Hướng dẫn luật đừng... đánh đố!

Luật sư Trương Thanh Đức (trong ảnh), Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty Luật BASICO, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) khuyến nghị, các doanh nghiệp (DN) nghiên cứu kỹ những điểm mới của Luật Doanh nghiệp, để bảo đảm tuân thủ đúng.

Hướng dẫn luật đừng... đánh đố!

- Thưa ông, Luật Doanh nghiệp 2020, có hiệu lực từ ngày 1-1-2021 chắc chắn sẽ tác động đến hoạt động của DN. Theo ông, có những điểm gì DN cần lưu ý?

- Đây là Luật có những thay đổi tác động đến quản trị DN, nên DN buộc phải nghiên cứu rất kỹ, để bảo đảm tuân thủ đúng. Trong đó, có một số điểm theo tôi là có tác động hơn cả.

Một là, quy định về con dấu DN. DN không cần thực hiện thủ tục thông báo cho cơ quan đăng ký kinh doanh các nội dung liên quan đến con dấu. Luật Doanh nghiệp 2020 cũng không còn quy định nội dung, hình thức con dấu DN. Có thể hiểu là, DN sẽ toàn quyền quyết định về con dấu của DN.

Hai là, về đại diện theo pháp luật của DN, Luật Doanh nghiệp 2020 đã quy định rõ trường hợp công ty có nhiều hơn một người đại diện theo pháp luật thì Điều lệ công ty quy định cụ thể quyền, nghĩa vụ của từng người đại diện theo pháp luật. Trường hợp việc phân chia quyền, nghĩa vụ của từng người đại diện theo pháp luật không quy định rõ trong Điều lệ công ty thì mỗi người đại diện theo pháp luật đều có đủ thẩm quyền đại diện cho DN trước bên thứ ba. Đáng chú ý, nếu không quy định rõ quyền cho từng người thì tất cả người đại diện theo pháp luật phải chịu trách nhiệm liên đới đối với thiệt hại gây ra cho DN.

Ba là, quyền cổ đông cũng có thêm những quyền lợi mới. Toàn bộ quy định về thời hạn, giới hạn sở hữu để gắn với quyền của cổ đông được bãi bỏ.
 
Từ ngày 1-1-2021, cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 5% tổng số cổ phần phổ thông trở lên (hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ công ty) được quyền xem xét biên bản, nghị quyết, quyết định, báo cáo tài chính của Hội đồng quản trị (HĐQT) thay vì mức 10% và sở hữu liên tục sáu tháng như trước. 

Với quy định này, tình huống cổ đông lớn của Sabeco là Thaibev phải đợi sáu tháng sau khi hoàn tất việc mua bán cổ phần mới được thực hiện các quyền của cổ đông lớn như đề cử người vào HĐQT… đã được giải quyết.

Bốn là, thay vì quy định ít nhất 51% tổng số phiếu biểu quyết tại Luật Doanh nghiệp 2014, nay cổ đông hoặc nhóm cổ đông chỉ cần sở hữu tổng số phiếu biểu quyết là hơn 50% thì sẽ có quyền triệu tập cuộc họp và thông qua nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông…

Như vậy, các DN cần xem xét kỹ để sửa đổi điều lệ phù hợp quy định của Luật Doanh nghiệp 2020 và hoạt động của mình.

- Các DN có vốn nhà nước hơn 50% cũng có thể có những thay đổi kể từ ngày 1-1-2021, khi được gọi là DN nhà nước, thưa ông?

- Tôi có nhiều cơ hội tư vấn pháp luật cho nhiều DN thuộc nhóm này, nên cũng thấy rõ thực tế là các DN này sẽ không bị tác động nhiều.

Theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020, DN nhà nước gồm hai loại, một là DN 100% vốn nhà nước và DN có vốn nhà nước hơn 50%. Thực tế, trong hoạt động, các DN có vốn nhà nước hơn 50% vẫn hoạt động theo những quy định dành cho nhóm công ty nhà nước cổ phần chi phối.

Luật Doanh nghiệp 2020 cũng có quy định riêng cho nhóm DN nhà nước nắm 100% vốn. Còn nhóm có vốn nhà nước chi phối hơn 50% thì tùy theo loại hình công ty sẽ áp dụng quy định với công ty TNHH hay công ty cổ phần.

Nhưng ở đây, theo tôi, các cơ quan quản lý nhà nước sẽ phải nhận rõ sự khác biệt, để tránh tình trạng ứng xử với DN có vốn nhà nước chi phối hơn 50% như với DN 100% vốn nhà nước. Thực tế, tôi đã gặp sự nhầm lẫn về cách ứng xử với hai nhóm DN này.

- Có điều gì ông cho rằng cần có sự rõ ràng hơn trong tuyên truyền, giải thích luật để bảo đảm việc thực thi luật thuận lợi, không làm khó cho DN, thưa ông?

- Nhiều DN cũng hỏi tôi, có cần phải sửa điều lệ không? Hiểu biết và khả năng xây dựng điều lệ của nhiều DN, nhất là DN quy mô nhỏ và vừa còn yếu, chắp vá, chất lượng kém. Theo tôi, cần có quy định điều lệ mẫu, để DN trên cơ sở đó xây dựng điều lệ của DN chuyên nghiệp hơn, từ đó thúc đẩy hiệu lực của các quy định pháp luật...

Tôi cũng vừa nhận được câu hỏi của một nhà đầu tư, họ muốn mở một nhà hàng, đã đọc các quy định của pháp luật, nhưng vẫn không biết làm thế nào, phải thực hiện các thủ tục gì, ở đâu, cái nào trước, cái nào sau...

Hiện tại, quy định về đăng ký kinh doanh khá rõ, nhưng còn các quy định về thực hiện các điều kiện kinh doanh, quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật... rất rối rắm. Cách xử lý là có quy định công khai cả quy định, quy trình, thủ tục để DN biết rõ cách làm. 

Đây là những điều DN rất cần. Ở đây có vai trò rất lớn trong hoạt động tuyên truyền, giải thích các quy định của luật, để bảo đảm sự thống nhất trong hiểu và thực hiện quy định của luật ở các bên liên quan, cả cơ quan quản lý nhà nước và DN.

- Xin cảm ơn ông!