Khuyến khích ứng cử, tổ chức tốt tranh cử

Điều ông Vũ Ngọc Hoàng, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương trăn trở, chính là việc làm sao tạo ra sự đổi mới thật sự trong việc xây dựng được cơ chế để trọng dụng người tài đức, cũng như sử dụng cán bộ có năng lực ngang tầm nhiệm vụ. Đặc biệt, cần tạo cơ hội cho lớp trẻ kế cận có điều kiện phát triển.

Khuyến khích ứng cử, tổ chức tốt tranh cử

- Điểm nổi bật của Nghị quyết số 26 vừa được Trung ương ban hành chính là tạo điều kiện, cơ chế để tuyển dụng nhân tài, tuyển dụng cán bộ, nhất là cán bộ ở cấp chiến lược. Nhưng, nhân tài đang ở đâu và tìm thế nào, thưa ông?

- Nhân tài có thể đang ở trong hàng quan nhỏ, ở bìa rừng và đồng nội, họ ẩn dật ở đâu đó, không đem ngọc bán rao. Đó là cách nói của Nguyễn Trãi và vẫn đúng với thời nay. Nhất định, nhân tài không phải là những kẻ hay chạy tới chạy lui, xu nịnh, chiều chuộng, biết chăm sóc quan trên. Họ là những người có nhân cách, biết tự trọng, không chịu đánh mất mình, chứ không phải là những kẻ không biết xấu hổ. Nhân tài là những người có tư duy độc lập, có chính kiến, có những lời nói thẳng; chứ không phải là những kẻ biết uốn lưỡi nói theo, cho vừa lòng lãnh đạo.

- Vậy là, cũng không khó lắm để nhìn thấy nhân tài, nhất là trong xã hội hiện đại với nhiều phương tiện, nhiều kênh thông tin, đánh giá. Nhưng, tại sao, qua những vụ việc gần đây cho thấy, chúng ta vẫn cứ chọn nhầm người?

- Đây chính là mấu chốt cần phải sớm đưa Nghị quyết 26 vào cuộc sống. Đó là vấn đề cơ chế. Là các quy định về đánh giá cán bộ; về ứng cử, đề cử và bầu cử; về quy trình, cách lựa chọn và thẩm quyền đề bạt cán bộ; về miễn nhiệm và kỷ luật cán bộ…, chứ không phải cái gì trừu tượng, khó hình dung. Lâu nay, trong đánh giá cán bộ, thường đưa ra những tiêu chuẩn rất chung chung, nói không sai nhưng rất khó làm, không định lượng được, trừu tượng, khó xác định, có thể nói thế này và cũng có thể nói thế kia, một cách tùy tiện, tùy thuộc vào cách suy nghĩ, tâm lý và tình cảm của người đánh giá. Những cán bộ có đức có tài nhưng ít quan hệ, lãnh đạo và cơ quan tổ chức không biết đến thì ra ngoài tầm ngắm.

Một hạn chế nữa là, lâu nay công tác cán bộ của chúng ta chủ yếu là sắp xếp. Sắp xếp theo ý lãnh đạo và cơ quan làm công tác cán bộ. Thực chất là vậy, bản chất là vậy.

- Ông có thể đề xuất giải pháp cụ thể nào trong tình hình hiện nay?

- Tôi nghĩ nước ta và Đảng ta cần tích cực chuẩn bị để sớm thực hiện việc tranh cử đối với các chức danh dân cử, bầu cử. Tranh cử thực chất chứ không phải là một nghệ thuật sắp đặt theo kiểu khác. Tranh cử thực chất sẽ đi đôi với ứng cử tự do. Ứng cử tự do không có nghĩa là mọi người ai ứng cử cũng được, hàng vạn người cũng được, không cần có quy định về tiêu chuẩn và điều kiện. Cần khuyến khích ứng cử và tổ chức tốt việc tranh cử, thật sự chứ không phải hình thức hay lời nói, nhất là khi ở nước ta chưa quen việc này. Cũng như thế, đối với các chức danh chuyên môn thì có thể tổ chức thi tuyển, giới thiệu, tiến cử,… trên cơ sở công khai, minh bạch để chọn cho đúng những người giỏi, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.

- Phát hiện và lựa chọn được cán bộ hội đủ phẩm chất, năng lực để giao trọng trách đã khó; làm gì để phòng tránh “thoái hóa, biến chất” hẳn còn khó hơn?

- Phải có cơ chế kiểm soát chặt chẽ quyền lực, như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần khẳng định. Trước tiên là phải kiểm soát quyền lực bằng chính quyền lực nhà nước. Việc kiểm soát quyền lực còn được thực hiện thông qua sự tham chính của nhân dân, của công luận và vai trò của các đoàn thể chính trị - xã hội, của các tổ chức dân sự…

Khi có được một bộ máy và một đội ngũ cán bộ tinh gọn, hiệu quả, lành mạnh, trong đó tập hợp được nhiều người tài, có đạo đức tốt, hết lòng với dân với nước, không bị quyền lực cám dỗ và làm tha hóa, thì việc phát triển đất nước, xây dựng một xã hội tốt đẹp có gì mà không làm được.

- Trân trọng cảm ơn ông!