Hướng tới xuất khẩu lao động chất lượng cao

NDO - Hiện có khoảng 500 nghìn lao động Việt Nam làm việc ở hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, có đến 70% trong số này chỉ là lao động giản đơn. Khắc phục những yếu kém về chất lượng nguồn nhân lực, đồng thời đẩy mạnh công tác quản lý, hoàn thiện hệ thống pháp luật, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường lao động quốc tế là điều vô cùng cần thiết.
Trường cao đẳng nghề kỹ thuật công nghệ Dung Quất (Quảng Ngãi) nơi đào tạo nguồn nhân lực trong nước và nước ngoài.   Ản
Trường cao đẳng nghề kỹ thuật công nghệ Dung Quất (Quảng Ngãi) nơi đào tạo nguồn nhân lực trong nước và nước ngoài.   Ản

Hạn chế phổ biến

Ðược đi làm việc ở những nước có thu nhập cao là ước mơ của phần lớn người lao động (NLÐ) Việt Nam. Trong khi đó, hoạt động xuất khẩu lao động (XKLÐ) của ta còn quá nhiều hạn chế, từ kinh nghiệm đến hệ thống luật pháp và chính sách. Cũng chính vì vậy, tình trạng cò mồi, lừa đảo trong hoạt động XKLÐ ngày càng gia tăng. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp được cấp phép hoạt động XKLÐ lại có quy mô nhỏ, cách làm manh mún, chưa chủ động trong tuyển dụng, thiếu sự phối hợp với các địa phương trong việc cung cấp thông tin đơn hàng và kế hoạch chuẩn bị nguồn lao động. Ðặc biệt, một trong những hạn chế phổ biến ở đây là các cơ sở chưa chú trọng công tác đào tạo nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho NLÐ.

Thực tế cho thấy, nếu trước khi xuất cảnh, NLÐ không được trang bị về ngôn ngữ, tìm hiểu kỹ phong tục tập quán và luật pháp nước sở tại, thì họ sẽ gặp phải rất nhiều khó khăn, thậm chí nảy sinh những phức tạp trên nhiều khía cạnh của cuộc sống và sinh hoạt. Ông Vũ Trường Giang, Trưởng phòng Ðào tạo (Cục Quản lý lao động ngoài nước), chỉ rõ: "Thực tế phát sinh những vụ việc NLÐ do không hiểu về phong tục tập quán và luật pháp nước sở tại, mà vô tình đã trở thành người vi phạm như uống rượu ở các nước theo đạo Hồi hoặc nhặt những đồ vô thừa nhận ngoài đường đem về dùng. Ðặc biệt các vấn đề phát sinh như tranh chấp quyền lợi có thể xảy ra giữa NLÐ và chủ sử dụng. NLÐ cũng hay tự ý đình công, gây ảnh hưởng rất lớn khi cơ quan chức năng đi giải quyết sự việc".

Thêm một nỗi bức xúc khác, đó là tiêu cực trong việc thi lấy chứng chỉ ngoại ngữ, làm hồ sơ. Ðiều này xảy ra thường xuyên ở nhiều tỉnh, thành. Do vậy, "đoàn quân" XKLÐ có nhiều thành phần phức tạp, trong đó đối tượng là "cậu ấm, cô chiêu" chưa từng biết đến lao động vất vả, chưa hề biết thế nào là "tác phong sản xuất công nghiệp", nhưng đến nước bạn vẫn phải đảm nhận quy trình đứng máy theo dây chuyền, dẫn đến ý thức kỷ luật kém, hiệu quả kinh tế thấp. Chưa hết, vấn đề thu nhập thấp, chi phí cho những công đoạn "chạy" đi cho bằng được đã đội lên, khiến nhiều lao động tìm cách trốn đi làm công ty khác lương cao hơn, hoặc trốn ở lại sau khi hết hợp đồng... Tất cả những hành vi "bất chấp luật pháp" đó đã làm cho người bản địa mất thiện cảm với NLÐ Việt Nam. Việc này đã được cảnh báo từ trước, song tại Hàn Quốc quá nhiều người bỏ trốn khi hết thời hạn hợp đồng nên khiến nước bạn phải tạm ngừng tiếp nhận lao động của nước ta.

Riêng trong lĩnh vực chuyên môn, những hạn chế về tay nghề của người lao động thật sự là một trở ngại. Ðơn cử, đối với những nghề có thu nhập cao, thị trường đang cần như các ngành khách sạn, nhà hàng, công nghệ điện tử..., với yêu cầu về tay nghề cũng như ngoại ngữ khá cao thì lao động Việt Nam đáp ứng được rất ít. Trong các lĩnh vực sản xuất chế tạo, những kiến thức liên quan tới quy định an toàn, vệ sinh lao động, nội quy của nhà máy rất cần thiết với NLÐ. Nó không chỉ giúp cho NLÐ hiểu và tuân thủ các quy trình khi tham gia sản xuất mà còn giúp họ tránh được những bất trắc có thể đe dọa đến sức khỏe và tính mạng. Thế nhưng những điều này, NLÐ cũng còn mơ hồ.

Không thể "ăn đong"

XKLÐ là một trong những mục tiêu hợp tác nhằm phát triển kinh tế xã hội của nước ta, và quan trọng hơn, trước xu thế hội nhập khu vực và quốc tế, hoạt động này còn phải thể hiện là một lĩnh vực kinh tế đối ngoại. Chất lượng nguồn lao động là một trong những yếu tố quan trọng nhất cho sự thắng thế trong cạnh tranh trên thị trường lao động quốc tế. Trong xu thế các thị trường ngày càng đòi hỏi lao động có kiến thức, kỹ năng nghề ở trình độ cao thì việc cạnh tranh sẽ ngày càng gay gắt.

Cần hiểu rằng, trình độ, kỹ năng nghề không phải chỉ căn cứ vào bằng cấp, chứng chỉ của các cơ sở đào tạo trong nước mà phải được xác định thông qua tuyển lựa, kiểm tra, đánh giá của phía đối tác nước ngoài. Quan trọng hơn, nó phải được thể hiện trong năng lực làm việc mà NLÐ đáp ứng được đòi hỏi của độ phức tạp của công việc, công nghệ sản xuất mà họ đảm nhiệm ở nước ngoài. Với sự phức tạp như thế, các doanh nghiệp tuyển dụng không thể một mình làm nổi, mà phải nhờ vào hệ thống đào tạo, dạy nghề. Trong khi NLÐ chỉ muốn xuất cảnh cho nhanh, họ không đủ kiên trì để học những lớp dài hạn, thay vì học cấp tốc, ngắn hạn. Ðã đến lúc, công tác XKLÐ không chỉ chạy theo số lượng, mà cần quan tâm đến số lượng ngoại tệ thu được, và khẳng định thương hiệu cũng như uy tín của lao động Việt Nam. Trước nhu cầu bức thiết, cần thoát khỏi kiểu "ăn đong", tăng cường sự kết hợp của ba "nhà" là nhà trường (các cơ sở dạy nghề), nhà tuyển dụng (doanh nghiệp XKLÐ) và sự quản lý của Nhà nước.

Không thể phủ nhận những nỗ lực trong công tác XKLÐ của các cơ quan chức năng, nhất là Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội). Tuy nhiên, đây là hoạt động vô cùng phức tạp, đòi hỏi phải có sự quản lý chặt chẽ và những chính sách cụ thể, đồng bộ hơn nữa. Một số chuyên gia cho rằng, cần quản lý XKLÐ ở tầm vĩ mô. Muốn vậy phải hoàn thiện một hệ thống pháp luật, có cơ chế quản lý hữu hiệu, bộ máy quản lý được đào tạo chuyên nghiệp, mở rộng được thị trường lao động, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm minh hơn những trường hợp vi phạm trong lĩnh vực này. Dẫu là khó, tốn thời gian và tiền của, nhưng về lâu dài nhanh chóng thoát khỏi thời ăn xổi là một đòi hỏi bức thiết.

* Tính từ năm 2001 đến 2005, mỗi năm bình quân Việt Nam đã đưa được khoảng hơn 60 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài. Từ năm 2006 con số này lên đến 80 nghìn. Mỗi năm NLÐ gửi về cho gia đình khoảng 1,6 đến 2 tỷ đô-la Mỹ.

* Từ năm 2007 đến nay, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã phối hợp, kiểm tra 232 lượt đơn vị, đưa ra hàng nghìn kiến nghị nhằm uốn nắn hoạt động của các doanh nghiệp theo quy định của pháp luật. Cụ thể hơn, từ năm 2007 đến năm 2011 đã xử phạt tổng số 142 doanh nghiệp, đề nghị thu hồi giấy phép của hơn 20 doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả.