Hợp thức hóa để tạo cơ hội

Hoạt động kinh doanh trên vỉa hè là một tất yếu của đời sống đô thị. Chia sẻ với Nhân Dân cuối tuần, PGS, TS, KTS Đỗ Tú Lan (trong ảnh), Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, cho rằng, cần phải thừa nhận để có biện pháp quản lý tốt, làm nền móng cho sự phát triển.

Hợp thức hóa để tạo cơ hội

- Thưa bà, "kinh tế vỉa hè" (KTVH) vẫn là một khái niệm gây nhiều tranh cãi, nhất là từ khía cạnh quản lý trật tự đô thị. Quan điểm của bà về vấn đề này như thế nào?

- Ở Việt Nam, cụm từ KTVH được nhiều người nói đến thời gian gần đây, mặc dù chưa có văn bản pháp luật nào chính thức đề cập khái niệm này. Tuy nhiên các hoạt động đã và đang phát triển tự phát trong thực tế với nhiều hình thái khác nhau ở khu vực đô thị. Ở nhiều nơi, KTVH đã dần hoạt động theo đúng quy luật phát triển như một hệ sinh thái kinh tế đô thị, đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi từ kinh tế bao cấp sang nền kinh tế thị trường, nhiều thành phần.

Tuy nhiên, sự phát triển của KTVH lại phần nào mâu thuẫn với quản lý đô thị. Thí dụ ngành giao thông muốn dành phần vỉa hè, lề đường cho người đi bộ, phương tiện đi lại; hoạt động bán hàng rong nhiều chỗ nhếch nhác, xả rác bừa bãi gây mất mỹ quan đô thị nên không ít tuyến phố cấm bán hàng rong. Hay các quầy hàng kinh doanh nhỏ lẻ ngoài vỉa hè cũng khiến khách ít vào mua trong chợ hay trung tâm thương mại. Dưới góc độ quản lý nhà nước cần xem xét các yếu tố xã hội, văn hóa, thương mại chứ không chỉ đơn thuần là yếu tố không gian. Việc duy trì được tính đặc trưng của vỉa hè sẽ giúp cân bằng và hài hòa được nhiều nhu cầu thực tế.

- Ðã có những động thái để hợp thức hóa khái niệm này, tuy nhiên, khi triển khai trên thực tế lại vướng rất nhiều, nhất là các quy định pháp luật. Giải quyết mâu thuẫn này như thế nào, thưa bà?

- Do chưa có các văn bản pháp lý thừa nhận, hay nói cách khác là chưa hợp thức hóa khái niệm này, do đó các hoạt động này vẫn đang theo dạng tự phát, thiếu kiểm soát, gây rất nhiều hệ lụy. Một số chính quyền đô thị cũng muốn có những động thái hợp thức hóa KTVH hoặc có những biện pháp quản lý, nhưng do hệ thống văn bản pháp luật chưa thống nhất nên rất khó thực hiện. Thí dụ TP Hồ Chí Minh đã có một số quyết định quản lý vỉa hè đô thị theo xu hướng có chấp nhận các hoạt động KTVH nhưng lại mâu thuẫn với các quy định của Luật Giao thông đường bộ. Luật Giao thông đường bộ sửa đổi (năm 2011), tại Ðiều 34, quy định: Lòng đường và hè phố chỉ được sử dụng cho mục đích giao thông; trường hợp đặc biệt, việc sử dụng tạm thời vào mục đích khác do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định nhưng không được làm ảnh hưởng đến trật tự, an toàn giao thông. Mặc dù luật cũng đã có hướng mở, tuy nhiên vẫn chưa rõ ràng. Do đó, các cấp chính quyền đô thị còn khó khăn trong quá trình thực hiện. Việc cấm đoán, hay thực hiện các biện pháp thu, dẹp vỉa hè vẫn như "bắt cóc bỏ đĩa" nhiều năm nay.

Ðể giải quyết những vấn đề trên, cần phải có sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống các văn bản pháp luật. Nhà nước cần thừa nhận một phần hoạt động kinh tế đô thị đã và đang tồn tại là KTVH trong một thời kỳ quá độ và có các chế tài thích hợp từ luật đến các văn bản dưới luật. Nhiều nước trên thế giới gọi là loại hình kinh tế không chính thức và có biện pháp quản lý chặt chẽ.

- Nhiều ý kiến trên các diễn đàn nhắc đến các mô hình KTVH của một số nước châu Âu, tuy nhiên, thực tế về hạ tầng đô thị của Việt Nam, nhất là các thành phố lớn có rất nhiều điểm khác biệt. Làm thế nào để chúng ta triển khai hiệu quả hình thái kinh tế này phù hợp với điều kiện của Việt Nam?

- Nhiều nước trên thế giới, việc hoạt động KTVH được chấp nhận ở những khu vực đã có quy hoạch và quản lý, các khu vực được quy định đúng chức năng, loại hình hoạt động và phải đóng các loại thuế, phí hợp lý.

Quản lý để phát triển loại hình kinh tế này đạt hiệu quả là rất khó. Tuy nhiên, đây lại là việc hết sức cần thiết, không thể chậm trễ. Trước tiên, phải thừa nhận thực tế có đối tượng loại hình KTVH, từ đó mới có được các thể chế thích hợp và đồng bộ, đồng thời phải quản lý theo cơ chế và điều kiện nền kinh tế đang phát triển của Việt Nam. Nhiều người dân nghèo, thiếu điều kiện vẫn đang bám trụ ở vỉa hè để mưu sinh và họ cần những chính sách an sinh. Cho nên, chúng ta cần xác định rõ các đối tượng được sử dụng vỉa hè cho các mục đích khác đi bộ, ứng với điều kiện của từng tuyến vỉa hè (phụ thuộc độ rộng của vỉa hè và tính chất các công trình trực tiếp với vỉa hè).

Thành phố, quận, phường cần xác định rõ các phạm vi vỉa hè có thể cho phép các hoạt động ngoài đi bộ (thậm chí cần làm rõ những loại hoạt động cụ thể), theo đó cho phép có điều kiện, và có thể thu phí hợp lý. Tiếp đó, tăng cường lắp đặt camera để kiểm soát các tuyến vỉa hè; huy động cộng đồng tham gia quản lý; tạo cơ chế hỗ trợ chỗ để xe máy đối với các đường phố nhiều cửa hàng dịch vụ; các cửa hàng kinh doanh phải đăng ký chỗ để xe cho khách… Khi vỉa hè có chức năng giao dịch đã định hình từ lâu đời như một xu thế khách quan, thì quản lý không thể làm theo ý chí chủ quan nhằm duy trì cái này, thủ tiêu cái khác mà phải bảo đảm hài hòa, cái này kích thích và tạo động lực cho cái kia phát triển. Nếu làm tốt, chúng ta vừa quản trị được đô thị, tạo bản sắc cho những con phố mà vẫn tạo động lực phát triển kinh tế.

- Trân trọng cảm ơn bà!