Hình thành môi trường tích cực để lan tỏa giá trị

Để có những kiến giải sâu về tính cộng đồng, từ đó, tìm ra những phương thức hiệu quả phát huy mặt tích cực của đặc tính này trong nội hàm sức mạnh của dân tộc Việt Nam, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với PGS, TS Bùi Hoài Sơn (ảnh bên), Viện trưởng Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam.

Hình thành môi trường tích cực để lan tỏa giá trị

- Thưa ông, tính cộng đồng có vị trí như thế nào trong hệ thống căn tính của dân tộc Việt Nam?

- Trong văn hóa Việt Nam, cộng đồng là một trong những đặc trưng cơ bản, tạo nên sức mạnh cho sự hình thành quốc gia - dân tộc. Xét ở góc độ người Việt - dân tộc chủ thể, tính cộng đồng được hình thành từ quá trình con người tập hợp cùng nhau đấu tranh chống lại các khó khăn trong cuộc sống, từ thiên tai, địch họa đến những vấn đề khác. Song song với quá trình đó, cách sinh sống quần cư theo các làng của người Việt cũng giúp tăng cường hơn nữa tính cộng đồng. Theo nhiều nhà nghiên cứu, chính các làng quê, nằm đằng sau lũy tre, là các pháo đài vững chắc nhất cho văn hóa Việt Nam, từ đó, giúp đất nước vượt qua những khó khăn bằng chính sức mạnh văn hóa ấy. Theo kết quả nghiên cứu của đề tài cấp Nhà nước về Hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam tiến hành năm 2017-2018, năm giá trị truyền thống trong văn hóa Việt Nam được người dân đánh giá cao nhất được xếp như sau: 1. Ý thức cộng đồng (74,7%), 2. Dân tộc (69,6%), 3. Trọng nghĩa tình (69,6%), 4. Hiếu học (66,3%), 5. Chăm chỉ (60%). Như vậy, ngay đến thời điểm hiện nay, tính cộng đồng vẫn luôn được người dân đánh giá cao, và coi đó như một sức mạnh văn hóa dân tộc.

Chính vì thế, chúng ta cũng có thể nhận định rằng, hệ thống căn tính văn hóa dân tộc được xoay quanh việc đề cao tính cộng đồng. Trên cơ sở đó, những biểu tượng chung, tín ngưỡng thờ cúng thành hoàng, tổ tiên từ đó nâng lên thành tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương… đã tạo nên tình đoàn kết dân tộc. Như thế, có thể nói rằng, từ tính cộng đồng, người Việt nói riêng, dân tộc Việt Nam nói chung đã hình thành nên văn hóa của riêng mình, và chính nhờ sức mạnh văn hóa ấy, chúng ta vượt qua mọi khó khăn, mọi kẻ thù để xây dựng được một quốc gia mạnh mẽ như hiện nay.

- Đã có nhận xét từ du học sinh Việt Nam tại châu Âu, cho rằng, tính cộng đồng là điều đã làm nên sức mạnh của Việt Nam trong đại dịch. Ông nghĩ như thế nào về điều này? Từ góc nhìn của ông, tính cộng đồng đã được phát huy ra sao trong thời khắc khó khăn như hiện nay?

- Trong khó khăn chung như thiên tai, dịch bệnh, địch họa, chỉ có nỗ lực của toàn dân tộc, mang tính cộng đồng thì mới có thể giúp đất nước nhanh chóng thoát ra khỏi những khó khăn đó. Đây là bài học mà đất nước ta có rất nhiều kinh nghiệm. Trước kia, cha ông chúng ta đã đúc kết rất nhiều bài học về tình đoàn kết cộng đồng như một sức mạnh, thí dụ như: Một cây làm chẳng nên non, Ba cây chụm lại nên hòn núi cao; hay Nhiễu điều phủ lấy giá gương, Người trong một nước phải thương nhau cùng… Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; Thành công, thành công, đại thành công, như là một cách diễn giải về sức mạnh của sự đồng lòng, tinh thần cộng đồng vậy.

Dịch bệnh Covid-19 chính là lúc tinh thần ấy một lần nữa xuất hiện và tạo nên sức mạnh Việt Nam. Chúng ta nhận thấy tinh thần chia sẻ, tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách xuất hiện gần như ngay lập tức trong cộng đồng, những bon chen, ích kỷ cá nhân thường ngày dường như biến mất để nhường chỗ cho những tấm lòng cao đẹp. Đặc biệt hơn nữa là những lòng tốt này không cần đợi đến khi phát động lời kêu gọi. Tất cả gợi nhắc chúng ta những năm tháng ấm áp tình người trước kia, nhắc nhở chúng ta rằng, sức mạnh đoàn kết cộng đồng, những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam vẫn còn nguyên ở đó, vấn đề của chúng ta hiện nay là làm sao để sức mạnh đó có thể phát huy ngay cả ở những thời điểm bình thường trong cuộc sống, chứ không phải đợi đến những thời điểm khó khăn!

- Nhìn từ một góc độ khác, liệu tính cộng đồng có thể bị coi là điểm trừ khi phần nào làm hạn chế năng lực cá nhân, trong điều kiện xã hội toàn cầu hóa hiện nay đề cao sự sáng tạo và năng lực độc lập?

- Đó cũng là điều mà tôi lo ngại. Như tôi đã nói, tính cộng đồng cũng có những ưu điểm, khuyết điểm riêng, như tính cộng đồng giúp củng cố tinh thần đoàn kết, tương trợ, hòa đồng, bình đẳng, tuy nhiên phần nào đó có thể lại thủ tiêu tính năng động, sáng tạo của cá nhân, dễ gây ra thói dựa dẫm, ỷ lại, đố kỵ… Đề cao cá nhân sẽ giúp các cá nhân trở nên năng động và sáng tạo hơn. Sự năng động và sáng tạo của cá nhân sẽ tạo ra hiệu ứng lan tỏa đến sự năng động và sáng tạo của xã hội - yếu tố rất quan trọng cho chúng ta để phát triển đất nước. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là tính cộng đồng có hại đối với quá trình toàn cầu hóa hiện nay. Vấn đề của chúng ta hiện giờ là làm sao vừa phát huy được những điểm mạnh của tính cộng đồng, vừa phát huy được điểm mạnh của việc đề cao sự năng động, sáng tạo của cá nhân.

Như kết quả đề tài nghiên cứu đã nói ở trên, ba trong số nhiều giá trị mới cần cho sự phát triển xã hội ở nước ta hiện nay gồm: Trách nhiệm (98,1%), Sáng tạo (96,3%) và Kỷ luật (94,2%). Kết quả trên cho thấy, dù sáng tạo là rất quan trọng nhưng nó phải gắn liền với trách nhiệm và kỷ luật, nếu không, sự sáng tạo ấy không có ích cho sự phát triển đất nước. Cân bằng giữa lợi ích cá nhân và trách nhiệm cộng đồng nên trở thành một nguyên tắc đạo đức trong sáng tạo hiện nay.

- Vậy theo ông, cần phải làm gì để có thể tiếp tục phát huy sự tích cực của tính cộng đồng trong cả điều kiện bình thường và những thời điểm đặc biệt như hiện nay?

- Theo tôi, chúng ta cần duy trì những ưu điểm của tính cộng đồng như tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái,… trong cuộc sống, đồng thời phát huy những ưu điểm của tính cá nhân như sáng tạo, chủ động, chịu trách nhiệm. Muốn có được kết quả như vậy, ngoài công tác truyền thông nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vai trò của tính cộng đồng, tinh thần đoàn kết, chia sẻ giúp đỡ, biến những nhận thức này thành những hành động trên thực tế, thì chúng ta cũng cần có những chính sách hỗ trợ từ phía Nhà nước thông qua các hình thức tuyên dương, trao thưởng, các quỹ hỗ trợ, luật hóa những hoạt động từ thiện, bảo trợ, hiến tặng… Chúng ta cần hình thành một môi trường tích cực để cho sự năng động, sáng tạo của cá nhân có thể mang lại lợi ích tốt đẹp cho cộng đồng. Tôi tin rằng, khi những hành động cá nhân hướng về cộng đồng trở thành một biểu hiện bình thường, hằng ngày, như một thói quen của mỗi cá nhân, không còn là hiện tượng, khi đó chúng ta đã thành công trong việc phát huy sức mạnh con người Việt Nam trong phát triển đất nước.

- Xin cảm ơn những phân tích của ông.