Hiện thực hóa giấc mơ

Không còn là khái niệm xa vời, chuyển đổi số đang dần đi vào thực tiễn, mang lại những giá trị cụ thể cho mỗi tổ chức, doanh nghiệp (DN), cá nhân.

Cứ mỗi khi vào mùa cao điểm nắng nóng hay mưa bão hằng năm, thường xảy ra tình trạng cắt điện trên diện rộng do sự cố đường dây hoặc nguồn cấp. Mỗi lúc như vậy, số lượng khách hàng gọi điện đến tổng đài Trung tâm Chăm sóc khách hàng Điện lực miền Trung (EVNCPC-CSKH) rất lớn. Thế nhưng, tổng đài thường chỉ cung cấp được thông tin chung chung, do đó, các khách hàng luôn phải chờ đợi để gặp tư vấn viên của trung tâm mới mong giải quyết được vấn đề.

Ông Lê Văn Tường, Giám đốc EVNCPC-CSKH cho biết, khoảng sáu tháng trở lại đây, tình trạng nghẽn mạng của tổng đài đã được giải quyết nhờ vào việc triển khai ứng dụng Tổng đài chăm sóc khách hàng tự động ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI). Các thông tin về lý do mất điện, thời gian cấp lại điện… được hệ thống này tự động trả lời cho khách hàng một cách nhanh chóng, đầy đủ giúp giảm số lượng cuộc gọi chờ được giao dịch trực tiếp với tư vấn viên. Trong vòng sáu tháng, hệ thống tổng đài này đã thực hiện được 45.895 lượt cuộc gọi, tương đương 420 ngày công của điện thoại viên. Theo ước tính của Tổng Công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC), trung bình khi đưa AI vào chăm sóc khách hàng, mỗi năm sẽ tiết kiệm được khoảng 600 triệu đồng. Ngoài các giá trị về mặt kinh tế, thì việc mang lại những trải nghiệm mới tốt hơn cho khách hàng là điều mà ông Tường đặc biệt nhấn mạnh.

Đến nay, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost) đã gần 100 tuổi. Với cơ cấu lao động phần lớn là người cao tuổi, nhiều phụ nữ, mạng lưới hoạt động chủ yếu tại các huyện, xã, ít ai nghĩ rằng VNPost có thể nhanh chóng ứng dụng các công nghệ mới của cuộc cách mạng 4.0 để tiến hành chuyển đổi số. Tuy nhiên, ông Đinh Toàn Thắng, Phó Trưởng ban Nghiên cứu phát triển (VNPost) cho biết, trong những năm gần đây, lãnh đạo đơn vị này đã nhận thấy những lĩnh vực cốt lõi như bưu chính, bán lẻ... bị cạnh tranh mạnh mẽ trước làn sóng công nghệ tài chính (Fintech), ngân hàng điện tử. Để thích ứng và cạnh tranh được, VNPost xác định phải tiến hành chuyển đổi số. Với sự quyết tâm của ban lãnh đạo, đơn vị này đã nhanh chóng đưa vào vận hành công nghệ mới, dữ liệu internet vạn vật (IoT). Kết quả năm 2019, VNPost đạt doanh thu 1 tỷ USD, cán mốc mục tiêu đề ra trước hai năm.

Minh Phú hiện là nhà sản xuất, chế biến và xuất khẩu tôm hàng đầu trên thế giới với sự hiện diện ở hơn 50 thị trường và doanh số hằng năm hơn 10.000 tỷ đồng. Mặc dù có những thành công nhất định, lãnh đạo của Minh Phú vẫn đặt ra tầm nhìn chiến lược với tham vọng vươn lên vị thế số một thế giới trong ngành tôm với 25% thị phần toàn cầu vào năm 2045. Để thực hiện mục tiêu trên, Minh Phú sẽ phải tập trung vào các việc như: tự động hóa trong sản xuất; xây dựng gói dữ liệu lớn (Big Data) cho ngành tôm - bao gồm xây dựng cộng đồng cho ngành thủy sản; xây dựng hệ thống liên kết chặt chẽ thông tin cũng như hoạt động trong chuỗi giá trị kinh doanh của cả tập đoàn Minh Phú; áp dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc; thiết lập chỉ số hiệu quả công việc (KPI) trong doanh nghiệp.

“Minh Phú đang nằm trong top đầu về chế biến tôm trên thế giới và có cơ hội vươn lên mạnh mẽ hơn nữa khi nguồn cung tôm trên thị trường thế giới vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu. Muốn bứt phá vươn lên, Minh Phú phải thay đổi và chuyển đổi số là con đường tất yếu, giúp công ty có bước phát triển đột phá về cả vị thế, năng lực và quy mô tăng trưởng, nâng cao giá trị cạnh tranh trên toàn cầu”, ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Minh Phú cho biết. Mới đây, công ty này đã lựa chọn FPT là đơn vị tư vấn chiến lược chuyển đổi số toàn diện. Ông Quang xác định, đây là một hành trình dài thú vị, nhiều triển vọng nhưng cũng có không ít thách thức. Tuy nhiên, Minh Phú và FPT sẽ cùng nhau tìm ra các vấn đề và cùng nhau giải quyết để hướng tới mục tiêu chung - Vươn tầm đẳng cấp toàn cầu.

Ba DN như EVNCPC, VNPost hay Minh Phú đã phần nào cho thấy sự vận động trong bức tranh chung của cộng đồng DN Việt Nam trên hành trình chuyển đổi số. Dù mỗi DN có một cách tiếp cận khác nhau, nhưng điểm chung giữa họ là tầm nhìn dài hạn, lớn lao và dám dấn thân vào hành trình nhiều thử thách này. “Chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn thế giới, là phương thức quan trọng giúp các DN, tổ chức đạt được những thành công mới. Đây là một hành trình dài và thay đổi với tốc độ rất nhanh. Để tham gia vào cuộc chơi lớn này, điều mà mỗi DN cần kíp nhất không phải ở sự am hiểu công nghệ hay đầu tư bài bản, to lớn mà là dám dấn thân và bắt đầu hành trình của mình”, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT FPT nhấn mạnh.

Sau nhiều năm tham gia các dự án chuyển đổi số với các công ty trên toàn thế giới, FPT đã đúc rút ra phương pháp luận chuyển đổi số FPT Digital Kaizen với ba nguyên lý cơ bản: Nghĩ lớn - Khởi động thông minh - Phát triển tốc độ. Cụ thể, “Nghĩ lớn” là gắn kết chiến lược kinh doanh và chiến lược chuyển đổi số với cách tiếp cận 360 độ. “Khởi động thông minh” là xác định các vấn đề trọng yếu nhất, lựa chọn giải pháp phù hợp và khả thi với DN, chọn đúng người vào đúng việc, chọn phương án thử nghiệm dễ triển khai và mau chóng đem lại thành công cụ thể. “Phát triển tốc độ” là chuẩn bị sẵn sàng phương án để mở rộng quy mô toàn doanh nghiệp một khi các thử nghiệm được thực hiện thành công. Trong đó, “khởi động thông minh” là yếu tố quan trọng nhất...

Rõ ràng, chuyển đổi số đã không chỉ diễn ra ở các DN trẻ mà còn ở cả các công ty hàng trăm năm tuổi hoặc các công ty đang ở vị thế dẫn đầu thế giới. Tin rằng, với phương hướng đầu tư sáng suốt này, sẽ ngày càng có nhiều hơn DN Việt Nam phát triển bền vững và đủ sức cạnh tranh trên thị trường thế giới.