Hiểu về năng lực và thế mạnh

Bị cản trở bởi các định kiến về giới, nên để có thể tạo được mô hình sinh kế phù hợp cho phụ nữ vùng nông thôn, miền núi, nơi khó khăn, theo chuyên gia Nguyễn Thị Yến (ảnh nhỏ) - cố vấn chương trình của Tổ chức Care International tại Việt Nam, cần có một chính sách đặc thù, tổng thể về sản xuất, việc làm và tiếp cận thị trường.

Mô hình nuôi ong ở Sơn La cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Văn Học
Mô hình nuôi ong ở Sơn La cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Văn Học

- Tạo công ăn việc làm cho người lao động nói chung vẫn luôn là bài toán khó. Dưới tác động của điều kiện tự nhiên và xã hội, mô hình sinh kế ở nông thôn và miền núi Việt Nam được cho là đã có nhiều thay đổi?

- Sinh kế tại nông thôn và miền núi Việt Nam đang trải qua nhiều thay đổi: các nguồn lực về tự nhiên đã khác rất nhiều so với vài thập niên trước.

Các kỹ thuật mới trong canh tác nông nghiệp đòi hỏi đầu tư nhiều hơn, giống mới năng suất cao đang thay thế các giống cũ và canh tác truyền thống. Sản xuất của người dân vùng khó khăn vẫn mang tính cá thể, mỗi hộ tự quyết định giống và kỹ thuật, cách chăm sóc lại vẫn theo thói quen bao đời nay vẫn vậy mà không cập nhật tiến bộ kỹ thuật, do vậy sản phẩm có chất lượng tốt như cà-phê Arabica tại miền núi phía bắc chẳng hạn, không có chất lượng cao, không đồng đều và không bảo đảm về số lượng để chuyển đổi sang quy mô sản xuất hàng hóa, hấp dẫn được các công ty tham gia đưa vào thị trường lớn. Thị trường thông thương trong bối cảnh hội nhập cũng tạo cạnh tranh lớn, yêu cầu chuẩn hóa về chất lượng, mẫu mã..., nên dù sản phẩm bản địa vẫn được chuộng nhưng chưa tiếp cận được thị trường lớn.

Bên cạnh đó khí hậu với diễn biến cực đoan ảnh hưởng đến canh tác và sinh kế của người dân. Người dân ở vùng sâu, vùng xa cũng khó khăn hơn trong việc tiếp cận vốn và cũng không đủ tự tin để vay vốn (nếu có) để đầu tư tạo thu nhập bởi rủi ro về kỹ thuật và thị trường.

Hiểu về năng lực và thế mạnh ảnh 1

- Phụ nữ vùng nông thôn, miền núi, nơi khó khăn còn gặp nhiều trở ngại hơn. Cụ thể, bà có thể chỉ rõ những vấn đề đó là gì?

- Phụ nữ ở những nơi khó khăn như miền núi, vùng sâu vùng xa lại càng gặp nhiều khó khăn trong tìm kiếm việc làm hoặc tạo thu nhập, bởi quy mô sản xuất nhỏ, kỹ thuật kém, chi phí vận chuyển cao. Những trở ngại khác là rào cản về ngôn ngữ, phụ nữ dân tộc thiểu số, đặc biệt nhóm lớn tuổi thì khả năng giao tiếp tiếng Việt càng khó. Khả năng di chuyển như đi xe máy, khả năng tiếp cận thông tin và nguồn lực hạn chế, hiểu biết liên quan việc thị trường lao động cần gì về kiến thức và kỹ năng, kể cả cách trả lời phỏng vấn đều chưa đạt.

Cũng theo khảo sát của CARE, lĩnh vực lao động phi chính thức vốn phụ thuộc nhiều vào mạng lưới bạn bè, họ hàng, người quen kết nối cũng là cản trở với phụ nữ vùng sâu, vùng xa. Quan trọng hơn nữa là những tập tục, định kiến ăn sâu vào bao thế hệ là rào cản lớn đối với những người phụ nữ có học hành và có ý chí phấn đấu hoặc mong muốn tham gia sâu hơn vào các hoạt động tạo thu nhập. Ðịnh kiến giới cho rằng phụ nữ chỉ nên tập trung lo việc gia đình và phụ nữ không nên xông pha trong các hoạt động kinh tế lấn át quyền lực của chồng, bởi vậy không ít phụ nữ không thể có được một vị trí cán bộ tại xã hoặc thôn.

- Theo bà cần có những giải pháp gì nhằm hỗ trợ sinh kế tốt hơn cho phụ nữ ở các vùng này?

- Thực tế cho thấy, cần có một chính sách đặc thù, tổng thể về sản xuất, việc làm, tiếp cận thị trường. Có thể trước mắt thí điểm ở một tỉnh nào đó trước khi nhân rộng. Về dài hạn, cần nâng cao trình độ học vấn, trang bị kỹ năng sao cho phù hợp với đối tượng ở vùng sâu vùng xa cũng như giải quyết vấn đề bình đẳng giới. Cụ thể, cần tiến hành và triển khai việc lồng ghép vấn đề giới vào các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, từ đó giúp phụ nữ có những kỹ năng, kiến thức và sự tự tin để tham gia cơ hội việc làm hay công tác xã hội. Các nghiên cứu về cơ hội và thách thức trong tìm kiếm việc làm cần phải được nghiên cứu để có những hỗ trợ nâng cao năng lực kỹ năng, kể cả trang bị kiến thức cho những người di cư.

Chương trình dạy nghề phải phù hợp nhu cầu và thực tiễn của nông thôn, miền núi để tránh đào tạo khuôn mẫu. Quan trọng là chương trình dạy nghề phải kết nối với các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng, thậm chí mạnh dạn giao cho các doanh nghiệp thí điểm việc dạy nghề. Rất cần có những chương trình khởi nghiệp dành cho phụ nữ vùng khó khăn, phụ nữ dân tộc thiểu số, nhưng cần có những nghiên cứu cần thiết để hiểu về năng lực và thế mạnh của họ.

Với sản xuất nông nghiệp, cần tổ chức lại sản xuất, theo mô hình tổ nhóm hoặc hợp tác xã, thay đổi công nghệ, để thay đổi sản phẩm, chứ không thể sản xuất đơn lẻ. Ðể làm được như vậy, người phụ nữ cần được hỗ trợ tiếp cận đầy đủ thông tin thị trường, kỹ thuật sản xuất, cũng như các kỹ năng cần thiết khi tham gia thị trường.

- Trân trọng cảm ơn bà!