi nông nghiệp, như hỗ trợ đào tạo nghề, khởi nghiệp...

- Có một số vấn đề mới, mang tính đột phá trong nghị quyết như thành lập Hội đồng điều phối Vùng, đề xuất hình thành Quỹ phát triển bền vững Vùng; thành lập Trung tâm thông tin tích hợp dữ liệu Vùng. Từ góc nhìn của địa phương, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

- Nghị quyết 120 rất rộng, phủ khắp các lĩnh vực của kinh tế - xã hội, có mục tiêu trước mắt, có mục tiêu lâu dài, có nhiệm vụ thuộc về Nhà nước thông qua đầu tư công nhưng cũng có nhiệm vụ thuộc về đầu tư xã hội.

Với những mục tiêu ngắn hạn và dài hạn, không thể từng bộ, ngành, từng địa phương tổ chức triển khai mà nhất thiết cần đến cơ chế điều phối cấp Vùng trực thuộc Chính phủ. Ngoài ra, việc hình thành Quỹ phát triển bền vững như nghị quyết đã nêu là rất cần thiết theo hướng thu hút, kết hợp các nguồn vốn ngoài ngân sách, nhất là vốn trong khối tư nhân. Mục tiêu của Quỹ không chỉ là đầu tư các công trình trong ngắn hạn, mà còn quan tâm đến việc hỗ trợ truyền thông để hướng đến các giải pháp phi công trình do chính cộng đồng dân cư và doanh nghiệp tham gia. Trong khi Trung tâm thông tin tích hợp dữ liệu cấp vùng chỉ có thể vận hành khi làm rõ cơ chế điều phối thực hiện nghị quyết.

- Với Ðồng Tháp, theo ông cần những bước đi như thế nào để thực hiện được bước chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp?

- Ðó là cần nghiên cứu ban hành cơ chế, chính sách để hình thành các chuỗi ngành hàng nông sản có lợi thế so sánh trên thị trường; khuyến khích, tạo động lực và nguồn lực để các doanh nghiệp, người sản xuất tham gia vào chuỗi. Trong đó, phát triển kinh tế hợp tác để hỗ trợ kinh tế hộ, có chính sách hỗ trợ các HTX hoạt động đúng theo Luật HTX năm 2012, vừa mở rộng quy mô sản xuất theo chiều rộng, vừa tạo giá trị gia tăng theo chiều sâu. Bởi HTX không chỉ hướng đến lợi nhuận kinh doanh, mà phải đem lại lợi ích cho thành viên nhờ giảm giá thành sản xuất, nâng cao chất lượng nông sản, liên kết với doanh nghiệp, cải tiến quy trình canh tác, ứng dụng công nghệ bảo quản, chế biến nông sản và tiến tới thương mại điện tử, hình thành các dịch vụ phi lợi nhuận vì lợi ích cộng đồng. Ngoài ra, cần chủ động thí điểm triển khai các mô hình nông nghiệp thông minh thích ứng với những tác động của BÐKH và sự suy giảm số lượng, chất lượng nguồn nước.

- Ðược biết, Ðồng Tháp là địa phương nhanh nhạy xây dựng đội ngũ nông dân thông minh. Xin ông cho biết rõ hơn về vấn đề này?

- Dù bất luận tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nào thì người nông dân vẫn là số đông và là chủ thể trong tiến trình hướng tới nền nông nghiệp thông minh. Bởi nông nghiệp thông minh cần đến đội ngũ nông dân thông minh. Nông dân không chỉ giỏi sản xuất ra nhiều nông sản mà phải biết những nguyên lý kinh tế cơ bản, như: đặc điểm của thị trường, quy luật cung cầu, tối thiểu hóa các chi phí và tối đa hóa lợi nhuận... Do đó, nông dân phải biết giảm chi phí sản xuất và tăng chất lượng nông sản để tăng tính cạnh tranh, để giảm nguy cơ bị "giải cứu". Hơn nữa, nông dân phải có kiến thức để tìm kiếm và chủ động phân tích thông tin thị trường để đưa ra quyết định sản xuất phù hợp. Ngoài ra, nông dân cần tiếp cận các ứng dụng CNTT để được hướng dẫn, trao đổi kinh nghiệm canh tác, sản xuất theo hướng sạch, an toàn, tham khảo các mô hình nông nghiệp tiên tiến.

- Xin cảm ơn ông!

Nghĩa Trung

(Thực hiện)