Không nên dồn sức chỉ để xếp hạng

Việc có tên trong bảng xếp hạng quốc tế ở góc độ nào đó có thể là rất tốt; song, các chuyên gia lo ngại, nếu các cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) cứ đặt mục tiêu tham gia xếp hạng quốc tế bằng mọi giá mà không chú trọng tới chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học thì tất yếu chệch hướng phát triển, thậm chí lộ ra những điểm yếu mà chỉ có xã hội mới đánh giá được.

Mục đích chính của xếp hạng là hướng tới những giá trị ở tầm cao hơn chứ không phải là cuộc chạy đua về thương hiệu đơn thuần. Trong ảnh: Giờ thực hành của Khoa Y dược, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: VNU
Mục đích chính của xếp hạng là hướng tới những giá trị ở tầm cao hơn chứ không phải là cuộc chạy đua về thương hiệu đơn thuần. Trong ảnh: Giờ thực hành của Khoa Y dược, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: VNU

Tín hiệu vui?
 
 Số liệu được các tổ chức xếp hạng quốc tế có uy tín như Quacquarelli Symonds của Vương quốc Anh (QS World University Rankings), Thời báo Giáo dục đại học (Times Higher Education - THE), Trường đại học Giao thông Thượng Hải (Trung Quốc)-ARWU công bố đều đã gọi tên một số trường đại học ở Việt Nam. Đáng chú ý, theo QS công bố hồi giữa năm 2018 và đầu năm 2020, Việt Nam có hai đại diện nằm trong tốp 1.000 trường đại học tốt nhất thế giới (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh và Đại học Quốc gia Hà Nội). Còn ARWU công bố, tháng 8-2019, Trường đại học Tôn Đức Thắng là đại diện duy nhất của Việt Nam vào bảng xếp hạng tốp 901-1.000. Theo THE, trong năm 2019, Trường đại học Tôn Đức Thắng có tên trong bảng xếp hạng những đại học có ảnh hưởng nhất đến sự phát triển bền vững về kinh tế - xã hội trên phạm vi toàn cầu trong tổng số 462 trường đại học tham gia.
 
 Bên cạnh đó, một số cơ sở GDĐH của Việt Nam cũng đã tham gia xếp hạng quốc tế theo khu vực. Tổ chức QS đã công bố bảng xếp hạng các trường châu Á 2020, trong đó Việt Nam có tám cơ sở GDĐH nằm trong tốp 500, cái tên mới nhất lọt vào bảng xếp hạng này là Trường đại học Duy Tân - một cơ sở đào tạo ngoài công lập nổi bật tại miền trung. Mới đây nhất, Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh đã vào tốp 101-150 bảng xếp hạng thế giới các trường đại học trẻ tuổi (có thời gian thành lập dưới 50 năm) có chất lượng giáo dục hàng đầu trên thế giới của QS. Ngoài ra, Trường đại học Bách khoa Hà Nội lần đầu tiên xuất hiện trong tốp 200 của bảng xếp hạng các trường đại học trong “độ tuổi vàng” (The Best ‘Golden Age’ universities) và cũng là đại diện duy nhất đến từ Việt Nam.

Không nên dồn sức chỉ để xếp hạng -0
 Đầu tư cho khoa học công nghệ cần phải là ưu tiên để nâng cao chất lượng đào tạo. Ảnh: VNU

Những thứ hạng ban đầu này như là một tiền đề để GDĐH Việt Nam phát triển, vươn tầm quốc tế. Song, liệu đây là “đẳng cấp” của các trường hay chỉ là ánh hào quang ban đầu mà các trường có được sau nhiều năm dồn sức đầu tư? Trao đổi ý kiến với Nhân Dân cuối tuần, GS Lâm Quang Thiệp, nguyên Vụ trưởng Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho rằng, các tiêu chí xếp hạng của ARWU và THE nặng về nghiên cứu, khi đã nặng về nghiên cứu thì các trọng số đánh giá về nghiên cứu sẽ lớn và điều này các trường đại học theo hướng nghiên cứu sẽ có lợi thế. Các nhà chuyên môn cho rằng, những trường đơn ngành, chỉ chú trọng đào tạo ứng dụng thì khó có thể “cạnh tranh” trên các bảng xếp hạng. GS Lâm Quang Thiệp thẳng thắn nhận định, tham gia xếp hạng rõ ràng là điều tốt, nhưng nếu cố để chạy theo xếp hạng trong khi chức năng, sứ mệnh của trường lại không phải tập trung nghiên cứu thì sẽ không khả thi.
 
 Giải pháp phù hợp, mỗi cơ sở đào tạo có thể lựa chọn các bảng xếp hạng phù hợp với sứ mệnh, tầm nhìn, mục tiêu phát triển của mình để cải tiến, điều chỉnh theo tiêu chí của bảng xếp hạng. PGS, TS Nguyễn Thu Thủy - Quyền Vụ trưởng Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) cho biết: “Giá trị cao nhất của việc tham gia các bảng xếp hạng không phải chỉ để làm thương hiệu, mà còn vì những mục tiêu cốt lõi khác, đó là điều chỉnh, chuẩn hóa các chương trình đào tạo, chuẩn đầu ra, chất lượng giảng viên, quy trình quản lý, chất lượng giảng dạy, nghiên cứu khoa học, chất lượng và hiệu quả đào tạo…”.
 
 Lựa chọn những giá trị thật
 
 Đã có không ít ý kiến bày tỏ lo ngại, thực chất các tổ chức xếp hạng cũng là làm dịch vụ, vậy thì kết quả xếp hạng liệu có khách quan, đánh giá đúng chất lượng trường đại học? Trả lời câu hỏi này, GS Lâm Quang Thiệp cho rằng, khách quan hay không còn do uy tín của tổ chức xếp hạng, nếu tổ chức xếp hạng làm không công tâm, vì những mục đích khác, sẽ lộ ra những vấn đề.
 
 Câu hỏi đặt ra là các trường đại học ở Việt Nam có nên tập trung đầu tư các nguồn lực và cạnh tranh để có thể có tên trong các bảng xếp hạng hay không? Cha mẹ và các thí sinh có nên dùng kết quả xếp hạng các trường đại học trong những bảng xếp hạng này để lựa chọn môi trường học tập? Các chuyên gia khẳng định, phần lớn các tổ chức xếp hạng cho các tiêu chí về nghiên cứu khoa học có trọng số khá cao; tiêu chí về tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm và tiêu chí về mức thu nhập của sinh viên có việc làm lại có trọng số không cao. Do đó, khi lựa chọn trường đại học, học sinh chuẩn bị tốt nghiệp lớp 12 và cha mẹ học sinh cần xác định ngay mục tiêu việc học là gì để từ đó chọn trường phù hợp.
 
 Theo PGS, TS Nguyễn Phương Nga, Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục (Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam), xu hướng hiện tại của các cơ sở GDĐH ở Việt Nam là nỗ lực đầu tư để vào được bảng xếp hạng các trường đại học trên thế giới. Điều này có thể khá đúng đối với những trường đại học định hướng nghiên cứu, còn với các trường đại học định hướng ứng dụng lại không hẳn cần thiết. Thay vào đó, những trường đại học ứng dụng cần đầu tư để nâng cấp cơ sở vật chất, đặc biệt là thư viện. Khi cộng đồng xã hội hiểu rõ hơn về mục đích và bản chất của các bảng xếp hạng, việc trường đại học được xếp hạng cao chưa chắc đã thu hút được đông đảo người học.
 
 Chuyên gia kiểm định chất lượng giáo dục đại học, TS Phạm Xuân Thanh, nguyên Tham tán giáo dục (Bộ GD&ĐT) tại Ô-xtrây-li-a cho hay, để thúc đẩy việc xếp hạng các trường đại học cần xác định những giá trị hướng tới. Mục đích chính của xếp hạng là hướng tới những giá trị ở tầm cao hơn (chất lượng đào tạo tốt, gắn với thực tiễn, hướng tới nhân loại....), chứ không phải là cuộc chạy đua về thương hiệu đơn thuần.
 

 Theo PGS, TS Nguyễn Thu Thủy, trong Đề án nâng cao chất lượng GDĐH giai đoạn 2019 - 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đặt ra mục tiêu: Có ít nhất hai cơ sở GDĐH được xếp hạng trong số 100 trường đại học tốt nhất châu Á; 10 cơ sở được xếp hạng trong số 400 trường đại học tốt nhất châu Á, bốn cơ sở được xếp hạng trong số 1.000 trường đại học hàng đầu thế giới theo các bảng xếp hạng quốc tế có uy tín là hoàn toàn khả thi.


 
 
 
 
 

 
 
 
 Như Quỳnh
 
 Tổ chức chuyên đề: Lưu Lan Hương, Ngô Phương Thảo, Khúc Hồng Thiện