Hệ sinh thái cho “đầu tư có tâm”

Đó là đề xuất của ông Phan Đức Hiếu (trong ảnh) - Phó Viện trưởng Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) trong cuộc trả lời phỏng vấn Báo Nhân Dân cuối tuần.

Hệ sinh thái cho “đầu tư có tâm”

- Báo cáo nghiên cứu hiện trạng DNXH tại Việt Nam cho thấy, làn sóng khởi nghiệp mới đối với DNXH tại Việt Nam đang lên cao, đó là làn sóng “đầu tư có tâm”. Là chuyên gia kinh tế, ông đánh giá thế nào về hiện trạng của mô hình doanh nghiệp này tại Việt Nam hiện nay?

- Hầu hết các DNXH ở Việt Nam đang thực hiện sứ mệnh tạo việc làm. Họ đang hỗ trợ những người có hoàn cảnh khó khăn và đang nuôi dưỡng không gian cho phụ nữ và những người trẻ tuổi đảm nhận vai trò lãnh đạo. Gần một nửa các nhà lãnh đạo DNXH là phụ nữ, lớn hơn so với 37% ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN).

Thực tế là có một làn sóng mới của các DNXH khởi nghiệp ở Việt Nam, 35% trong số khảo sát chỉ mới hoạt động từ năm 2015 và phần lớn lãnh đạo là những người trẻ tuổi. Trong khi đó, cũng có nhiều DNXH là DN quy mô nhỏ, với 40% số DN có doanh thu dưới 1 tỷ đồng, và hơn một phần ba có doanh thu lớn hơn 5 tỷ đồng. Một kết quả đáng mừng, DNXH ở Việt Nam đều hoạt động có lợi nhuận, hơn 60% số người trả lời cho biết hoạt động kinh doanh của tổ chức có lợi nhuận vào năm 2018, trong khi 6% trả lời là hòa vốn và chỉ 10% làm ăn thua lỗ. Đây là những DN dựa vào hoạt động kinh doanh là nguồn thu nhập chính.

Tạo việc làm là mục tiêu phổ biến nhất của các DNXH tại Việt Nam. Trung bình, mỗi DNXH tại Việt Nam sử dụng 42 nhân viên toàn thời gian. Trong khi hầu hết các DNXH là các DN siêu nhỏ và nhỏ, có một số DN vừa, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực sản xuất thủ công mỹ nghệ. Tuy nhỏ, nhưng đáng mừng là tác động xã hội của các DN lại lớn.

- Chính sách hỗ trợ DNXH đã có nhưng chưa được cụ thể hóa đang là nguyên nhân khiến cho số lượng DNXH chưa thể tăng được, quan điểm của ông về vấn đề này?

- Chính phủ đã xây dựng một khung chính sách toàn diện để hỗ trợ các DNVVN nói chung, trong đó bao gồm cả DNXH; nhưng còn thiếu chính sách riêng, đặc thù cho các DNXH. Thực tế DNXH cũng đã là đối tượng được hưởng lợi từ chính sách chung. 74% số DNXH được khảo sát nói rằng, họ đã được hưởng lợi từ các chương trình hỗ trợ của các tổ chức trung gian. Tuy nhiên, chính sách hỗ trợ nhìn từ góc độ DNXH có hai vấn đề cần quan tâm. Thứ nhất, là khó khăn trong thực thi các chính sách chung bởi những hạn chế của DNXH về năng lực, trình độ, cơ hội tiếp cận thông tin, mô hình kinh doanh,… Thứ hai, nhiều DNXH vẫn mong muốn có chính sách hỗ trợ thiết thực, phù hợp loại hình DNXH, đặc biệt trong vấn đề tiếp cận vốn, tiếp cận các nhà đầu tư, phát triển kỹ năng lãnh đạo, công nghệ, mặt bằng và thông tin...

- Một hệ sinh thái cho DNXH có phải là giải pháp cần phải tính đến không, thưa ông?

- Đúng là cần phải xây dựng được hệ sinh thái cho DNXH hình thành và phát triển. Điều đó đòi hỏi sự tham gia của tất cả các bên có liên quan, từ Nhà nước, khách hàng, người tiêu dùng, nhà đầu tư, giáo dục, đào tạo,…

Các bên có liên quan như các tổ chức trung gian, vườn ươm khởi nghiệp, các nhà tài trợ và các phương tiện truyền thông cần có nhiều hành động hơn nữa để nâng cao nhận thức và hiểu biết về DNXH tại Việt Nam. Các mạng lưới hệ thống, nền tảng, các hội thảo, hội chợ thương mại, diễn đàn và các trang web có thể giới thiệu tiềm năng của DNXH, mô hình kinh doanh, thành tựu và tác động xã hội, gắn kết DNXH với nhau và với doanh nghiệp khác.

Các tổ chức giáo dục đại học, các trường đại học và các tổ chức nghiên cứu nên tích cực hơn trong đào tạo, thúc đẩy, nâng cao nhận thức và hiểu biết về DNXH, nhằm nuôi dưỡng và phát triển thế hệ các doanh nhân xã hội trong tương lai. Các chương trình tài trợ, các cuộc thi và giải thưởng cũng có thể khuyến khích khởi nghiệp tạo tác động xã hội.

Các DNXH cần quan tâm nhiều đến việc thể hiện giá trị xã hội của doanh nghiệp. Các nhà đầu tư có lẽ nên đặt thêm các mục tiêu xã hội ngoài các mục tiêu kinh tế, tích cực tham gia kinh doanh cùng DNXH.

Về phía Chính phủ, thiết nghĩ nên tiếp tục nghiên cứu để có các chính sách hỗ trợ cụ thể, thiết thực cho DNXH; tạo kênh khuyến khích và thúc đẩy DNXH như chính sách mua sắm. Khung pháp lý cũng cần được xem xét cải thiện, thí dụ xem xét việc xử lý thuế đối với các khoản đóng góp cho DNXH, Chính phủ cũng nên xem xét làm thế nào để nâng cao hiểu biết và nhận thức của chính quyền địa phương, cũng như các cơ quan chính phủ về DNXH.

Về phía người tiêu dùng cần ưu tiên mua sản phẩm chất lượng tốt và phù hợp giá cả của DNXH, thay đổi thói quen tiêu dùng ủng hộ sản phẩm thân thiện môi trường của các doanh nghiệp vì mục tiêu môi trường, xã hội, nhằm tạo cú huých cho các doanh nghiệp này ngày càng phát triển.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Trung bình, mỗi DNXH tại Việt Nam hoạt động để hỗ trợ gần 2.000 người, chủ yếu là từ các cộng đồng địa phương.