Khởi nghiệp từ giảng đường

Có thể xóa bỏ tình trạng “đào tạo chay” nặng về lý thuyết bằng cách tạo nên một môi trường học tập gắn liền với thực tế. Nơi mà có ngày càng nhiều sinh viên khởi nghiệp ngay từ khi còn trên ghế giảng đường.

Các sinh viên ngành du lịch tại Nha Trang có lợi thế trong khởi nghiệp vì tiềm năng phát triển du lịch ở đây rất phong phú. Ảnh: MINH HÀ
Các sinh viên ngành du lịch tại Nha Trang có lợi thế trong khởi nghiệp vì tiềm năng phát triển du lịch ở đây rất phong phú. Ảnh: MINH HÀ

Từ một khảo sát nhỏ

Thực tế đã chứng minh, trường học không chỉ là nơi để truyền thụ kiến thức cho sinh viên mà còn là nơi sản sinh ra những ý tưởng kinh doanh và thúc đẩy sự sáng tạo, tiền đề cho các dự án khởi nghiệp. Đã có nhiều mô hình kinh doanh được nảy sinh từ nhu cầu học tập, cá nhân của sinh viên hoặc phục vụ cộng đồng xã hội.

Lợi thế của sinh viên chính là sức trẻ, thích ứng nhanh, không ngại khó và sẵn sàng “làm lại” nếu có thất bại. Riêng đối với sinh viên ngành du lịch, trải nghiệm này lại càng trở nên có giá trị, giúp các bạn trưởng thành và tạo nên một điểm “sáng” trong hồ sơ ứng tuyển với các nhà tuyển dụng.

Trường đại học Khánh Hòa là một trong những cơ sở đào tạo giàu kinh nghiệm và uy tín trong việc cung ứng nguồn nhân lực cho địa phương cũng như khu vực Nam Trung Bộ, trong đó nổi bật là nhân lực du lịch. Hiện nay, số lượng sinh viên đang theo học tại Khoa Du lịch với hai bậc học (đại học, cao đẳng) và nhiều chuyên ngành khác nhau đến con số gần 1.100 sinh viên. Để có nhận định khách quan về năng lực khởi nghiệp sinh viên du lịch, tôi đã tiến hành phát phiếu khảo sát ý kiến sinh viên du lịch thuộc một số ngành học, bậc học và khóa học điển hình.

Kết quả điều tra phản ánh phần nào thực trạng nhận thức hạn chế của sinh viên về sự cần thiết của việc đào tạo năng lực khởi nghiệp. Theo đó, phần lớn sinh viên chỉ nghe thông tin về khởi nghiệp từ các kênh thông tin bên ngoài, chưa được truyền đạt và đào tạo các kiến thức về khởi nghiệp một cách bài bản, hệ thống và khoa học. Một bộ phận sinh viên xem khởi nghiệp là một khái niệm xa lạ, không liên quan ngành nghề sau này. Nhiều sinh viên chưa thật sự nhận thức rõ mức độ cần thiết của việc tăng cường năng lực khởi nghiệp nhằm đáp ứng cho việc thích nghi với tình hình mới - tức thời kỳ công nghệ số.

Đến ý tưởng học phần “Khởi nghiệp”

Để tạo nên những thế hệ người trẻ dám khởi nghiệp sớm, nhà trường đóng vai trò vô cùng quan trọng. Trước hết, nhằm nâng cao nhận thức của sinh viên về sự cần thiết của khởi nghiệp đối với chính bản thân sinh viên, nhất là trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, nên chăng đưa môn học Khởi nghiệp vào chương trình đào tạo nhằm cung cấp kiến thức mang tính nền tảng và hệ thống. Bên cạnh đó, tăng cường các buổi tư vấn, tọa đàm, thảo luận mang tính hướng nghiệp thiết thực. Từ đó, sinh viên có thể quan tâm và tự ý thức phải nâng cao khả năng của bản thân.

Nhà trường cũng cần thiết lập kênh thông tin (fanpage, link tư vấn...) giải đáp cho sinh viên những vướng mắc có thể gặp phải khi khởi nghiệp, giúp ổn định tâm lý, tìm hướng giải quyết khi khó khăn, cũng như chia sẻ kinh nghiệm kinh doanh. Thêm vào đó, nhà trường có thể đưa những đường link kết nối giúp các sinh viên nghiên cứu hành lang pháp lý liên quan khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, sở hữu trí tuệ…

Môn học này sẽ xây dựng các tình huống khởi nghiệp mô phỏng dựa trên kiến thức kinh doanh cơ bản và các tình huống sưu tầm từ các start-up, các chuyên gia, các doanh nhân trẻ, có thể xây dựng bằng các học liệu hoặc ứng dụng tại bài giảng e-learning để thuận tiện cho sinh viên có thể tham gia bất cứ lúc nào khi đã đăng ký tài khoản hoạt động và có thể kiểm tra đầu ra bằng các biện pháp xử lý tình huống, giải quyết vấn đề.

Bên cạnh đó, cần tăng cường các kiến thức và kỹ năng bổ trợ để sinh viên rèn luyện. Việc hướng dẫn sinh viên tạo lập mục tiêu khởi nghiệp vừa sức nhưng vẫn mang hướng phát triển là điều cần thiết. Điều này cần sự trợ giúp của các nhà kinh tế, sự liên kết giữa các trường đào tạo khối ngành kinh tế và khối ngành không phải kinh tế thông qua các buổi giao lưu sinh viên khởi nghiệp giữa các trường, các tổ chức hiệp hội, hoặc các chuyên gia trong lĩnh vực này.

Nâng cao kỹ năng công nghệ trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 cho sinh viên du lịch để họ làm chủ công nghệ và tận dụng lợi thế từ sự phát triển của thời đại. Nhà trường cần tạo điều kiện để sinh viên tiếp cận công nghệ, cung cấp các tài liệu số để sinh viên tìm hiểu và vận dụng khởi nghiệp sau khi ra trường. Việc tận dụng lợi thế từ mạng xã hội, các công cụ tìm kiếm… sẽ giúp việc marketing, bán hàng… trong giai đoạn khởi nghiệp của sinh viên ngành du lịch gặp nhiều thuận lợi.

Thiết lập các phương thức tiếp cận các kiến thức kinh doanh, có thể dưới dạng tiếp cận một start-up hoặc kho sách, hoặc giới thiệu đầu sách, nội dung sách, ebook… giúp sinh viên du lịch tiếp cận mọi lúc mọi nơi, mọi đối tượng trên cơ sở tài khoản đăng ký. Điều này không chỉ trang bị kiến thức khởi nghiệp mà còn nâng cao nhận thức, tiếp cận bài học về sự kiên trì nỗ lực, cũng như hứng thú, đam mê thúc đẩy sinh viên khởi nghiệp.

Thành lập diễn đàn khởi nghiệp hoặc câu lạc bộ khởi nghiệp cho sinh viên du lịch nhằm tăng cường sự tự tin, phát huy tính sáng tạo, mang lại cơ hội giao lưu và học hỏi kinh nghiệm giữa sinh viên với các anh chị cựu sinh viên đã khởi nghiệp thành công.

Cách mạng công nghiệp 4.0 ra đời đã tác động đến nhiều lĩnh vực ngành nghề mà du lịch Việt Nam đã và sẽ là một trong những ngành có sự thay đổi mạnh mẽ. Việc chú trọng tăng cường và phát triển năng lực khởi nghiệp cho sinh viên ngành du lịch thông qua hoạt động đào tạo tại trường vừa mang tính cấp thiết, vừa góp phần nâng cao chất lượng đào tạo du lịch.

LẠI CẨM CHIÊU

Giảng viên Trường đại học Khánh Hòa