Khát vọng đi cùng thế giới

Ngày Doanh nhân Việt Nam (13-10) năm nay khá đặc biệt với nhiều doanh nghiệp. Dịch Covid-19 vẫn gây những tác động khó lường đến nền kinh tế nói chung và sự sống còn của từng doanh nghiệp nói riêng, nhưng cái khó không thể bó được khát vọng hội nhập của giới doanh nhân Việt. Với họ, kinh doanh đã trở thành sứ mệnh lớn lao hơn dòng lợi nhuận thu về cho doanh nghiệp (DN).

Để phát triển bền vững không thể thiếu sự đóng góp của doanh nghiệp, và ngược lại, doanh nghiệp cần phát triển bền vững để bảo đảm tương lai của chính mình. Nguồn: VBCSD
Để phát triển bền vững không thể thiếu sự đóng góp của doanh nghiệp, và ngược lại, doanh nghiệp cần phát triển bền vững để bảo đảm tương lai của chính mình. Nguồn: VBCSD

Dòng chảy kinh doanh không dừng lại

Chỉ hai tháng sau khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên hiệp châu Âu-EU (EVFTA) có hiệu lực, 700 triệu USD hàng hóa từ nước ta đã đến EU bằng giấy thông hành mang tên EVFTA. Thủy sản có số đơn hàng tăng cao nhất, khoảng 10% so tháng 7-2020, trong đó xuất khẩu tôm tháng 8-2020 tăng 15,7% so cùng kỳ năm 2019 và đạt mức tăng trưởng cao nhất kể từ đầu năm nay. Mặt hàng gạo cũng có dấu hiệu khả quan khi giá gạo xuất khẩu của Việt Nam vào EU đã tăng phổ biến từ 80-200 USD/tấn so thời điểm trước khi EVFTA có hiệu lực. “Nói Covid-19 không làm khó chúng tôi thì không đúng, chúng tôi cũng gồng mình lên, vì nhu cầu thị trường giảm, gián đoạn chuỗi cung ứng nhưng vẫn phải lo 9.000 lao động, chủ yếu là lao động phổ thông. Cuộc sống không thể dừng lại, nhưng đại dịch như một phép thử và nếu các doanh nghiệp (DN) không có sự chuẩn bị từ trước, không có chiến lược phát triển bền vững một cách thật sự, thì sẽ không thể có các con số trên”, bà  Nguyễn Trà My, Phó Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Tập đoàn PAN (PAN Group) chia sẻ quan điểm. 

PAN Group đang đứng thứ hai Việt Nam về xuất khẩu tôm. Tháng 8, Công ty thực phẩm Sao Ta, thành viên của PAN Group thậm chí tự phá kỷ lục trước đó về doanh thu xuất khẩu tôm, với 23,6 triệu USD, mức kỷ lục trong lịch sử 25 năm hoạt động của Sao Ta. Lý giải về cú ngược dòng này của Sao Ta, bà Trà My cho rằng, tầm nhìn dài hạn, bền bỉ, kiên định với lựa chọn phát triển bền vững là chìa khóa. “Trong thời điểm xuất hiện dịch, đối tác nhập khẩu không thể sang Việt Nam kiểm tra hàng như thông lệ, nhưng họ vẫn quyết định nhập hàng của Sao Ta. Vì họ tin vào những gì chúng tôi tuân thủ bao nhiêu năm qua, từ truy xuất nguồn gốc, các chứng chỉ về sản phẩm đến tuân thủ các quy định pháp luật về môi trường, về lao động, về trách nhiệm xã hội... ”, bà Trà My nhấn mạnh.

Khát vọng đi cùng thế giới -0
Xuất khẩu tôm đạt mức tăng trưởng cao nhất kể từ đầu năm nay.  

Rõ ràng, phát triển bền vững trong DN chưa bao giờ là giáo điều. Đáng nói, sự tuân thủ các chuẩn mực, đạo đức kinh doanh, tầm nhìn dài hạn trong các chiến lược phát triển của các DN đã tạo nên sức hút với dòng vốn của các quỹ đầu tư, sức hút với khách hàng… 

Khát vọng từ tâm

Ông Võ Trí Thành, Viện trưởng Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh chưa bao giờ hào hứng nói về khát vọng Việt Nam đến vậy. “Có người nói, đó chỉ là ngôn từ, nhưng tôi cảm nhận phần chân thật rất rõ khi các doanh nhân nói về khát vọng tiến lên, đi cùng với thế giới. Những thay đổi của thế giới, chuyển động của xu hướng lớn về phát triển cho phép người Việt nghĩ tới việc hiện thực hóa khát vọng này”, ông Thành nói.

Tất nhiên, không thể né tránh, dịch bệnh đang khiến nhiều DN lao đao. Có tới 78 nghìn DN đã phải dừng lại, có thời hạn hoặc rút lui khỏi thị trường trong chín tháng năm 2020. Trong đó phải kể đến nhiều DN lớn vừa phải thông báo thay đổi các kế hoạch kinh doanh đầy tham vọng trước đó. Nhưng, sự linh hoạt, nỗ lực vượt khó để đồng hành với Chính phủ trong thực thi các biện pháp kiểm soát dịch bệnh... trong giai đoạn Covid-19 của DN đã phần nào thể hiện khát vọng muốn vươn lên. 

Doanh nhân Việt Nam, cũng như người Việt, đã có những trải nghiệm không phải ở nền kinh tế nào cũng có được. Thế hệ doanh nhân đầu tiên sau Đổi mới, nhiều người ra đời trong chiến tranh, lớn lên trong bao cấp, bị thúc ép làm kinh doanh để thoát nghèo, là nhân chứng trong cuộc của gần như toàn bộ quá trình đổi mới, hội nhập kinh tế của Việt Nam. 

Thế hệ thứ hai, một phần là những người kế nghiệp, nhưng phần lớn là người chọn kinh doanh là sự nghiệp, được đào tạo bài bản, tiếp cận với tư duy kinh doanh hiện đại, chuyên nghiệp...

Thế hệ khởi nghiệp sáng tạo đang bừng dậy với nhiều khát vọng được trải nghiệm, được cống hiến.

Điều quan trọng, họ đã trải qua nhiều giai đoạn để thấy, không chỉ có một Việt Nam với một Việt Nam, mà là một Việt Nam đang cải cách, đang chuyển đổi, đang hội nhập với thế giới. 

Nói về các thế hệ doanh nhân Việt Nam, ông Võ Trí Thành cho rằng: “Nói một cách khách quan, chính những tác động thậm chí là tiêu cực từ môi trường kinh doanh toàn cầu chịu ảnh hưởng dịch Covid-19 khiến các DN Việt bị đặt vào thế phải cạnh tranh, phải thêm chi phí tuân thủ, đào tạo lại, tái cấu trúc..., thậm chí có ngành còn bị đẩy vào thế kẹt, nhất là trong giai đoạn ngắn hạn. Có thể bối cảnh ấy sẽ có không ít DN Việt Nam thua cuộc do năng lực cạnh tranh kém hơn. Tuy nhiên, lần nào cũng vậy, tôi thấy sự hồ hởi khi một hiệp định thương mại tự do mới được Chính phủ ký kết. Không có khát vọng vươn lên truyền lửa qua các thế hệ doanh nhân, tôi tin sẽ không có được tinh thần tích cực như vậy”. 

Cần chung nhịp đập 

Khoảng 10 năm trở lại đây, Việt Nam đang có những nỗ lực chuyển mình mạnh mẽ. Có thể nói, nhu cầu cần một mô hình tăng trưởng phù hợp với xu hướng mới của thế giới là hết sức rõ nét. 

Mới đây, tờ Asia Times đã gọi Việt Nam là một ngoại lệ với mức tăng trưởng ấn tượng, nhờ các biện pháp chống dịch nhanh chóng và hiệu quả. Còn ngân hàng HSBC tin rằng, Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng nhanh nhất khu vực vào năm 2021. Nhiều tập đoàn đa quốc gia cũng đang tìm đến Việt Nam như một điểm đến an toàn, hấp dẫn.

Theo ông Võ Trí Thành, giới kinh doanh nhìn thấy những chuyển động tích cực ở những nét lớn trong các chiến lược cải cách, đổi mới. “Nhưng chính trong lúc này, nhiều DN vẫn nói, cứu mình trước khi trời cứu. Phải chăng họ chưa thật sự cảm nhận được sự đồng hành của môi trường kinh doanh, của thể chế chính sách. Tính thiếu quyết liệt trong thực thi, kể cả trong  tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng và cả trong thực hiện các gói hỗ trợ DN bị tác động bởi dịch bệnh lúc này đã khiến giới kinh doanh chưa cảm nhận rõ nỗ lực đồng hành của bộ máy quản lý nhà nước, khiến niềm tin kinh doanh đôi lúc trồi sụt”, ông Thành chia sẻ. 

Tất nhiên, là doanh nhân, dù ở trạng thái nào, họ sẽ vẫn phải bươn chải để tồn tại. Các DN đang thay đổi nhanh về cách ứng xử, về cả tầm nhìn ở góc độ linh hoạt, sáng tạo và tốc độ. Thậm chí, giới khởi nghiệp (start-up) Việt đã có sự lớn lên về kinh nghiệm, lớn lên về ý chí, khát vọng, lớn lên về cách làm kinh doanh. “Nhưng một điều kiện tiên quyết không thể thiếu để hiện thực Khát vọng Việt đó chính là cần có môi trường kinh doanh thuận lợi, ít rủi ro, có thể tiên liệu được sẽ hậu thuẫn cho sự lớn lên này”, ông Thành nói.

Tổ chức chuyên đề: Lưu Hương, Lê Đức Nghĩa.