Huyền thoại và ký ức

Ðã hơn bốn thập niên rồi, những cánh rừng đại ngàn Trường Sơn im tiếng súng. Nhưng, ký ức hào hùng, bi tráng của một thời đạn lửa, “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” vẫn vẹn nguyên trong ký ức các cựu chiến binh. Và, tầm vóc vĩ đại của kỳ tích thế kỷ ấy, mỗi ngày, càng được tô đậm, kỳ vĩ hơn trong góc nhìn của hậu thế.

Huyền thoại và ký ức

Những trục đường bất tử

Tuy “không có cái vinh dự được là một trong những người đầu tiên đi trên chặng đường này” như lời ông bộc bạch, song “cũng không đến nỗi muộn mằn”, bởi trong khói lửa chiến tranh, anh “Bộ đội Cụ Hồ” Vũ Ngọc Khôi đã vượt Trường Sơn để vào chiến trường lớn miền nam chiến đấu. Sau ngày 30-4-1975, người cựu chiến binh ấy lại cần mẫn học hành rồi làm thầy giáo và viết văn lấy bút danh Hoàng Khôi. Như một cơ duyên, hay chính núi rừng Trường Sơn hùng vĩ đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho ông trở đi trở lại chiến trường xưa nhiều lần rồi tượng hình tác phẩm “Ngàn dặm Trường Sơn”, tập bút ký nghiên cứu, được NXB Văn hóa ấn hành năm 1984, sau đó sách được tái bản nhiều lần và dịch sang tiếng Anh với tên “The Hồ Chí Minh Trail”.

Bằng tư liệu riêng có và những năm tháng chiến đấu, nghiên cứu ở Trường Sơn, cựu chiến binh Hoàng Khôi dẫn dắt chúng tôi về những ngày đầu lịch sử của Ðoàn 559, khi những chiến sĩ đầu tiên được giao nhiệm vụ luồn lách, nghiên cứu lối mới, đường mới để mở con đường bí mật tiếp tế cho tiền tuyến lớn miền nam. Ðó là những trang lý lịch đầu tiên của đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại thời kỳ chống Mỹ, cứu nước, được viết bởi những tổ/đội xoi đường khoảng 15 người trở lại. Họ là những chiến sĩ đã được lựa chọn hết sức kỹ càng về thể lực, lý tưởng chiến đấu, kỹ thuật tác chiến… Cứ thế, người trước ngã xuống, người sau vùng lên tiếp bước, chỉ với niềm tin chiến thắng cùng ý chí sắt đá phải thống nhất non sông.

Nhắc đến những hy sinh, gian khổ, Thiếu tướng, Anh hùng LLVTND Hoàng Kiền, Phó Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh Việt Nam, rưng rưng: “Hơn bốn triệu tấn bom đạn đánh phá xuống Trường Sơn chiếm hơn một nửa số bom đạn Mỹ đã sử dụng trên chiến trường Ðông Dương. Chúng dùng thủ đoạn tạo ra hàng loạt trọng điểm trên khắp Trường Sơn để cắt đứt sự vận chuyển chi viện cho chiến trường, trong đó điển hình nhất là Ðường 20 Quyết thắng. Ðây là một trục ngang dài hơn 120 km từ Ðông Trường Sơn vượt biên giới Việt - Lào sang Tây Trường Sơn, tuyến đường có ý nghĩa hết sức quan trọng. Nơi đây đã diễn ra cuộc đánh phá bằng bom đạn của không quân Mỹ ác liệt nhất trong lịch sử chiến tranh của nhân loại. Rất nhiều chiến sĩ đã hy sinh anh dũng ở đây. “Sau này, trong một lần vào làm việc với Bộ Tư lệnh Trường Sơn, Ðại tướng Võ Nguyên Giáp bày tỏ sự thán phục, Ðại tướng gọi Ðường 20 Quyết thắng là một “kỳ công - kỳ tích - kỳ quan”.

Huyền thoại trong huyền thoại!

“Nếu Ðường Trường Sơn là huyền thoại thì đường ống xăng dầu là huyền thoại trong huyền thoại đó”, đây là đánh giá của Tư lệnh Ðồng Sỹ Nguyên lúc sinh thời, khi nhắc đến chiến công của cán bộ chiến sĩ đường ống xăng dầu.

Gặp Thiếu tướng, TS Hồ Sỹ Hậu trong một căn hộ chung cư ở Thanh Xuân (Hà Nội), ông tặng chúng tôi cuốn tiểu thuyết tư liệu “Dòng sông mang lửa” của ông dày hơn 600 trang do NXB Hội Nhà văn ấn hành. Tác phẩm được nhiều ý kiến đánh giá như một biên niên sử về Bộ đội đường ống Trường Sơn.

Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu kể lại, ông là một trong 18 kỹ sư chuẩn bị tốt nghiệp đại học thì được gọi vào chiến trường. Sau đó, ông và bảy kỹ sư khác là những người đầu tiên trực tiếp thiết kế, thi công hệ thống đường ống xăng dầu cho Trường Sơn. Tính từ khi “đặt chân” lên tuyến vận tải quân sự Trường Sơn (1968) đến ngày toàn thắng (1975), Bộ đội đường ống Trường Sơn đã thi công, quản lý, vận hành 1.660 km tuyến ống (gồm cả tuyến nội bộ kho), 60 kho xăng với trữ lượng 32.000 m3.

Suốt cuộc chiến tranh, các kỹ sư, cán bộ kỹ thuật và cán bộ chiến sĩ đường ống có rất nhiều sáng kiến góp phần tạo nên thắng lợi, như: sáng tạo cách lắp ống vượt sông suối mà không có sự hỗ trợ của cơ giới; dùng phương pháp tự chảy trong thiết kế kho và cấp phát, nhờ đó không cần máy bơm mà giữ được bí mật kho, nhất là trong điều kiện máy bay AC130 sử dụng thiết bị hồng ngoại phá hủy phần lớn xe đang chạy trên đường; dùng téc xăng lắp trên đường ống phụ, để đất cát trong ống do bom đánh lắng xuống trước khi vào trạm bơm, dùng dạ chăn chiên thay cho vòng bi 304 khi không có vòng bi thay thế bảo vệ trục máy bơm…

Nhắc nhớ về một thời trận mạc, cựu chiến binh Nguyễn Thị Hồng Loan, chiến sĩ thông tin, lại nhớ về những mất mát, hy sinh của đồng đội. Trong ký ức của bà, những năm tháng tuổi trẻ ấy gắn liền với những cánh rừng xanh tươi rồi trụi lá vì chất độc hóa học, những cuộc tránh bom rải thảm, những cái chết bất ngờ, tức tưởi của đồng đội, với ý chí và nghị lực sống phi thường…

Những cung đường Trường Sơn oanh liệt và gian nan.

Một binh chủng đã làm nên kỳ tích như Bộ đội đường ống Trường Sơn nhưng chưa có ai được vinh danh anh hùng. Vẫn biết, những người anh hùng không bao giờ hành động để lấy tiếng riêng cho bản thân mình. Nhưng, mong sao tinh thần của các chiến sĩ Bộ đội Trường Sơn năm xưa sẽ được tôn bồi, tiếp lửa truyền thống bởi các thế hệ hôm nay và mai sau.

Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu