Kích cầu từ bán cổ phiếu lô lớn

QUYẾT ĐỊNH 41/2015/QĐ-CP VỀ VIỆC BÁN CỔ PHẦN THEO LÔ ĐƯỢC Thủ tướng Chính phủ BAN HÀNH NGÀY 15-9 VÀ CÓ HIỆU LỰC THI HÀNH NGAY TỪ NGÀY KÝ, ĐƯỢC ĐÁNH GIÁ SẼ THỔI LÀN GIÓ MỚI VÀO CÁC ĐỢT THOÁI VỐN, PHÁT HÀNH CỔ PHẦN LẦN ĐẦU RA CÔNG CHÚNG (IPO) CỦA DNNN TỚI ĐÂY. KHÔNG CHỈ TẠO NÊN SỨC CẦU LỚN TRÊN THỊ TRƯỜNG VỐN MÀ PHƯƠNG THỨC BÁN VỐN NÀY CÒN ĐEM LẠI THẶNG DƯ LỚN CHO NHÀ NƯỚC.

Phương thức bán cổ phần trọn lô được thực hiện ở Cienco 4 hứa hẹn tiếp tục đem lại hiệu quả cao.
Phương thức bán cổ phần trọn lô được thực hiện ở Cienco 4 hứa hẹn tiếp tục đem lại hiệu quả cao.

Dễ bán và được giá

Ngày 10-9, phiên đấu giá 611.000 cổ phần CTCP Tư vấn đầu tư phát triển và xây dựng THIKECO do Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) nắm giữ, tương đương 43,028% vốn điều lệ thu hút sự quan tâm của TTCK. Cổ phần được chào bán trọn lô, có 44 nhà đầu tư tham gia và kết quả một nhà đầu tư trúng với giá đấu 131.000 đồng/cổ phiếu, gấp 8,9 lần giá khởi điểm, cao gấp 13,1 lần giá trị mệnh giá cổ phần của THIKECO. Với số vốn điều lệ 14,2 tỷ đồng, lợi nhuận chưa đầy một tỷ đồng mỗi năm, điều gì làm nên sức hấp dẫn của THIKECO? Đó chính là việc công ty này có quyền sử dụng một số lô đất, trong đó có lô đất 7.000 m2 tại phố Lương Thế Vinh, Trung Văn (Hà Nội).

Đây chỉ là một thí dụ cho thấy lợi ích lớn từ phương thức bán cổ phiếu trọn lô mang lại. Ông Nguyễn Việt Thắng, Phó Tổng giám đốc CTCP Chứng khoán phố Wall, đơn vị tổ chức bán cổ phần trên cho biết, xé lẻ cổ phần ra bán, chắc chắn không thể đạt giá cao như vậy trong bối cảnh hiện nay.

Trước khi áp dụng hình thức bán cổ phần theo lô trong các đợt thoái vốn nhà nước, SCIC đã gặp phải nhiều trường hợp khó xử. Có doanh nghiệp dự kiến bán 10% vốn, tại công ty đã có nhóm cổ đông lớn sở hữu gần 49% cổ phần. Theo quy chế, SCIC bán đấu giá công khai số cổ phần thuộc diện thoái vốn, nhóm cổ đông lớn chỉ đăng ký mua thêm 2% để có đủ tỷ lệ chi phối trên 51%, 8% còn lại sau đó không có nhà đầu tư mua. Lại cũng có doanh nghiệp SCIC quản lý trên 65% vốn và có kế hoạch thoái toàn bộ vốn tại đây, nhiều nhà đầu tư đặt vấn đề muốn mua lại số cổ phần trên, nhưng ra điều kiện là phải được mua cả. Trước tình hình đó, SCIC đã đề xuất với Chính phủ cho phép Tổng công ty đa dạng các hình thức bán cổ phần, trong đó có phương thức bán trọn lô từ hai năm trước. Tùy thực tế tại doanh nghiệp và nhu cầu trên thị trường, SCIC được chủ động quyết định bán cả lô hoặc không. Lợi ích từ việc bán cổ phần trọn lô đã được chứng minh qua kết quả bán vốn của SCIC. Tính đến cuối năm 2014, SCIC đã bán trọn lô thành công ở 29 DNNN thu được 698 tỷ đồng trong khi giá trị sổ sách chỉ là 243 tỷ đồng. Giá bán bình quân cao hơn giá trị sổ sách năm lần, cá biệt có trường hợp cao hơn tới 21 lần. Từ đầu năm 2015 đến nay, phương thức bán cổ phần trọn lô được thực hiện ở nhiều đợt thoái vốn của SCIC và tiếp tục đem lại hiệu cao quả.

Phương thức này cũng được áp dụng hiệu quả tại Bộ Giao thông vận tải (GTVT) qua các đợt thoái toàn bộ vốn nhà nước ở các doanh nghiệp như Cienco1 và Cienco 4. Sau khi cổ phần hóa, Nhà nước vẫn sở hữu 35% vốn tại hai doanh nghiệp và đầu năm 2015 có kế hoạch thoái toàn bộ vốn tại đây. Những nhà đầu tư đã tham gia mua cổ phần trong quá trình cổ phần hóa, mong muốn được tăng tỷ lệ sở hữu và cam kết đầu tư dài hạn vào doanh nghiệp, đồng thời họ không muốn có thêm các cổ đông lớn khác bởi có thể gây phức tạp cho quá trình điều hành. Sau khi phân tích thực tế và nhu cầu của doanh nghiệp, Bộ GTVT đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép bán đấu giá cổ phần trọn lô và có điều kiện tại hai DN trên. Toàn bộ cổ phần nhà nước cần thoái vốn đã được đặt mua, mục tiêu thoái vốn Nhà nước được thực hiện dứt điểm, hoạt động doanh nghiệp sau đó phát triển tốt hơn so với trước cổ phần hóa…

Cơ chế thoáng vẫn cần hậu kiểm chặt

Có nhiều điểm đáng chú ý trong Quyết định 41/2015/QĐ-CP (Quyết định 41) như: Nhà đầu tư có nhiều thuận lợi hơn khi có thể mua được cổ phiếu số lượng lớn, để từ đó có quyền can thiệp, thay đổi quản trị tạo ra hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Họ được quyền yêu cầu tài liệu, báo cáo liên quan và được quyền khảo sát tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp để quyết định tham gia mua cổ phần theo lô. Theo nhận xét của ông Vũ Đức Tiến, Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán (CTCK) SHS, đây là yếu tố rất quan trọng với nhà đầu tư trước khi bỏ vốn lớn vào một thương vụ. Nó đồng thời cũng là điểm mới hoàn toàn so với các đợt thoái vốn của SCIC hay Bộ GTVT trước đó. Đại diện của Quỹ đầu tư Red River Holding thì cho rằng, điều này có thể tạo ra sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài đến các đợt thoái vốn khối lượng lớn của các DNNN bởi nhà đầu tư có cơ hội tìm hiểu kỹ về doanh nghiệp thay vì chỉ được tiếp cận qua giấy tờ và các bản công bố thông tin nghèo nàn như lâu nay.

So với các bản dự thảo ban đầu, Quyết định 41 không đặt ra yêu cầu về hạn chế thời gian chuyển nhượng đối với các nhà đầu tư mua cổ phần. Điều này được giới đầu tư đánh giá cao bởi việc đầu tư tài chính của họ có thể linh hoạt và chủ động theo các điều kiện nội tại và sự thay đổi của thị trường. Ông Vũ Đức Tiến, Tổng Giám đốc CTCK SHS cho rằng, trước đây vì không có cơ chế bán cổ phần trọn lô nên các bộ, ngành, cơ quan chủ sở hữu vốn Nhà nước không có căn cứ hoặc ít khi dám mạnh dạn đề xuất lên Chính phủ, từ đó bỏ qua nhiều cơ hội thoái vốn, trong khi nhà đầu tư có nhu cầu thực không mua được cổ phần. “Khi có cơ chế này, tôi tin quá trình thoái vốn sẽ diễn ra nhanh chóng, quyết liệt và dễ thở hơn cho các bên liên quan rất nhiều”, vị tổng giám đốc CTCK nói.

Chia sẻ quan điểm này, ông Hoàng Nguyên Học, Phó Tổng giám đốc SCIC nhận định: “Tôi nghĩ các nhà đầu tư sẵn sàng trả giá cao, kể cả với những doanh nghiệp đã niêm yết”. Còn theo ông Vũ Anh Minh, Vụ trưởng Vụ Quản lý Doanh nghiệp, Bộ GTVT, cơ chế đấu giá cổ phần trọn lô vừa giải quyết được bài toán thoái vốn ngoài ngành diễn ra nhanh hơn, Nhà nước thu được nhiều tiền hơn, mà quan trọng hơn là khi nhà đầu tư mua cổ phần trọn lô, họ có cơ hội trở thành nhà đầu tư chiến lược.

Ngoài yêu cầu bán đấu giá qua Sở Giao dịch chứng khoán, Quyết định 41 cũng giải tỏa những băn khoăn về việc bảo đảm tính hiệu quả của việc bán vốn nhà nước, hạn chế sự trục lợi với quy định “Khi quyết định bán thỏa thuận trực tiếp cho các nhà đầu tư, cơ quan đại diện chủ sở hữu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình và phải tuân thủ nguyên tắc: Người có thẩm quyền quyết định chuyển nhượng vốn không được quyết định chuyển nhượng cho doanh nghiệp trong đó có vợ, chồng, cha, cha nuôi, mẹ, mẹ nuôi, con đẻ, con dâu, con rể, con nuôi, anh, chị, em ruột, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu là người quản lý doanh nghiệp này và không được quyết định chuyển nhượng cho các cá nhân là người có quan hệ như trên”.

Tuy nhiên, để giám sát được tính công bằng và minh bạch của các đợt bán cổ phần theo lô, giới chuyên môn cho rằng, sau mỗi đợt thoái vốn, kết quả nhất thiết phải được công bố rộng rãi, kể cả khi đấu giá thành công, cũng như bán thỏa thuận trực tiếp.