Bình đẳng giới và sinh kế

Hiểu đúng, hỗ trợ trúng

Tỷ lệ nghèo của khu vực đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đang giảm nhanh qua từng năm, tuy nhiên đây vẫn là “rốn nghèo”. Trong đó, nhiều nghiên cứu của các tổ chức quốc tế đã chỉ ra: phụ nữ và trẻ em gái DTTS - đối tượng phải chịu gánh nặng kép vì sự bất bình đẳng giới nặng nề, thuộc nhóm nghèo nhất, có nguy cơ cao về dinh dưỡng và an ninh lương thực.

Phụ nữ DTTS thường vừa phải đảm nhiệm các công việc chăm sóc gia đình, vừa phải tham gia lao động sản xuất.
Phụ nữ DTTS thường vừa phải đảm nhiệm các công việc chăm sóc gia đình, vừa phải tham gia lao động sản xuất.

Loay hoay “cần câu” hay “con cá”

Theo số liệu do Ngân hàng Thế giới (WB) công bố năm 2018, số người nghèo là người DTTS đang chiếm tỷ lệ cao: 72% số người nghèo tại Việt Nam. Tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo của các hộ dân tộc vùng DTTS là 35,5%, cao gấp 3,5 lần tỷ lệ chung của toàn quốc (10,2%).

Thực tế, Nhà nước đã và đang có nhiều chương trình xóa đói, giảm nghèo toàn diện hướng tới đồng bào DTTS, như Chương trình Phát triển kinh tế xã hội các xã đặc biệt khó khăn miền núi và vùng sâu, vùng xa theo Quyết định số 135/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, dành cho các xã đặc biệt khó khăn, hay Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP về Chương trình Hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo nhất. Những chương trình này nhằm cải thiện sinh kế toàn diện của hộ nghèo và đều có chủ trương ưu tiên phụ nữ, đặc biệt là các gia đình có phụ nữ là chủ hộ nghèo.

Các chính sách hướng tới một số vùng cụ thể như chính sách đất trồng và định cư cho đồng bào DTTS ở Tây Nam Bộ, chương trình phát triển các xã biên giới Việt Nam - Lào - Cam-pu-chia, chương trình bảo vệ rừng ở các xã DTTS ở Tây Nguyên, chính sách hỗ trợ vốn vay cho hộ nghèo thiểu số tiếp cận 8,3% vốn vay ưu đãi... Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam đã tổ chức triển khai nhiều chương trình hỗ trợ, điển hình là chương trình “Ðồng hành cùng phụ nữ biên cương”, được phát động từ năm 2018.

Ðiểm chung của những chương trình, dự án hỗ trợ nói trên là đã tạo nên những tác động tích cực, đóng góp vào thành tích giảm nghèo của Việt Nam. Tuy nhiên, về cách thức tiến hành vẫn cần phải cải thiện, để bảo đảm sự hỗ trợ tạo được sinh kế bền vững với đối tượng nghèo nhất, khó khăn nhất - phụ nữ DTTS.

Chẳng hạn như, Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Quyết định số 1722/QÐ-TTg, được các chuyên gia nhìn nhận là vẫn áp dụng phương thức tiếp cận như nhau cho toàn bộ các địa bàn, các dân tộc khác nhau. Trong khi đó, kinh nghiệm từ dự án của Quỹ Phát triển nông nghiệp quốc tế (IFAD) hay WB cho thấy, danh mục hỗ trợ sinh kế cần phải rất đa dạng. Ðiều quan trọng nữa, người dân cần được tham gia lựa chọn các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất. Hiện tại, có nhiều trường hợp, dù xã làm chủ đầu tư, nhưng quyết định lựa chọn lại do huyện, thậm chí tỉnh chỉ đạo, khiến cho các hoạt động hỗ trợ sản xuất chưa đáp ứng được đúng nhu cầu thực tế của nhóm đối tượng hướng tới.

Cần phương pháp tiếp cận mới

Năm 2020 là năm cuối thực hiện Chương trình MTQG nói trên. Từ năm 2021, Chương trình kỳ vọng sẽ có những sự thay đổi về quy mô, nội dung thực hiện. Trong đó có các nội dung đáng chú ý như: hoàn thiện các chính sách khuyến khích đầu tư, chính sách ưu đãi đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng nhiều lao động, nhất là ở địa bàn nông thôn để tạo việc làm, giúp nâng cao thu nhập và thoát nghèo. Ða dạng hóa nguồn vốn huy động, tăng cường huy động nguồn lực từ ngân sách địa phương và các nguồn huy động đóng góp hợp pháp của doanh nghiệp và vận động tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; thực hiện cơ chế vốn đối ứng có sự tham gia đóng góp của người dân, đối tượng thụ hưởng. Ðặc biệt quan tâm nghiên cứu đề xuất các chương trình, dự án việc làm công, hỗ trợ tạo việc làm cho các nhóm lao động yếm thế. Trong đó được lồng ghép các chương trình hỗ trợ thoát nghèo cho phụ nữ DTTS.

Tuy nhiên, điều đáng nói là chúng ta cần thiết kế các nội dung phù hợp với tình hình đặc thù của nhóm đối tượng hỗ trợ. Ðiều đầu tiên, các khóa tập huấn cần phải tính đến rào cản ngôn ngữ của bà con DTTS để có phương thức tiếp cận thuyết phục như sử dụng tranh ảnh minh họa là chính, từ ngữ ngắn gọn, hay áp dụng phương thức cầm tay chỉ việc, xây dựng mô hình trình diễn và thảo luận đầu bờ; thiết kế giờ họp/tập huấn phù hợp với điều kiện của chị em… Kinh nghiệm của các tổ chức phi chính phủ cho thấy, nên sử dụng hình thức tổ chức thảo luận qua diễn đàn. Chẳng hạn như, hơn 80% số các Nhóm tín dụng thôn bản tự quản (VSLA) vẫn vận hành sau hơn ba năm dự án kết thúc. Các Nhóm đồng sở thích là mô hình mang lại hiệu quả cao cho các hội viên thông qua việc chia sẻ cách làm, hỗ trợ sinh kế theo phương châm “học thày không tày học bạn” và tạo nên kênh để chị em có thể tiếp cận được tài chính vi mô giúp đầu tư sinh kế nhỏ hoặc giải quyết các nhu cầu chi tiêu cấp thiết.

Nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới đã chỉ ra, khoảng hơn 90% số phụ nữ DTTS phải một mình đảm nhiệm các công việc nội trợ... Cho dù tham gia chính vào phát triển sản xuất, các mô hình giảm nghèo, thế nhưng họ lại không có vai trò quyết định chính trong sử dụng thu nhập từ những hoạt động này cũng như các quyết định liên quan đến sinh kế hộ gia đình… Do đó, muốn thoát nghèo bền vững, phụ nữ DTTS cần phải vượt lên định kiến xã hội về năng lực và vai trò của họ. Chúng ta cần xây dựng khung can thiệp bình đẳng giới để có phương pháp tiếp cận tổng hợp và toàn diện thay đổi vị thế xã hội và chính trị của phụ nữ, không chỉ dừng lại ở vị thế kinh tế. Những can thiệp vào môi trường hỗ trợ bình đẳng giới như cùng có tên trên sổ đỏ và các tài sản, cùng là chủ hộ giúp phụ nữ tiếp cận tốt hơn. Tuy nhiên, sẽ rất cần đến sự vào cuộc và ủng hộ của nam giới với phụ nữ, của người chồng với người vợ. Do đó, cần tạo kênh đối thoại, trao đổi có sự tham gia của người nam, hoặc các hỗ trợ sinh kế đưa chồng tham gia cùng vợ như kinh nghiệm mà các nhóm VSLA đã làm lâu nay.

Cuối cùng, nhưng không kém phần quan trọng, chính quyền, người lãnh đạo, người hoạt động dự án phải có kiến thức về bình đẳng giới, nhạy cảm giới và hiểu được tiến trình lồng ghép giới ở tất cả các khâu của dự án và chương trình, bắt đầu từ phân tích đánh giá nhu cầu, thực hiện triển khai và giám sát báo cáo. Lồng ghép giới trong các chương trình, chính sách giảm nghèo rất cần được Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG chỉ đạo triển khai bằng những quy định, cơ chế cụ thể để thúc đẩy bình đẳng giới bên cạnh tỷ lệ tham gia, tiến trình lập kế hoạch, cần bố trí ngân sách cho các hoạt động có nội dung về bình đẳng giới, có hợp phần hoặc tiểu hợp phần giảm nghèo do phụ nữ tự chủ trong Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững và Ðề án phát triển kinh tế - xã hội cho đồng bào DTTS giai đoạn tới.