Khi những dự án được hồi sinh

Mức vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đổ vào bất động sản (BÐS) TP Hồ Chí Minh tăng cao kỷ lục đã góp phần tạo động lực tăng trưởng mới cho thị trường. Nhiều dự án bị ngừng triển khai do thiếu vốn, giải phóng mặt bằng dở dang, đã được kích hoạt trở lại.

Khách hàng tìm hiểu dự án được đầu tư bằng vốn nước ngoài tại quận 7, TP Hồ Chí Minh.
Khách hàng tìm hiểu dự án được đầu tư bằng vốn nước ngoài tại quận 7, TP Hồ Chí Minh.

Sự nhộn nhịp của dòng vốn ngoại

Sau khi được Quỹ đầu tư Creed Group (Nhật Bản) rót 200 triệu USD, An Gia Investment đã hoàn toàn lột xác, trở thành doanh nghiệp BÐS hàng đầu tại TP Hồ Chí Minh. Khi có vốn, DN này mạnh dạn mua lại, đầu tư vào hàng loạt dự án đang khó khăn về tài chính như: The Garden, River City, Lacasa… Trong các vụ M&A này, đáng chú ý nhất là việc thâu tóm bảy block thuộc dự án khu phức hợp Lacasa từ tay Tập đoàn Vạn Phát Hưng, với tổng vốn đầu tư khoảng 3.500 tỷ đồng. Dự án này được hồi sinh không chỉ giúp An Gia thu lợi nhuận khổng lồ mà còn giải quyết được hàng ngàn căn hộ tồn kho trong nhiều năm trời.

Tương tự, cuối tháng 7-2018, nhà phát triển BÐS 100% vốn nước ngoài Alpha King đã giới thiệu đồng thời ba dự án BÐS ở quận 1 (TP Hồ Chí Minh), gồm căn hộ dịch vụ hạng sang, tòa nhà văn phòng hạng A Alpha Town, và khu phức hợp Alpha City. Trong khi Tập đoàn Lotte (Hàn Quốc) đã hoàn tất thủ tục đầu tư dự án Thu Thiem Eco Smart City tại Khu đô thị (KÐT) mới Thủ Thiêm với tổng chi phí thực hiện 20.100 tỷ đồng. Cũng tại KÐT mới Thủ Thiêm, dự án Tháp quan sát Empire City với tổng vốn đầu tư 1,2 tỷ USD cũng đang được triển khai xây dựng và dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2022. Chủ đầu tư dự án này là liên doanh 50-50% giữa đối tác trong nước (CTCP Bất động sản Tiến Phước, Công ty TNHH BÐS Trần Thái) và đối tác nước ngoài là Công ty Denver Power Ltd (Anh) thuộc Tập đoàn tài chính Gaw Capital Partners. Ngoài ra, dự án có tổng vốn đầu tư hơn 400 triệu USD mang tên Thủ Thiêm River Park cũng đang được triển khai do Hong Kong Land (HKL) và CTCP Ðầu tư hạ tầng kỹ thuật TP Hồ Chí Minh (CII) hợp tác phát triển...

Không chỉ hấp dẫn các nhà đầu tư (NÐT) mới, thị trường BÐS của thành phố vẫn là "miếng bánh ngon" khiến cho những DN đầu tư vào thị trường Việt Nam nhiều năm về trước như: CapitaLand, Keppel Land, Mapletree, Gamuda Land… cũng tăng tốc đầu tư các dự án mới hoặc mở rộng quy mô các dự án hiện hữu. Một số quỹ đầu tư cũng được mở ra dưới hình thức liên kết với DN nội như: Quỹ Creed Group, Mitsubishi, Sanyo Homes, Daiwa House Group, Sumitomo Forestry Group… Các nhà FDI đầu tư thường theo ba phương thức là góp vốn, mua cổ phần DN, cho vay vốn đầu tư và cho ra đời những dự án mang dòng vốn ngoại. Những dự án này có giá luôn cao hơn những dự án cùng phân khúc do DN trong nước phát triển.

Vẫn cần cẩn trọng!

Theo ông Sử Ngọc Anh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Ðầu tư TP Hồ Chí Minh, dịch vụ kinh doanh BÐS vẫn thu hút được nhiều vốn đầu tư, nhất là bởi các chủ đầu tư muốn đón đầu nhu cầu thuê nhà vẫn tiếp tục tăng cao. Việc chính quyền thành phố đang triển khai thực hiện thành phố thông minh, KÐT sáng tạo và chuyển đổi mục đích sử dụng đất hơn 26.000 ha sẽ góp phần tạo thêm điều kiện cho thị trường BÐS phát triển, thu hút dòng vốn FDI.

Ðặt trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước (NHNN) yêu cầu giảm vốn tín dụng vào những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như BÐS, thì vốn từ FDI sẽ phát huy vai trò "bà đỡ" cho các dự án. Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Ðinh Thế Hiển vẫn lưu ý, các cơ quan quản lý cần giám sát, kiểm tra để dòng vốn chảy đúng hướng, đạt hiệu quả. Ðồng quan điểm, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BÐS TP Hồ Chí Minh cho rằng: Ðằng sau những con số FDI "đẹp như mơ", vẫn cần phải cẩn trọng khi lựa chọn đối tác nước ngoài, bởi có không ít những dự án sau khi ồn ào ký kết thì vẫn trì trệ, thậm chí chưa được triển khai. Ðiển hình như siêu dự án trung tâm tài chính Việt Nam (VFC) tại TP Hồ Chí Minh tuy được cấp phép từ tháng 2-2008 nhưng cho đến nay dự án vẫn chưa được triển khai. Hay dự án KÐT Tây Bắc của Tập đoàn Berjaya sau 10 năm công bố, cho đến giờ vẫn chỉ là bãi đất hoang, không có dấu hiệu sẽ được xây dựng. Ðể tránh tình trạng này, theo ông Châu, các DN bất động sản Việt Nam nên lựa chọn các NÐT nước ngoài có uy tín, kinh nghiệm. Bên cạnh việc hợp tác với các NÐT đến từ Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Xin-ga-po, thời gian tới, DN trong nước nên tìm thêm nguồn FDI từ châu Âu và Mỹ.

Ðiều đáng nói nữa, cơ quan quản lý của thành phố cần chủ động đánh giá lại các dự án chậm triển khai để có động thái quản lý tiếp theo cho phù hợp. Căn cứ vào Luật Ðất đai, cần kiên quyết thu hồi các dự án chậm tiến độ để đấu giá tìm NÐT tiềm năng, phù hợp hơn thay vì việc dễ dàng chấp thuận cho DN điều chỉnh quy hoạch. Ðặc biệt, để tránh các NÐT ngoại yếu kém, cơ quan quản lý của Việt Nam có thể thông qua việc của mở một tài khoản trung gian, yêu cầu NÐT ký quỹ, đặt cọc một số vốn.

Muốn thị trường BÐS phát triển bền vững, dòng vốn ngoại đóng vai trò không nhỏ, nhưng ứng xử với nó như thế nào là điều các nhà quản lý cần phải chủ động hơn nữa. Và bản thân các DN trong nước khi chọn lựa đối tác cũng cần có sự tỉnh táo nhất định để không bị kẹt vào tình thế "tiến thoái lưỡng nan" như cái giá mà không ít DN đang phải trả.