Khởi nguồn là sự sợ hãi

Những kinh nghiệm thương đau có giá trị hơn mọi lời cảnh báo. Song, nhìn sâu vào những tấm thảm kịch và rút ra những bài học, về bản lĩnh ứng phó với các diễn biến càng lúc càng cực đoan của quá trình biến đổi khí hậu toàn cầu, vẫn còn là hành trình không hồi kết của mọi quốc gia.

Đã từng có một ứng dụng (app)hối hả ra đời năm 2012, mang tên Dò bão (Hurricane Tracker), để cung cấp thông tin cho bất cứ ai sử dụng Iphone trên thế giới, trong thời điểm nước Mỹ run rẩy đón chờ cuộc đổ bộ kinh hoàng của "siêu bão" Xen-đi (Sandy). Cùng lúc, "người khổng lồ công nghệ" Google cho ra mắt một Bản đồ gió, được cập nhật mỗi giờ từ trung tâm dự báo quốc gia. Kênh truyền hình cáp Thời tiết (Weather Channel) phát thẳng các chương trình của mình lên mạng chia sẻ hình ảnh Youtube.

Trong khi ấy, Vệ binh quốc gia và các lực lượng cứu hộ được huy động rộng rãi. Khoảng 375 nghìn người bị bắt buộc sơ tán. Hàng nghìn chuyến bay bị hủy bỏ. Hàng trăm trại tạm trú được thành lập. Lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm được tích trữ. Và các dãy bao cát ngăn lũ xuất hiện ngay tại thành phố Niu Oóc (New York). Cả bờ biển phía đông được đặt trong tình trạng báo động.

Không có gì là thừa thãi. Bão Sandy, ngay trước đó, vừa cướp đi 66 sinh mạng khi tàn phá vùng Ca-ri-bê (Caribbean). Song, chính người Mỹ cũng còn chưa nguôi những kỷ niệm tang thương của mình, với di sản hoang tàn của "siêu bão" Ka-tơ-ri-na (Katrina) năm 2005.

Quy mô đến thế, cẩn thận đến thế, kỹ lưỡng đến thế, mà vẫn có hơn 80 người thiệt mạng, và thiệt hại vật chất lên tới hơn 50 tỷ USD. Một tuần sau, nhịp sống bình thường vẫn chưa thật sự được vãn hồi ở New York. Trận bão lớn nhất từng ập vào nước Mỹ trong cả trăm năm ấy quá khủng khiếp so với những nỗ lực chống đỡ của con người.

Nhưng dù sao, Sandy cũng để lại những hệ quả tích cực. Nó khắc sâu thêm vào ký ức nhân loại một nỗi sợ hãi, đủ để nhận thức rõ ràng những nguy cơ và chủ động lên kế hoạch giảm nhẹ những hậu quả, từ thiên nhiên mỗi lúc một "trái tính trái nết".

Một thí dụ khác, với không ít khía cạnh tương đồng, là Phi-li-pin (Phillippines). Tang tóc mà "siêu bão" Hải Yến (Haiyan) để lại năm 2013 đã trở thành những kinh nghiệm xương máu, để quốc gia ấy đương đầu với "siêu bão" Ram-ma-xun (Rammasun) tám tháng sau hiệu quả hơn nhiều. Dĩ nhiên, Phillippines không có nhiều nguồn lực để huy động như Mỹ. Dĩ nhiên, những thiệt hại nặng nề là không thể tránh khỏi. Tuy vậy, nỗi sợ hãi ít nhất cũng đã dẫn tới thay đổi về nhận thức.

Có điều, không thể cứ đợi đến một "lần đầu tiên" của riêng mình, trả những cái giá thật đắt, rồi mới vận động tư duy. Thảm họa sóng thần ở Nhật Bản năm 2011, hay những cảnh màn trời chiếu đất ở Nê-pan (Nepal) sau các trận động đất liên tiếp mới đây, đòi hỏi mọi quốc gia phải nghiêm túc tự trang bị cho mình những kế hoạch chống chọi với tai họa. Giữa những cơn cuồng nộ của trời đất, làm sao có thể trông chờ bàn tay giúp đỡ của ai khác (dù tương tác quốc tế đã là một thành tố tất yếu của "thế giới phẳng" hiện tại)?

Trái đất đang vận hành mỗi lúc một khắc nghiệt. Ngay tuần này thôi, cả miền Nam Á vừa ngập chìm trong nước lũ, với hàng trăm người chết ở Ấn Độ. Trong khi đó, châu Âu vừa trải qua một mùa hè với nền nhiệt cao nhất từ trước tới giờ.

Loài người đã hành xử thế nào để thiên nhiên phản ứng dữ dội đến mức độ ấy? Và gộp lại tất cả những thảm trạng đơn lẻ, phải chăng đã đến lúc nhân loại bắt đầu học cách thật sự sợ hãi, trước những thành quả nửa vời của nỗ lực cắt giảm khí thải, bảo vệ môi trường toàn cầu?