Hiểm họa mất an toàn lao động

Tai nạn lao động (TNLĐ) xảy ra hằng năm gần đây đang có chiều hướng gia tăng về số vụ cũng như mức độ nghiêm trọng. Không ít lao động đã thiệt mạng, song sự phối hợp của các cơ quan chức năng để giảm thiểu những vụ việc thương tâm dường như vẫn chưa đạt kết quả như mong muốn. Vì thế cần phải có sự cương quyết hơn nữa của cơ quan quản lý Nhà nước, chủ sử dụng lao động và ý thức của người lao động, chung tay vì môi trường lao động an toàn, hiệu quả.

Các công nhân cần chủ động tự bảo vệ mình trong lao động, nhất là trên những công trình nhà cao tầng. Ảnh: Nguyễn Đăng
Các công nhân cần chủ động tự bảo vệ mình trong lao động, nhất là trên những công trình nhà cao tầng. Ảnh: Nguyễn Đăng

Tăng số vụ và mức độ nghiêm trọng

Theo báo cáo từ Cục An toàn lao động, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB và XH), trong năm 2017 cả nước đã xảy ra 8.956 vụ TNLĐ (bao gồm cả khu vực có quan hệ lao động và khu vực người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động). Đáng tiếc là đã có tới 898 vụ làm 928 người chết, còn số người bị thương nặng trong các vụ TNLĐ là 1.915 người. Các vụ TNLĐ không những gây ra nỗi đau xé lòng cho các thân nhân người bị chết mà còn để lại hậu quả về cả tinh thần lẫn thiệt hại vật chất cho xã hội.

Nhìn sâu hơn vào bức tranh này, giai đoạn 1995 - 2005 cho thấy trung bình mỗi năm xảy ra khoảng 2.600 vụ, làm 260 người chết. Còn sang đến giai đoạn 2006 - 2016 số TNLĐ đã lên tới 6.000 vụ/năm, làm 600 người chết, thiệt hại khoảng 200 tỷ đồng. Năm 2016, cả nước xảy ra gần 8.000 vụ. Như vậy số TNLĐ đã tăng hằng năm cả về số vụ lẫn mức độ nghiêm trọng. Có rất nhiều nguyên nhân, đôi khi chỉ là một sơ suất rất nhỏ như dừng xe ô-tô trên dốc cao để bốc hàng, trượt chân ngã, tường đổ... Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia thì TNLĐ thường xảy ra do một số nguyên nhân như người sử dụng lao động, người lao động vi phạm các quy định về an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ). Đặc biệt, các DN coi thường việc tổ chức huấn luyện ATVSLĐ cho người lao động; Không kiểm tra định kỳ về kỹ thuật an toàn đối với các thiết bị, máy móc có yêu cầu nghiêm ngặt; Không xây dựng kế hoạch ATVSLĐ, không thực hiện khám sức khỏe định kỳ cho người lao động, không trang bị phương tiện bảo hộ. Một điều khác nữa là thiếu kiểm tra giám sát, quản lý lỏng lẻo vấn đề ATVSLĐ. Về phía người lao động thiếu ý thức tuân thủ pháp luật về ATVSLĐ, không sử dụng thiết bị an toàn lao động, nhất là những lao động tự do làm việc tại các công trình xây dựng. Mặt khác, việc DN trốn tránh không thực hiện báo cáo tình hình tai nạn lao động cũng tiềm ẩn nguy cơ sinh ra TNLĐ...

Qua đánh giá, cho thấy có hơn 45% nguyên nhân xảy ra do người sử dụng lao động. Phân tích cụ thể các nguyên nhân, lãnh đạo Bộ LĐ-TB và XH cho biết, DN để xảy ra TNLĐ thường vi phạm vào “ba không”, gồm: “Không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn chiếm 14,6% tổng số vụ; Không huấn luyện hoặc huấn luyện an toàn lao động chưa đầy đủ cho người lao động chiếm 12,31 %; Không có thiết bị bảo đảm an toàn, chiếm 10% …”.

Ông Nguyễn Tiến Tùng, Chánh Thanh tra Bộ LĐ-TB và XH cho biết thêm, việc các DN được báo trước khi đoàn Thanh tra đến làm việc cũng là một nguyên nhân khiến cho TNLĐ gia tăng vì đây là kẽ hở để họ bưng bít thông tin, che đậy những sai sót trong công tác bảo đảm an toàn lao động.

Hiểm họa mất an toàn lao động ảnh 1

Công tác bảo đảm an toàn cho lao động ngành than cần được quan tâm hơn.

Kiên quyết xóa bỏ tình trạng “ba không”

Chung quanh con số báo cáo TNLĐ xảy ra trong từng năm, theo nhiều chuyên gia lao động là khó chuẩn xác, bởi qua số liệu điều tra từ phía các cơ sở y tế và bệnh viện, số người chết do TNLĐ cao gấp hai đến ba lần con số thống kê. Hiện chỉ có các DN Nhà nước, DN FDI (doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài) báo cáo về tình hình TNLĐ, còn các DN vừa và nhỏ thì hầu như không. Còn ông Nguyễn Tiến Tùng, Chánh Thanh tra Bộ LĐ-TB và XH cũng chỉ ra các số liệu thống kê TNLĐ chưa sát với thực tế là do DN thỏa thuận, bưng bít thông tin. Khi để xảy ra tai nạn, nhiều đơn vị sử dụng lao động (đặc biệt là trong khai thác khoáng sản tư nhân, xây dựng nhà ở dân dụng) đã thỏa thuận đền bù với gia đình người bị nạn hoặc điều chỉnh sai lệch hồ sơ, tính chất vụ việc nhằm che đậy những sai sót trong công tác bảo đảm an toàn lao động.

Bộ LĐ-TB và XH cho biết, hiện các sở lao động thuộc các tỉnh, thành phố đang khẩn trương thu thập các số liệu về TNLĐ xảy ra trong sáu tháng đầu năm 2018. Tuy chưa có con số cụ thể nhưng có thể thấy diễn biến về tình hình TNLĐ trên cả nước đang rất phức tạp. Dưới góc độ địa phương, ông Nguyễn Quốc Việt, Trưởng phòng An toàn lao động, Sở LĐ-TB và XH thành phố Hồ Chí Minh cho biết, tại TP Hồ Chí Minh, việc nâng cấp hạ tầng cũng như xây dựng các chung cư cao tầng, nhà ở dân dụng rất nhiều nên sử dụng lao động phổ thông cũng rất lớn và không được tập huấn về ATVSLĐ dẫn đến tai nạn ngày càng gia tăng. Trong ba tháng đầu năm 2018, toàn thành phố xảy ra 15 vụ tai nạn làm chết người.

Nhằm ngăn ngừa tình trạng TNLĐ đang có xu hướng gia tăng, Cục An toàn lao động (Bộ LĐ-TB và XH) đang đề nghị thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, trước mắt tập trung xóa bỏ nguyên nhân ba không đã nói ở trên. Cụ thể, ông Lê Tấn Dũng, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB và XH yêu cầu các đơn vị cung cấp dịch vụ huấn luyện ATVSLĐ. Các DN phải bảo đảm thời gian, điều kiện, chương trình tập huấn cho người lao động, nếu cố tình móc nối với DN để hợp thức hóa sẽ rút giấy phép, thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng. Đồng thời, phải tăng cường kiểm tra giám sát các lỗi vi phạm quy trình quy chuẩn an toàn lao động không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân.

Về lĩnh vực pháp luật, sẽ cố gắng sửa Luật Lao động sao cho phù hợp với Công ước 81 của quốc tế để khi thanh tra về ATLĐ không cần phải báo trước cho DN. Tăng mức xử phạt đủ sức răn đe, buộc DN phải thực hiện đúng ATLĐ. Tích cực tuyên truyền về ATLĐ không chỉ trong Tháng hành động về ATVSLĐ mà rải đều trong cả năm với nhiều nội dung, hình thức phù hợp, hiệu quả. Các DN phải bảo đảm môi trường lao động an toàn, bảo đảm sức khỏe cho người lao động tốt hơn. Trong năm 2018, tập trung giải quyết vấn đề ATVSLĐ trong những ngành nghề có nguy cơ cao như ngành xây dựng, tải điện, vật liệu xây dựng, khai thác hầm mỏ.

Một trong những vấn đề cốt lõi, các cơ quan chức năng cần yêu cầu và có biện pháp thanh kiểm tra buộc các DN quan tâm, chỉ đạo để người lao động tuân thủ nghiêm ngặt các quy định như: Quy trình an toàn điện, an toàn lao động trong mọi công tác; chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật trong việc quản lý, sử dụng, vận hành các thiết bị, vật tư.

Các gia đình có người gặp tai nạn, tiếc thay, họ đã mất đi các trụ cột gia đình. Điều đó khiến chúng ta đau lòng, và phải hành động.