Khi nhà đầu tư… "bỏ cọc"

Theo Tổng công ty Ðầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), tiến độ thoái vốn đang bị chậm tiến độ. Ðơn vị này đã hoàn chỉnh thủ tục đối với bảy doanh nghiệp, đã bán được vốn tại năm đơn vị, và có hai trường hợp nhà đầu tư chấp nhận… bỏ cọc không mua. Nghịch lý hàng tốt lại ế ẩm, tiếc thay, vẫn tồn tại.

Petrolimex một lần nữa xin đề xuất lùi thời điểm thực hiện việc thoái vốn, giảm tỷ lệ sở hữu Nhà nước sang giai đoạn 2019 - 2020. Ảnh: THÚY HÀ
Petrolimex một lần nữa xin đề xuất lùi thời điểm thực hiện việc thoái vốn, giảm tỷ lệ sở hữu Nhà nước sang giai đoạn 2019 - 2020. Ảnh: THÚY HÀ

"Mang đến lại mang về"

Theo Chủ tịch Hội đồng thành viên SCIC Nguyễn Ðức Chi, có thể tạm yên tâm với những con số cho thấy, tuy không đạt về tiến độ CPH, thoái vốn tại DNNN, nhưng số tiền thu về khá thành công. Sở dĩ có thể cổ phần tại một số DNNN với giá "10 chấm, thậm chí có cái lên 28 chấm" là do việc bán vốn được triển khai sớm và "đẩy" ra trong lúc thị trường hưng phấn.

Ðược biết, tổng số tiền thu từ CPH, thoái vốn từ 2016 đến nay đạt 198 nghìn tỷ đồng, gấp hai lần so với 5 năm trước đó. Có được kết quả này nhờ vào sức hấp dẫn của chính các "món hàng" được đem bán như Sabeco, VinaMilk - hai công ty đầu ngành trong lĩnh vực sữa và sản xuất bia, đồng thời, Nhà nước đã mạnh dạn giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần (dưới 51%) và tổ chức đấu thầu minh bạch.

Nhưng, người đứng đầu của SCIC đã phải dùng hình ảnh "mang đến lại mang về" để mô tả một thực tế ảm đạm, khi mà rất nhiều doanh nghiệp được SCIC đem bán tới… 7-8 lần mà không có kết quả.

Ðiển hình có thể thấy một số doanh nghiệp bán vốn chưa đạt yêu cầu như Tập đoàn Cao-su Việt Nam, thương vụ IPO của Tổng công ty Phát điện 3. Ðợt thoái vốn của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông VNPT tại Ngân hàng TMCP Hàng Hải cũng thất bại khi không có nhà đầu tư đăng ký mua; Phiên đấu giá cổ phần của VTVCab mới đây cũng phải hủy bỏ do đến hết thời hạn đăng ký và đặt cọc chỉ có một nhà đầu tư đăng ký tham dự đấu giá. Cái tên đình đám hơn như đợt chào bán quyền mua cổ phần của Vietnam Airlines do Bộ Giao thông vận tải thực hiện cũng thất bại do tổng lượng quyền mua cổ phần của hãng hàng không này được đặt mua hợp lệ chỉ bằng 0,07% tổng khối lượng chào bán. Bối cảnh không mấy thuận lợi khiến những cái tên dự kiến thực hiện thoái vốn trong năm 2018 như Công ty nhựa Thiếu niên Tiền Phong, Công ty Dược Domesco… đều phải xin hoãn lại.

Mới nhất, với lý do diễn biến thị trường không thuận lợi, Petrolimex cũng xin đề xuất lùi thời điểm thực hiện việc thoái vốn, giảm tỷ lệ sở hữu nhà nước tại Tổng công ty này sang giai đoạn 2019 - 2020, thay vì theo đúng lộ trình năm 2018.

Gỡ "nghẽn" từ đâu ?

Ngoài việc xin giãn thời hạn thoái vốn, Petrolimex cũng đề xuất được mở room ngoại cho Tổng công ty lên 49%, thay vì chỉ khoảng 20% vốn điều lệ như đã được duyệt. Doanh nghiệp trên lý giải, động thái này giúp tạo điều kiện thuận lợi để triển khai thành công việc giảm tỷ lệ sở hữu nhà nước tại DN này.

Nhìn ngược trở lại có thể thấy, đây không phải lần đầu Petrolimex kiến nghị nới room. Cách tính của doanh nghiệp là: Nếu theo tỷ lệ cho phép tối đa của Chính phủ là 20%, thì tỷ lệ còn lại dành cho nhà đầu tư nước ngoài hiện chỉ còn hơn 9%, tương đương 116 triệu cổ phiếu. Tỷ lệ 9% này quá nhỏ không đủ hấp dẫn và khó thu hút được dòng vốn ngoại đầu tư mua cổ phiếu của Petrolimex.

Cần nhớ, tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tài chính Việt Nam - Hàn Quốc hồi tháng 4-2018, bàn đón tiếp nhà đầu tư của SCIC đã thu hút sự quan tâm lớn nhất của các nhà đầu tư xứ kim chi. Hàng loạt cái tên "khủng" trong giới tài chính Hàn Quốc như Shinhan Financial Group, KB Insurance, Hanwha Life Insurance, Hanwaha Asset Invesments, Lotte Beveragat, Lotte Cinema, Daewoong Pharmaceutical... đã tập trung tìm hiểu cơ hội đầu tư tại đây.

Ông Nguyễn Chí Thành, Phó Tổng Giám đốc phụ trách SCIC chia sẻ: Các nhà đầu tư đều muốn mua với số lượng lớn để đi đường dài cùng doanh nghiệp Việt Nam. Họ mong muốn được nới room, áp dụng phương pháp chào bán dựng sổ hoặc chào bán chiến lược riêng, để tăng cơ hội tìm hiểu sâu hơn, hợp tác lớn tại các doanh nghiệp.

Có thể thấy rõ những doanh nghiệp có vốn của SCIC đang kinh doanh hiệu quả và thường đi đầu trong lĩnh vực hoạt động của mình, dĩ nhiên trở thành đích ngắm của nhiều tập đoàn nước ngoài. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang trông chờ các đợt CPH, thoái vốn nhà nước tại Việt Nam để có cơ hội mua được số lượng lớn cổ phần.

Rõ ràng, "cầu" của thị trường, đặc biệt là các doanh nghiệp ngoại, đối với phần vốn Nhà nước tại các DNNN là rất lớn. Bởi chúng ta cũng có những "món hàng" tốt, được các nhà đầu tư trong và ngoài nước "săn đón". Vấn đề chỉ là làm cách nào để những "món hàng tốt" ấy được chủ hàng đưa ra thị trường đúng thời điểm, đúng cách và đúng mục tiêu.

Do đó, nếu giải được bài toán này, thì vốn sẽ thoát, mục tiêu CPH và thoái vốn sẽ khả quan hơn nhiều chứ không "èo uột" như nhận định của GS, TS Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho rằng: Cổ phần hóa DNNN hiện chỉ lớn về mặt số lượng khi 96,5% số DNNN được CPH nhưng trên thực tế chỉ khoảng 8% số vốn trong các DNNN được CPH, chuyển giao cho khu vực tư nhân.