Hiệu quả thực tiễn từ những công trình nghiên cứu

Để khai thác, quản lý và phát triển bền vững các nguồn tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, trong những năm qua Viện Hải dương học Nha Trang đã và đang xây dựng cơ sở khoa học, thực hiện khảo sát điều kiện tự nhiên và nguồn lợi sinh vật, kết hợp khai thác, góp phần xây dựng chiến lược phát triển nghề cá Việt Nam.

Những nghiên cứu cơ bản về điều kiện tự nhiên và nguồn lợi sinh vật là cơ sở khoa học cho việc xây dựng chiến lược nghề cá. Ảnh: ANH SƠN
Những nghiên cứu cơ bản về điều kiện tự nhiên và nguồn lợi sinh vật là cơ sở khoa học cho việc xây dựng chiến lược nghề cá. Ảnh: ANH SƠN

Thu thập dữ liệu thông tin về biển

Tiếp chúng tôi trong không gian lồng lộng gió biển, Viện trưởng Viện Hải dương học (HDH) Nha Trang, PGS, TS Võ Sĩ Tuấn giới thiệu ngắn gọn về lịch sử của Viện: Sở Hải dương học nghề cá Đông Dương (Service océanographique des pêches de l’Indochine) được thành lập ngày 14-9-1922. Năm 1930 được nâng cấp thành Viện Hải dương học Đông Dương (Institut océanographique de l’Indochine), với mục tiêu “Khảo sát điều kiện tự nhiên và nguồn lợi sinh vật, kết hợp với việc đánh cá ở Biển Đông, bao gồm hai quần đảo Hoàng Sa (Paracels), Trường Sa (Spratly) và Biển Hồ ở Cam-pu-chia để xác định chiến lược cho nghề khai thác cá ở Đông Dương. Đồng thời triển khai nghiên cứu các công nghệ chế biến và nuôi trồng hải sản”. Chính vì mục tiêu có tính chiến lược đó, Viện đã được xây dựng tại Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, địa điểm lý tưởng để triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu và khai thác Biển Đông.

Trải qua quá trình hình thành và phát triển gần một thế kỷ, đến nay, Viện HDH Nha Trang đã xây dựng cơ sở khoa học - kinh tế - xã hội và công nghệ để khai thác, quản lý và phát triển bền vững các nguồn tài nguyên và bảo vệ môi trường biển. Trong đó, tích cực tiến hành các nghiên cứu nhằm giải quyết các vấn đề con giống vật nuôi; quy hoạch khai thác và nuôi trồng bền vững; chuyển đổi cơ cấu kinh tế biển; cơ chế, nguyên nhân và dự báo các tai biến thiên nhiên; quá trình suy giảm chất lượng môi trường, các giải pháp phát triển nguồn lợi thủy sản... Các đề tài, dự án có hiệu quả thực tiễn của Viện trải khắp các tỉnh ven biển miền trung và Nam Bộ, trong đó, nổi trội nhất là các tỉnh Bình Định, Khánh Hòa, Bến Tre, Trà Vinh, Kiên Giang...

Ứng dụng nghiên cứu vào thực tiễn và phát triển công nghệ

Kết quả nghiên cứu của Viện được ứng dụng vào thực tiễn và phát triển công nghệ luôn mang lại hiệu quả cao. Có thể kể như: công nghệ viễn thám và GIS ven bờ và đại dương phục vụ hiệu quả việc nghiên cứu hệ sinh thái và môi trường; dữ liệu điều tra, tính toán các tham số thủy thạch động lực của Viện phục vụ hiệu quả trong thiết kế các trung tâm công nghiệp lớn ven biển như Kho xăng dầu ngoại quan Vân Phong (Khánh Hòa); Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân (Bình Thuận); Trung tâm Nhiệt điện Kiên Lương (Kiên Giang); Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận; Dự án điện hạt nhân 3 (Bình Định); Khu công nghiệp Vũng Áng (Hà Tĩnh); điều tra, đánh giá hiện tượng dòng Rip tại các bãi tắm, xác định nguyên nhân và đề xuất các giải pháp phòng tránh, bảo đảm an toàn cho người dân và du khách tại các địa phương ven biển như Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định...

Kết quả đề tài “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ phục hồi san hô cứng ở một số khu bảo tồn biển trọng điểm” (2011-2013) đã được đánh giá cao và hiện đang được chuyển giao cho các địa phương. Một đề án có ý nghĩa khác là Viện đã thực hiện thành công nhiệm vụ “Chuyển giao kỹ thuật trồng, chế biến và bảo quản rong nho biển cho quân và dân huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa”, thực hiện năm 2012 - 2013, góp phần tạo sinh kế mới và giải quyết nguồn rau xanh cho quân và dân trên đảo.

Tuy nhiên, Viện trưởng Võ Sĩ Tuấn cho biết thêm, hiện còn có quá nhiều kỳ vọng chưa đạt được như: chưa có nhiều chuyến khảo sát quy mô lớn; chưa có nhiều công trình khoa học đủ tầm nhằm nâng cao tri thức và khẳng định sự hiện diện của khoa học Việt Nam trên Biển Đông; chưa có nhiều nhà khoa học Việt Nam đạt tầm quốc tế về khoa học biển… Viện HDH Nha Trang đang cố gắng để thực hiện cho được mục tiêu khảo sát điều kiện tự nhiên và nguồn lợi sinh vật, kết hợp với việc đánh cá ở Biển Đông, bao gồm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa để xác định chiến lược cho nghề khai thác cá ở Đông Dương nói chung, ở Việt Nam nói riêng.

Thời gian tới, Viện sẽ chú trọng hơn nữa việc ứng dụng các kết quả của nghiên cứu khoa học cơ bản vào thực tiễn khai thác hợp lý tài nguyên sinh vật và phi sinh vật phục vụ phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường và gìn giữ an ninh quốc phòng trên biển.

Bảo tàng HDH, nơi được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam ghi nhận là “nơi lưu giữ bộ mẫu sinh vật biển lớn nhất”. Bảo tàng HDH hiện đang thu hút hơn 400.000 lượt khách mỗi năm. Tại đây, bên cạnh các bể sinh vật sống và các mẫu vật tiêu bản có nguồn gốc từ Trường Sa, Hoàng Sa, nhiều tư liệu, thư tịch, bản đồ khẳng định chủ quyền lãnh thổ đất nước qua các thời kỳ lịch sử được trưng bày một cách công phu, khoa học.