Không chỉ là thay sức người bằng máy móc

Ông Lê Ðức Thịnh (trong ảnh), Cục trưởng Kinh tế hợp tác (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) chia sẻ, nông nghiệp ở nước ta năng suất thấp, cần phát triển cơ giới hóa một cách đồng bộ theo từng khâu trong chuỗi giá trị hàng hóa.

Không chỉ là thay sức người bằng máy móc

- Thưa ông, liệu mục tiêu đến năm 2030, mức độ cơ giới hóa các khâu trong sản xuất nông nghiệp đạt từ 80 đến 100% có quá tham vọng không?

- Tôi nghĩ, việc đặt ra mục tiêu trên là khả thi. Dĩ nhiên, đi kèm đó là việc chú trọng ban hành những chính sách nhằm đẩy mạnh cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất nông nghiệp. Cụ thể, cần xây dựng các mô hình cơ giới hóa đồng bộ gắn với nâng cao năng lực sơ chế, bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Từ đó rà soát, bổ sung, hoàn thiện và áp dụng hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia nhất là các quy chuẩn kỹ thuật trong quản lý chất lượng máy, thiết bị nông nghiệp.

- Quy mô sản xuất nhỏ lẻ chính là “nút thắt” lớn nhất cản trở quá trình cơ giới hóa nông nghiệp, thưa ông?

- Phải nói là năng suất của nền nông nghiệp nước ta còn thấp. Trong một nền nông nghiệp mà các hộ nông dân vẫn là chủ thể sản xuất chính, quy mô sản xuất nông nghiệp khó tránh khỏi nhỏ lẻ, manh mún. Chính việc ruộng đất canh tác của mỗi hộ manh mún, phân tán khiến cho khó thực hiện cơ giới hóa, hiệu quả không cao.

Ngoài ra, còn phải nói đến sự khác biệt trong quy trình, tập quán, quy mô sản xuất, yêu cầu nông sinh học của các cây trồng khác nhau, ở vùng miền khác nhau. Ðiều đó không chỉ gây ảnh hưởng lớn đến sự phát triển cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp, mà còn đặt ra những yêu cầu đa dạng, phức tạp đối với hệ thống máy và thiết bị nông nghiệp.

Máy, thiết bị dùng trong nông nghiệp là những tài sản có vốn đầu tư ban đầu lớn so với các loại vật tư đầu vào khác như giống, phân bón. Rất ít hộ nông dân có khả năng mua sắm máy móc bằng vốn tự có.  Ðối với nhiều hộ làm dịch vụ cơ khí nông nghiệp, họ chỉ có thể tự mua sắm được loại máy kéo cỡ vừa trở xuống và các máy công tác kèm theo. Còn máy kéo cỡ lớn (hơn 80 HP) và các liên hợp máy phức tạp để cấy lúa, thu hoạch cây lương thực và cây công nghiệp ngắn ngày cũng không đủ khả năng.

Thêm nữa, kết cấu hạ tầng nông thôn chưa phát triển đồng bộ. Một trong những rào cản phát triển cơ giới hóa nông nghiệp là đồng ruộng manh mún, phân tán; giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, hệ thống tiêu và thoát nước chưa phát triển tương ứng để tạo điều kiện thuận lợi cho di chuyển, ứng dụng máy móc nông nghiệp nhất là các máy móc làm đất cơ bản theo yêu cầu thâm canh, máy cấy nhiều hàng, các máy liên hợp thu hoạch, vận chuyển nông sản…

- Theo ông, cần tập trung vào giải pháp nào để tạo đòn bẩy cho cơ giới hóa?

- Chúng ta còn rất nhiều việc phải làm. Như cần xác định tiềm năng, lợi thế của từng vùng, lựa chọn loại máy móc, thiết bị nông nghiệp phù hợp với cây, con; đẩy mạnh công tác dồn điền, đổi thửa tập trung hóa đất đai xây dựng cánh đồng lớn đáp ứng nhu cầu cơ giới hóa; đầu tư nâng cấp, hoàn thiện kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn đáp ứng nhu cầu áp dụng máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp; đầu tư nâng cấp, hoàn thiện kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn phù hợp với việc đưa máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất: quy hoạch, cải tạo, san phẳng đồng ruộng, kiên cố hóa hệ thống tưới, tiêu; giao thông nội đồng và giao thông nông thôn. Ðào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là kỹ năng vận hành và an toàn lao động trong sử dụng máy, thiết bị nông nghiệp, kinh doanh dịch vụ cơ giới hóa phải được đào tạo, huấn luyện và có chứng chỉ nghề nhằm bảo đảm an toàn vệ sinh lao động và hiệu quả sử dụng máy, thiết bị nông nghiệp.

Chúng ta cũng cần khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; từng bước đồng bộ quá trình cơ giới hóa sản xuất theo từng khâu trong chuỗi giá trị sản xuất hàng hóa.

Tiếp nữa là hình thành các tổ chức dịch vụ cơ giới mạnh và chuyên nghiệp ở nông thôn, phân công lại lao động để nâng cao hiệu quả của việc áp dụng cơ giới hóa; xây dựng các cánh đồng cơ giới hóa đồng bộ sản xuất nông nghiệp, trước tiên là với thâm canh các loại cây trồng chính (lúa, mía, ngô, lạc, sắn, rau màu...) ở những vùng sản xuất tập trung, hàng hóa.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!