Không khoan nhượng

Tăng cường các hoạt động thanh tra, kiểm tra về an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ), không khoan nhượng trước các cơ sở tổ chức, sử dụng lao động gây nguy cơ về an toàn lao động. Ông Nguyễn Anh Thơ - Phó Cục trưởng Cục An toàn lao động, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội khẳng định khi trao đổi với Báo Nhân Dân cuối tuần.

Không khoan nhượng

- Thưa ông, trong thời gian gần đây tai nạn lao động (TNLĐ) vẫn diễn biến rất phức tạp mặc dù Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách để giảm thiểu. Phải chăng vẫn còn những lỗ hổng đang bị bưng bít khiến chúng ta chưa giám sát được?

- Đúng là TNLĐ đang diễn biến khá phức tạp. Nếu so với năm 2016 thì năm 2017, tổng số vụ cũng như số người bị nạn, chết người đều tăng. Ở chỗ này, có một vấn đề chúng ta cần lưu ý là, theo quy định của pháp luật mới thì phạm vi chúng ta thu thập các số liệu lao động đã mở rộng thêm từ hơn 20 triệu lao động trong khu vực có quan hệ lao động sang 54 triệu lao động trong toàn bộ lực lượng lao động. Và điều này có thể làm con số thống kê về TNLĐ tăng lên.

Chúng ta cũng biết rằng, con số thống kê này có thể chưa phản ánh hết tình hình thực tế, nhưng những lĩnh vực sản xuất có nguy cơ mà lâu nay chúng ta theo dõi được như trong khai thác khoáng sản, xây dựng thì đều thu thập và có thống kê. Một nguyên nhân khác nữa mà chúng tôi theo dõi là lực lượng lao động trong công nghiệp, lĩnh vực dịch vụ cũng tăng theo khi tăng tỷ lệ đầu tư cũng như mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Ở đây, việc tăng lên là do quy mô lao động tăng, các ngành, lĩnh vực sản xuất đang mở rộng rất nhiều trong ngành công nghiệp. Đặc biệt rất nhiều các công trình xây dựng và lực lượng trong ngành xây dựng tăng rất cao, rồi nhiều ngành nghề công nghiệp mới, hóa chất mới… ảnh hưởng đến khả năng kiểm soát các mối nguy tại nơi làm việc. Và một phần nữa chúng tôi cũng không thể không thừa nhận, đó là một bộ phận các doanh nghiệp - chủ sử dụng lao động và cả người lao động chưa nhận thức đầy đủ về công tác ATVSLĐ. Đầu tư chưa thỏa đáng và ý thức chấp hành của cả người sử dụng lao động và người lao động chưa đầy đủ. Chúng ta cần đấu tranh không khoan nhượng với các cơ sở vi phạm.

- Qua công tác thanh tra, kiểm tra công tác ATLĐ tại các DN có thể giúp DN giảm thiểu TNLĐ không? Và liệu còn có tình trạng kiểm tra mang tính hình thức không, thưa ông?

- Công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý chỉ mang tính chất răn đe, chiếm tỷ lệ nhất định chứ không thể hết được. Hiện nay, hệ thống pháp luật của chúng ta hoàn thiện rồi thì việc triển khai và kiểm soát việc tuân thủ pháp luật cần phải tăng cường. Đó là làm sao, thanh tra, kiểm tra ngoài việc phát hiện các vi phạm thì phải xử lý các vi phạm một cách nghiêm khắc, không thể mang tính hình thức. Cần thiết, những tổ chức, cá nhân, những tổ chức nào vi phạm thì rút giấy phép sản xuất hoặc dừng thi công, dừng sản xuất để có thể kiểm soát đến khi nào các điều kiện làm việc tại một vị trí của DN bảo đảm an toàn thì mới tiến hành sản xuất, kinh doanh.

Tất nhiên, tôi vẫn cho rằng để giảm thiểu TNLĐ thì công tác huấn luyện và truyền thông phải là nội dung mà chúng ta phải đầu tư vì đó là nội dung an toàn có chi phí thấp nhất mà hiệu quả nhất. Đặc biệt là việc huấn luyện an toàn, chúng ta phải nâng cao chất lượng, thúc đẩy việc huấn luyện và làm sao các DN phải áp dụng được hệ thống quản lý mà ở đó mỗi người lao động phải được đào tạo về kỹ năng, chuyên môn để họ tự phát hiện được các nguy cơ và việc phối hợp trong doanh nghiệp để phòng những nguy cơ đó. Cùng với đó, chúng ta phải xây dựng được thế hệ doanh nhân và người lao động có thái độ đúng với công tác an toàn, coi trọng con người, bảo vệ con người là yếu tố hàng đầu.

- Thưa ông, mấu chốt của sự việc đã rõ ràng. Vậy thời gian tới ngành LĐ, TB và XH sẽ thực hiện những giải pháp nào để làm giảm thiểu tình trạng vi phạm?

- Trong năm 2018, chúng tôi đã và đang tiến hành nhiều hoạt động như triển lãm tranh về an toàn lao động trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tổ chức các hoạt động chuyên đề như: Tổ chức đối thoại doanh nghiệp; các diễn đàn về an toàn cho lao động trẻ; rồi chương trình tập huấn cho người sử dụng lao động và người lao động về các chính sách, các nội dung về an toàn và kiểm soát môi trường làm việc tại tất cả các ngành và tại các địa phương.

Ngoài ra, các cơ quan quản lý nhà nước sẽ tăng cường các hoạt động thanh tra, kiểm tra về ATVSLĐ để phòng ngừa các vụ tai nạn do các vi phạm pháp luật về an toàn tại nơi làm việc có thể xảy ra, nhất là ở những khu vực trọng điểm và ở các địa phương tập trung nhiều doanh nghiệp, rồi các ngành đang tiềm ẩn nguy cơ như trong xây dựng, cơ khí chế tạo hay trong lĩnh vực xây lắp, sử dụng điện.

- Xin cảm ơn ông!